Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Mời đọc quyển "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" là một văn kiện chính thức của Bộ Ngoại Giao nước ta công bố vào ngày 4 - 10 - 1979 do NXB Sự Thật phát hành (không phải tài liệu phản động đâu nhé). Đọc đi để thấy hết tình cảm "hữu nghị" của nước bạn dành cho chúng ta là như thế nào. Lịch sử luôn là tấm gương chân thật nhất giúp chúng ta soi xét lại mọi việc, để nhận rõ bạn hay thù từ đó mới có giải pháp đối phó cho phù hợp. Chúng ta đã phạm rất nhiều sai lầm và đã phải trả giá rất lớn về điều đó. Không ai không có sai sót, điều đó cũng đúng cho một dân tộc, nhưng đừng bao giờ lặp lại một sai lầm quá nhiều lần!

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Về dự án Bauxite - viết tiếp

Theo báo cáo của chính phủ (CP) trình lên quốc hội (QH) ngày 23-5-09 thì tuổi thọ của đại dự án này kéo dài 50 năm. Như vậy, nếu một nhiệm kì QH là 5 năm thì phải cần đến 10 nhiệm kì liên tục mới giám sát xong dự án này. Như vậy, điều cần phải quan tâm trước tiên là tính kế thừa về chức năng giám sát của quốc hội. Ai trong chúng ta cũng biết rằng do tư duy nhiệm kỳ, những người có trách nhiệm sẽ rất dễ dàng trút bỏ trách nhiệm của mình lại cho người kế cận mà người ta thường nói một cách mỉa mai là "hạ cánh an toàn". Đến lượt mình, người kế thừa cũng không ngần ngại chối bỏ trách nhiệm vì đây là "chuyện đã rồi". Thực tế cho thấy, chỉ nội việc giám sát xây dựng một cây cầu, một con đường với thời gian vài ba năm thôi chúng ta cũng đã không làm nổi và để xảy ra biết bao nhiêu tiêu cực thì với một dự án lớn với quy mô trải dài cả không gian và thời gian này thì sao? Câu hỏi này xem ra cũng không khó trả lời!
Một câu hỏi nữa là tính minh bạch trong việc "đưa quân ta giám sát quân mình" đến đâu? Cần phải nhìn nhận là từ trước đến giờ, những vụ án lớn như PMU18 hay vụ quota Bộ Thương Mại đều do nhân dân và báo chí phát hiện chứ các cơ quan thanh tra các cấp từ trung ương đến địa phương đâu có phát hiện được gì. Sự kiện mới nhất là vụ scandale trên trang web vietnamchina.gov.vn cũng do một blogger là Lê Tuấn Huy phát hiện chứ có phải một cơ quan quản lý thông tin nào đâu. Nói vậy để thấy rằng hiệu quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước là rất thấp, giờ đây lại giao cho họ giám sát vụ này thì ai dám tin.
Qua những bài viết trên bauxitevietnam.info, có thể thấy rằng lẫn trong những phân tích đầy sắc sảo và trách nhiệm cùa các chuyên gia, nhà khoa học, trong những cảnh báo có pha lẫn lo âu của các nhà quân sự hay các cựu chính khách, chúng ta vẫn cảm nhận được một sự cay đắng và bất lực của họ. Sự thật của hiểm họa thì rành rành ra đó, nhưng can gián không ai nghe, còn đại đa số quần chúng nhân dân thì bị bưng bít thông tin, thử hỏi những ai có chút lòng với quốc gia dân tộc không cảm thấy đau xót cho được. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Thôi thì nhiệm vụ của một công dân, một người (tạm cho là) trí thức phải làm tròn là tham gia kí tên vào bản danh sách kiến nghị, vậy thôi, còn biết làm gì hơn nữa. Nỗi lòng biết tỏ cùng ai...

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Tỏa hầu cầm nã thủ!

Kể từ khi Mã phó bang chủ Mã Đại Nguyên của Cái bang bị tên Bạch Thái Kính giết hại, môn công phu Tỏa Hầu Cầm Nã Thủ cũng từ đó vắng bóng trên giang hồ. Mọi người đều tưởng rằng nó đã vĩnh viễn bị thất truyền. Thế nhưng trong thời gian gần đây, nó lại được các đại nội cao thủ sử dụng và thủ pháp xem ra còn kì ảo biến hóa gấp bội so với Mã Đại Nguyên khi xưa.
Thật ra luận trên võ công mà nói Tỏa hầu cầm nã thủ cũng chỉ được liệt vào hạng trung bình. Xét về độ cương mãnh, nó còn thua xa Hàng Long Thập Bát Chưởng hay Đại Lực Kim Cương Chưởng. Xét về tính âm độc nó cũng không bằng Huyền Minh Thần Chưởng hay Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Điểm kì đặc duy nhất của môn công phu này là chủ yếu tấn công vào yết hầu của đối phương. Là dân học võ ai cũng biết rằng yết hầu là yếu huyệt quan trọng bậc nhất, ai bị đánh vào đó sẽ chết ngay. Tuy nhiên, môn Tỏa Hầu Cầm Nã Thủ mà các đại nội cao thủ sử dụng ngày nay đã có nhiều biến đổi. Nó không có mục đích giết người mà chỉ làm cho đối thủ bị á khẩu hoặc làm cho giọng nói của họ bị thay đổi. Rất nhiều cao thủ sau khi trúng phải chiêu này đã trở nên câm điếc hoặc nếu có nói thì chính bản thân người đó cũng không còn nhận ra ngay cả giọng nói của mình. Nó đã hoàn toàn thay đổi! Điều này thật là nguy hiểm và là mối nguy hại cho võ lâm. Môn công phu này đã trở thành khắc tinh của Thiên Lý Truyền Âm, Truyền Âm Nhập Mật hay cả ... Sư Tử Hống. Đến nước này thì Kim Mao sư vương cũng phải chạy dài.
Như đã nói, môn công phu này không lợi hại đến mức độc bá thiên hạ thế nhưng tại sao anh hùng trong thiên hạ đều chịu khuất phục và sợ nó như vậy. Theo lời đồn đãi trên giang hồ, lí do thứ 1 là các cao thủ sử dụng chúng thường ra tay rất thâm hiểm độc ác, luôn thừa lúc đối phương bất cẩn liền ra tay tập kích. Thủ đoạn của bọn này thì ngay cả Lão độc vật Âu Dương Phong hay Ngụy quân tử Nhạc Bất Quần đều phải cam bái hạ phong. Lí do thứ 2 quan trọng hơn là những người này đều là người của triều đình, đứng đằng sau chúng là những thế lực rất lớn nên khi làm điều ác có lỡ bị phát hiện thì cũng chỉ bị cảnh cáo hoặc tự vả vào mặt 3 cái nhẹ để... nhắc nhở. Vì vậy, bọn chúng ngày càng hoành hành bá đạo không kiêng dè gì cả, mục hạ vô nhân. Ngay cả bậc tông sư võ học tinh thông kỳ môn độn giáp cỡ như Hoàng đảo chủ (Hoàng Tụy) hay Diệu thủ y vương (Nguyễn Văn Tuấn) cũng phải bó tay đứng nhìn.
Các bậc cao nhân cỡ Hoàng lão tiền bối giờ đây thường cảm thấy chán nản và bất lực. Mỗi khi buồn phiền thế sự, ông chỉ còn biết lấy ngọc tiêu ra thổi bài "Bích hải triều sinh khúc" để tiêu sầu.

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Thêm 2 tân vương nữa là Inter và Barca!

Cũng trong đêm qua 16/5/2009, châu Âu đã chính thức ghi danh 2 tân vương nữa của 2 nền bóng đá Tây Ban Nha và Italia. Điều đặc biệt là hai nhà vô địch mới đã không cần ra sân vẫn có thể chính thức nhận ngôi vô địch do hai đối thủ đang bám đuổi họ là AC Milan và Real Madrid đã đồng loạt thất thủ ở lượt đấu này. Trong khi AC Milan thất thủ trên sân Udinese với tỉ số 1 - 2 thì Real cũng tiếp tục loạt trận tồi tệ của họ khi để cho "Tàu ngầm vàng" Villarreal nã 3 phát vào lưới và chấp nhận thua với tỉ số 2 - 3. Đây là một mùa giải đầy thất vọng đối với cả Milan và Real. Cũng phải thấy rằng, ở những câu lạc bộ mà chủ tịch luôn can thiệp quá nhiều vào chuyên môn và chính sách chuyển nhượng (AC Milan) hay có sự mâu thuẫn trong nội bộ (Real) thì một kết quả xấu là điều khó tránh khỏi. Thiết nghĩ ở bất cứ một tổ chức nào cũng vậy, phải có một cơ chế bổ nhiệm và giám sát hợp lí thì tổ chức đó mới có thể vận hành tốt được. Người được bổ nhiệm (ở đây là HLV) phải có toàn quyền trong kế hoạch chuyển nhượng cầu thủ, bố trí đội hình thi đấu. Chủ tịch đội bóng chỉ giữ nhiệm vụ quảng bá thương hiệu, thu hút tài trợ và nhất là cung cấp nguồn tài chính dồi dào để phát triển đội bóng. Chỉ với một cơ chế vận hành như vậy thì mới có thể đem đến sự thành công, còn tình trạng nhập nhằng về chức năng chỉ có thể dẫn đến sự rối rắm và thất bại, nói như ngôn ngữ bóng đá là đá sai vị trí!

MU vô địch Premier League!

Vào lúc 20h45' ngày 16/5/2009, MU đã bảo vệ thành công ngôi vô địch sau khi thủ hòa không bàn thắng với Arsenal trên sân nhà Old Straford. Tuy không phải là fan hâm mộ của MU nhưng tôi rất khâm phục tài năng huấn luyện của Sir Alex. MU dưới sự dẫn đắt của ông luôn là một đội bóng đầy bản lĩnh, biết cách vượt qua áp lực trong những lúc khó khăn nhất. Đây là phẩm chất của một nhà vô địch! Thành thật chúng mừng MU và các fan hâm mộ của họ. Chúng ta còn một trận chung kết Champion League đầy hứa hẹn trước mắt khi cả 2 đội Barca và MU đều có những cầu thủ xuất sắc và luôn trung thành với lối đá tấn công. Tôi sẽ ủng hộ Barca và Messi. Hi vọng Barca sẽ giành được cú ăn ba lịch sử trong năm nay và cá nhân Messi sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2009.

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Bút sa, Tây Nguyên chết!

Mọi sự được bắt đầu từ Bản tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (theo bản tin của TTXVN,3/12/2001), trong Bản tuyên bố chung có đoạn:
"Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông".


Nếu chỉ nhận xét đơn thuần trên câu chữ, chúng ta cũng có thể thấy đoạn văn trên có vấn đề: một đoạn văn đang đề cập đến những thỏa thuận hợp tác rất tổng quát lại kèm theo sau nó một câu đề cập cụ thể đến tên của một dự án. Đây là lỗi trong cách hành văn mà nếu tinh ý ai cũng có thể thấy được. Ai cũng thấy, chỉ một người ...không thấy. Và thế là mọi sự rắc rối từ đây phát sinh. Ông bà ta đã có câu "Bút sa, gà chết" hay "Trật con toán, bán con trâu" với ngụ ý nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận trong từng câu chữ trong tính toán, giao dịch. Điều này lại càng cần thiết đối với những người đang nắm trong tay vận mệnh của một đất nước, một dân tộc. Thế mà...

Cần phải nhắc lại để thấy rằng, hiệp ước hợp tác khai thác bauxite này được kí mà chưa một lần được đem ra bàn bạc trước Quốc hội để giờ đây khi nó đã thành hình và bắt đầu triển khai, người dân mới bật ngửa. "Cả nể cho nên sự dở dang", áp dụng câu thơ của Hồ Xuân Hương cho sự việc này được chăng?! Trong bài thơ, nữ sĩ chỉ muốn đề cập đến sự nhẹ dạ cả tin của một người con gái khi trót lầm tin vào một gã sở khanh, để đến khi mọi việc lỡ làng thì "Mảnh tình một khối thiếp xin mang". Ở đây, cái giá phải trả cho sự nhẹ dạ ấy đắt hơn cả ngàn vạn lần. Rồi đây, nếu đại dự án này được triển khai (mà gần như chắc chắn nó phải như vậy) thì những tổn hại cả trước mắt lẫn lâu dài này ai phải gánh chịu đây. Cái giá của sự nhu nhược luôn rất đắt. Năm xưa, vua Trần vì ý chí của toàn dân mà đứng lên chống giặc, kết quả ta đã khuất phục được quân Nguyên xâm lược. Nhà Nguyễn chủ trương đình chiến, cắt đất cho giặc, cuối cùng phải chịu mất nước. Bài học lịch sử hãy còn sờ sờ ra đó, dám xin tất cả đừng quên!

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Đất siêu rẻ đây, có ai mua không?

Dự án Bất Nhân, Bất Khế Cơ!
4000đ/m2, đó là giá đền bù đất nông nghiệp cho hàng trăm hộ dân thuộc khu vực đang tiến hành dự án alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông. Nghe cứ tưởng như chuyện đùa. Vậy là từ các cấp lãnh đạo cao nhất đến chính quyền và lãnh đạo của Cty cổ phần alumin Nhân Cơ - TKV đang có một sự thống nhất cao độ trong việc "khai thác" triệt để vùng đất này. Rồi đây, khi dự án đáng nguyền rủa này chính thức đi vào hoạt động, nó sẽ còn gây ra cho người dân và môi trường nơi đây những điều tồi tệ gì nữa đây. Thật đáng sợ cho sự vô cảm và ngoan cố của những người cầm quyền. Họ đã phớt lờ tất cả những lời cảnh báo và can gián nghiêm túc nhất của các nhà khoa học trong và ngoài nước mà vẫn ngang nhiên cho triển khai dự án. Không những thế, với một bộ máy truyền thông trong tay, họ sẵn sàng chụp mũ "cực đoan", "phản động" cho những ai không có cùng quan điểm với họ. Thật đáng sợ. Tôi sợ rằng rồi sẽ có lúc các nhà trí thức sẽ không còn đủ sự kiên nhẫn và lòng can đảm để đưa ra những lá thư thỉnh nguyện nữa. Lúc đó sẽ là một thảm họa cho đất nước và dân tộc này. Có người từng nói rằng "Người cầm quyền sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm, người trí thức sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì họ không làm". Đối với các nhân sỹ trí thức trong và ngoài nước (mà cụ thể là hơn 100 nhà khoa học đã kí tên trong lá thư thỉnh nguyện), họ đã làm hết trách nhiệm rồi. Vấn đề là có ai nghe và dám nghe những lời can gián đó hay không?!
Chúng ta không thể sống và phát triển bằng việc khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia. Chúng ta lại càng không thể trở thành nơi cung cấp nguyên liệu thô với giá rẻ và là nơi thử nghiệm các công nghệ khai thác lạc hậu của người Trung Quốc. Mong các nhà lãnh đạo cấp cao nhất hãy nên phản tỉnh. Hơn 1000 năm Bắc thuộc đã qua rồi, đừng đem tổ quốc này trở về đêm trường nô lệ nữa.

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Phản hồi bài viết của ông Nguyễn Ngọc Trân

Phản hồi bài "Để làm đúng kết luận của Bộ Chính trị về Bauxit ở Tây Nguyên"

Đối với một đại dự án có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến môi trường, kinh tế, xã hội và nhất là an ninh quốc gia như dự án Bauxit lẽ ra phải có những nghiên cứu vô cùng cẩn thận trước khi tiến hành khai thác. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Mặc dù chưa có những đánh giá, nghiên cứu thấu đáo nhưng các điểm khai thác ở Nhân Cơ và Gia Rai đã khởi động. Trước bức xúc của các nhà cách mạng lão thành, các nhà khoa học trong và ngoài nước và người dân, Bộ Chính Trị đã có phản ứng bằng cách "cho rà soát" lại ảnh hưởng của dự án. Chưa bàn đến việc tại sao và dưới áp lực gì mà không cho ngưng ngay một dự án hại nhiều hơn lợi trên, mà ngay cả từ ngữ "rà soát" cũng khiến người ta khó hiểu. Rà soát tức là vẫn cho làm, dưới sự giám sát của địa phương và các bộ ngành. Tuy nhiên, lấy gì đảm bảo cho những báo cáo lên trên mang tính trung thực cao. Nguyên ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân thì có mối quan ngại rằng trình độ sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính Trị. Một nỗi lo có lý. Thế nhưng ở đây lại đặt ra một câu hỏi: Những người nắm quyền điều hành dự án to lớn này là ai mà trình độ kém thế?! Rồi còn những vị đang quản lý, điều hành các dự án lớn khác thì sao, câu trả lời xin nhường lại cho các vị có thẩm quyền.
Nỗi lo thứ 2 mà ông Nguyễn Ngọc Trân đưa ra là các hội nghị "phản biện" được dàn cảnh. Đây là điều có thật và có vẻ như nó đang diễn ra đối với dự án này. Bất chấp những quan ngại của các nhà khoa học, bất chấp những lá thư thỉnh nguyện đầy bức xúc và thiết tha của họ, bất chấp những lý lẽ, lập luận đúng đắn thì dự án vẫn đang tiếp tục được tiến hành. Tại sao vậy? Cái gì đã khiến cho dự án này không thể ngưng được. Tại sao người ta vẫn cho tiến hành một dự án đầy mạo hiểm này bằng mọi giá?!
Nỗi lo thứ 3 là khả năng phối hợp giữa các bộ ngành, Tập đoàn khoáng sản và địa phương. Thật ra, khi một dự án càng có quá nhiểu bên hữu quan tham gia thì nỗi lo "cha chung không ai khóc" càng lớn. Qua những vụ sai sót trong quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm hay trước đây là PMU 18, chúng ta sẽ thấy rõ sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền như thế nào. Khi xảy ra sai sót hay tiêu cực, các vị có trách nhiệm sẽ sẵn sàng "đăng đàn" trước Quốc Hội để mong chối tội, nếu nhận lỗi thì bất quá chỉ dừng ở mức nhận khuyết điểm.

Phần kết bài viết của ông Nguyễn Ngọc Trân rất có lý. Vấn đề là chúng ta phải chăm lo cho đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như thế nào, chứ không phải áp đặt cho họ một dự án mà họ không hề mong muốn. Trong hai cuộc chiến tranh, đồng bào đã làm tất cả để giúp đỡ cách mạng, không lẽ giờ đây họ phải đón nhận một "món quà" đền ơn đáp nghĩa kiểu như vậy?!

Bài viết của ông Nguyễn Ngọc Trân
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6906/index.aspx

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009

Don't even think about it!

Don't even think about it!

Khẩu hiệu "cổ phần hóa", "xã hội hóa" hay "nhà nước và nhân dân cùng làm" đang bị lạm dụng nghiêm trọng. Theo tôi, cho đến giờ này chất lượng đào tạo của các trường ĐH dân lập, bán công hay tư thục gì gì đó vẫn còn là điều đáng bàn. Trên thực tế, phần lớn những sv theo học các trường này đều là những người không thể đỗ vào các đại học công lập. Vì vậy, có thể nói chỉ tính trên chất lượng đầu vào thì sv trường tư cũng đã kém rồi. Với xu hướng chuộng bằng cấp như hiện nay, các gia đình khá giả đều muốn con em mình phải theo học một ĐH nào đó bất kể chất lượng ra sao. Nắm bắt được nhu cầu trên, rất nhiều nhà đầu tư (mà phần lớn là giảng viên của các trường công) có vốn và ra ngoài để làm ăn. Có thể nói đầu tư vào lĩnh vực giáo dục là siêu lợi nhuận. Thử nhìn vào mức học phí sv trường tư phải đóng sẽ thấy được điều đó. Một đặc điểm nữa là các trường tư thường tỏ ra rất nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng của xã hội và luôn mở ra nhiều ngành học rất hấp dẫn, mặc dù trong thực tế họ chưa có đủ nguồn lực về cơ sở vật chất và con người để đào tạo. Một ví dụ là hầu hết các trường dân lập hiện nay đều có ngành Công nghệ Sinh học. Tất cả những ai làm việc trong ngành này đều biết nó đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn về trang thiết bị và con người. Vì vậy, trong hoàn cảnh thiếu đủ thứ như hiện nay, chất lượng sv các trường này sau khi tốt nghiệp sẽ như thế nào?!
Con người ta làm gì đi nữa cũng không nằm ngoài hai chữ danh và lợi. Tôi không nói tất cả các trường công lập đều tốt đẹp, nhưng dù sao đi nữa thì những các tên như ĐH Y Dược, Bách Khoa, Kinh Tế vẫn là mơ ước của tất cả mọi sv vì thương hiệu các trường này đã được thử thách trong một thời gian dài.

Cuộc sống này không bao giờ có sự bình đẳng thật sự. Quyền lựa chọn vẫn hay nằm trong tay những người có nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, tìm cách cắt nốt cơ hội vươn lên của phần lớn thanh niên (nhất là ở vùng sâu, vùng xa) là một việc làm phi đạo đức. Vì vậy, don't even think about it!

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Bắt đầu dịch sách

Ngày hôm nay (6/5/09) bắt đầu dịch quyển sách Thiết kế thí nghiệm của Robert O Kuehl. Đây là một thử thách lớn với người sơ cơ như mình, nhưng có con đường thiên lý nào lại không bắt đầu bằng những bước đầu tiên. Thôi thì cứ làm theo hạnh nguyện "Nhất bộ nhất bái" thôi. Phải kiên trì mục tiêu và luôn tuân thủ nguyên tắc "Ngay bây giờ". Phải, ngay bây giờ.
Nam mô Thường tinh tấn Bồ tát.

Đánh thức tâm huyết khoa học...

Đánh thức tâm huyết khoa học như thế nào?

Theo như nhận định của ông Lâm Bá Nam (Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Khoa học xã hội- Nhân văn- ĐH QGHN), đồng tiền chưa phải là "vật cản" trong NCKH của người thầy mà theo ông nguyên nhân chủ yếu của tình trạng yếu kém trong nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH là do các giảng viên trẻ thiếu tâm huyết! Đúng là trăm dâu đổ đầu tằm, người cán bộ trẻ lại là nguyên nhân chủ yếu của sự yếu kém này. Tôi nghĩ oan cho họ quá. Theo như chỗ tôi biết qua những giảng viên trẻ là bạn bè của tôi thì thu nhập của họ là một vấn đề cần bàn đến. Ở độ tuổi trên dưới 30, tức là đã trải qua hơn 5 năm công tác, hiện giờ mức lương của họ vẫn chỉ đủ chi trả cho một đời sống khá chật vật. Trong việc giảng dạy, họ chỉ được tham gia ở mức độ rất hạn chế, vài chục tiết giảng /học kì. Hỏi ra mới biết là do các bậc cây đa cây đề đã giành phần hết rồi, hi hữu lắm thì chỉ "nhường" cho một số môn buổi tối hoặc khi các vị đi nước ngoài.
Còn kinh phí nghiên cứu lại càng hạn chế. Bạn tôi đang nhận một đề tài cấp Bộ (nghe oai quá), nhưng cũng chỉ vỏn vẹn vài chục triệu đồng. Chắc cũng chỉ vừa đủ để mua hóa chất và có việc cho mấy đứa sv làm đề tài. C'est tout!.

Theo qui định của trường, ai có 1 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế sẽ được đánh giá tương đương với 500 giờ dạy! Thế nhưng với hoàn cảnh hiện tại, tôi nghĩ đây vẫn chỉ là một ước mơ xa vời.

Người ta thường gán cho những người trẻ nhiều trách nhiệm phải thực hiện, điều này đúng. Thế nhưng nếu chỉ giao trách nhiệm mà không có những quyền lợi (hay chí ít là những phương tiện đi kèm) thì trách nhiệm kia sẽ không thể thực hiện được. Người ta không thể tiếp tục duy ý chí mãi được. Xin đừng viện dẫn về lịch sử, về một thời hào hùng của quá khứ mà đem so sánh với hoàn cảnh hiện tại. Chúng tôi không chối bỏ trách nhiệm của mình, nhưng cũng mong người khác đừng đem những phê phán thiếu thực tế áp đặt cho chúng tôi.

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Được tin bạn xuất gia (dù chưa xác minh thông tin có chính xác không) nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy hơi buồn. Tại sao vậy nhỉ, tôi cũng không biết nữa. Lẽ ra đó phải là tin vui chứ, bạn đã chẳng viết trong mail là "Báo hỉ" còn gì. Cuộc đời này lại có thêm một chúng sinh giác ngộ tìm về nẻo an vui, giải thoát. Phải vui lên mới được!!

Tôi nhớ lại lần chúng ta cùng đi lên Bát Nhã. Trên đường đi, một tai nạn ngoài ý muốn xảy ra. Tuy không nghiêm trọng nhưng đến giờ trên tay tôi vẫn còn vết sẹo, một vết sẹo trong lòng bàn tay trái và nó đã trở thành một đường chỉ tay. Thật lạ!

Chuyến đi đó tôi đã lần đầu tiên gặp Sư ông Làng Mai, được nghe pháp thoại, được sống những ngày thật "chậm", thật chánh niệm và thật hạnh phúc bên tăng thân, bên tất cả mọi người về Bát Nhã tu học trong những ngày đó, và bên bạn nữa chứ.
Bạn nhớ không, từ cảm hứng sau chuyến đi ấy mà tôi đã viết tặng bạn một bài tùy bút. Đó là những cảm nghĩ chân thành về tình bạn, về những gì tôi mới được khám phá từ bạn, tôi như mới phát hiện ra mình đã từng có một người bạn như thế, từ rất lâu rồi, vậy mà sao tôi lại không nhận ra nhì?

Giờ đây bạn đã tìm cho mình một hướng đi mới, đã bắt đầu một cuộc hành trình hướng về lí tưởng giải thoát. Tôi mừng cho bạn. Bạn đã chọn thật đúng nơi để qui y, để tu học. Chọn Bát Nhã, bạn sẽ được sống trong một tăng thân vững chãi, an toàn để tu học. Lòng từ bi của các thầy, các sư cô, sư chú, sư anh, sư chị sẽ nâng đở bạn, sẽ tiếp sức cho bạn trong những ngày đầu chập chững, sẽ theo suốt bạn trên con đường dài gian khổ tìm ánh sáng giác ngộ. Xin nguyện hồng ân Tam bảo sẽ phù hộ cho bạn, chúc bạn luôn tinh tấn trên đường đạo.
Nam mô Đức bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Tự thuật

Tôi tên Hà Trần Minh Dũng, sinh ngày 04 tháng 10, năm 1980, quê quán Tây Ninh. Đây là bài viết đầu tiên của tôi trên blog. Tôi hi vọng đây sẽ là nơi trao đổi thân thiện giữa những bạn bè, anh em cùng chí hướng. Tôi là một fan trung thành của GS. Nguyễn Văn Tuấn. Sở thích của tôi là Công nghệ sinh học thực vật, Thống kê sinh học, Phật giáo và bóng đá. Câu lạc bộ yêu thích của tôi là AC. Milan, cầu thủ yêu thích dĩ nhiên là Paolo Maldini.