Hôn nhân là một sự kiện quan trọng và hạnh phúc của một đời người, điều đó là chắc chắn là đúng rồi (với độ chính xác 95% theo thống kê sinh học). Tuy nhiên, có những kiểu mời đám cưới và cách chọn những nhà hàng mà họ tổ chức tiệc cưới mà những nhân viên (nghèo) như tôi cảm thấy băn khoăn (thật ra là những nỗi ám ảnh thì đúng hơn) mà tôi cảm thấy cần phải viết vài dòng cho đỡ bức xúc. Số là một ông xếp lớn của tôi (lớn lắm) vì từ cấp chuyên viên của tôi đến vị trí ông ấy phải bắc mấy lần thang mới tới lận, thế nhưng trong dịp đám cưới của con ông thì tất cả nhân viên từ anh lái xe đến chị lao công trở lên đều có (bị) thiệp mời. Thế là người ta sẽ tự hỏi làm thế nào mà sếp lại có thể nhớ đến tên của từng nhân viên của mình như thế. Nếu thật như vậy thì hẳn sếp phải là một ...thiên tài. Sau khi tìm hiểu kĩ hóa ra không phải thế. Khi mời đám cưới, sếp chỉ cần mang một xấp thiệp cưới đến và bảo cô nhân viên mang bảng lương ra cứ thế điền tên vào, thế là xong tất tần tật, từ chị lao công đến anh bảo vệ đều được "ưu ái" trở thành khách mời của sếp nhé, đố "thằng nào" dám không đi hoặc không gửi tiền.
Điều thứ 2 tôi muốn nói là nơi người ta tổ chức tiệc cưới. Vẫn biết là đời sống dân ta ( tính trên bình quân) thì hằng năm đều tăng, hay ít ra là vẫn hơn thời kì toàn dân phải ăn bo bo, sắn luộc nhưng mức thu nhập của những phó thường dân như tôi (dù đã được ưu ái lãnh 2 lần lương ThS) thì vẫn chưa đủ sống. Thế nhưng có lẽ các sếp thường thích bài ca "ai cũng hiểu chỉ một mình không hiểu" nên luôn tổ chức đám cưới cho con cháu ở những nhà hàng sang trọng, thậm chí là sang quá mức cần thiết đến nỗi những thằng nhân viên như chúng tôi, dù đã hết sức cắn răng buộc bụng mà khi bỏ vào phong bao chúc mừng đến 5 xị mà vẫn còn cảm thấy ái náy! Ôi cái kiểu tổ cưới tiệc mừng (hay buồn) kiểu này thì đúng là phô trương quá, lãng phí quá và ...vô cảm quá nhưng người ta vẫn cứ tiến hành và chúng tôi vẫn cứ (mím môi) đi. Đúng là một tấn trò đời!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét