Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Những bài học về giữ nước

Bài này thú vị đây, nhưng do không hiểu gì về phong thủy nên không dám "bình loạn". Hi vọng vài ngày tới sẽ có cao nhân viết bài phản hồi. Người đó là ai, Cao tiên sinh chăng?!
HTMD

Những bài học về giữ nước

KTS Trần Thanh Vân

Lời giới thiệu.
Thần núi Tản Viên là một trong những huyền thoại in đậm trong ký ức người Việt từ rất nhiều đời. Đó là cả một chùm sự tích xâu chuỗi với nhau, từ câu chuyện một chàng trai trẻ khởi đầu cắm gậy ở núi Tản Viên, trải qua việc chàng cưới con gái vua Hùng, rồi cuộc tranh tài cao thấp “năm năm báo oán đời đời đánh ghen” giữa hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh, cho đến những hệ quả của trận thư hùng chưa bao giờ dứt ấy đưa đến sự hình thành địa mạo một quốc gia Việt Nam uốn lượn như con Rồng ngày nay mà mắt Rồng là Hồ Tây với bao nhiêu kỳ tích còn để lại trong địa danh và truyền thuyết: Đầm Xác Cáo, Đầm Trâu Vàng…

Trong vòng mấy thập niên lại đây, Hồ Tây đã và đang bị con người xâm hại bằng nhiều cách, làm cho mặt Hồ bị co dần lại từng tháng từng ngày. Rừng đào Nhật Tân đỏ thắm hàng năm gần ngay ven hồ đã không còn dấu vết, thay vào đấy là những dãy nhà cao tầng Made in In Đô lạnh lùng sừng sững. Giờ đây, lại đang có nguy cơ rừng hồng xiêm Xuân Đỉnh sẽ bị triệt hạ để cho phía Tây Hồ Tây dựng lên một bức tường bê tông kiểu Hàn còn trơ tráo hơn thế, ngang nhiên che khuất Tản Lĩnh hàng nghìn năm luôn soi bóng xuống lòng Hồ như một sự chiếu ứng linh thiêng mà nhà thơ nổi tiếng đời Trần Phạm Sư Mạnh đã nhắc tới trong thơ. Những việc ấy sẽ để lại hậu quả gì? Chúng có liên quan gì đến cái cơ thể con Rồng đang ngày một lở loét đau nhức vì mọi sự chặt phá, bới đào… mà kẻ hưởng lợi quyết không phải là dân tộc này, một dân tộc không ngu xuẩn cũng không hám lợi?

Và khi bị đâm thọc vào lưng – vào tử huyệt – thì Rồng có cam lòng chịu chết không hay là sẽ quẫy? Và quẫy như thế nào? Bằng kiến thức nhiều mặt của một nhà kiến trúc am hiểu sâu môi trường học (environnement), cùng với cái học về phong thủy, về Kinh Dịch, và với bản lĩnh của một người hàng chục năm nay quyết dấn thân bảo vệ bằng được sự nguyên vẹn của Hồ Tây, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân đưa ra vài lời giải đáp với chúng ta về những “động loạn trái lẽ trời” do ai đó gây ra mà lịch sử đất nước từng chứng kiến hoặc đang hứng chịu. Trang mạng bauxite xin giới thiệu ý kiến của chị, để bạn đọc cùng thử suy ngẫm về ý nghĩa thực tiễn nằm phía sau những lời giải đoán tưởng như rất huyền vi này.

Nguyễn Huệ Chi

Từ truyền thuyết xa xưa…

Dân tộc nào cũng có những câu chuyện truyền thuyết và truyền thuyết nào cũng xuất phát từ một hiện tượng có thật xảy ra ở đâu đó, được nhân dân lưu truyền và kiểm chứng. Có những câu chuyện rất xác thực, được kể lại với những tình tiết rất xúc động, được nhân dân truyền tụng râm ran, nhưng chỉ một thời gian sau, chuyện đó bị lãng quên. Không ai phê phán, không ai nghi ngờ, nhưng có lẽ do tính tiêu biểu của câu chuyện không cao, kể cả thời gian lẫn phạm vi ảnh hưởng, nên mọi người tự cho phép mình được quên đi. Ngược lại có những chuyện nghe ra thật phi lý, nhưng không ai thắc mắc về những điều phi lý đó, câu chuyện luôn luôn được nhắc lại, được bổ sung nhiều tình tiết diệu kỳ và được sống mãi trong lòng dân.

Chuyện giao tranh giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh với sự tích Vua Hùng kén rể là một trong những truyền thuyết sống đời trong lòng dân như thế. Hàng ngàn năm qua, Sơn Tinh là nhất đẳng Sơn Thần, là Tản Viên Sơn Thánh, là vị Thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử, được nhân dân cả nước mãi mãi tôn thờ là như vậy. Đền Thượng, nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh ở trên trục tọa độ 21 độ 3’ 28’’ Bắc Vĩ tuyến và 105 độ Kinh Đông 21’ 57’’, đỉnh núi này cao 1226 m so với mặt biển và là một trong ba đỉnh núi cao tạo nên Cụm núi Ba Vì.

Có lẽ đã được bàn tay tạo hóa khéo léo sắp đặt, nên cũng trên 21 độ 3’ 28’’ Bắc Vĩ tuyến này, dịch sang phía Đông khoảng 25Km, tại 105 độ 49’ 9’’ Kinh Đông, có một địa điểm rất đặc biệt mà trong dân gian lưu truyền rằng đó là huyệt đạo quốc gia.

Huyệt đạo quốc gia này là gì? Đóng vai trò gì trong việc thịnh suy của dân tộc mà tại sao cả người trong nước và kẻ ngoại bang đều quan tâm đến nó như vậy? Xin phép điểm qua một số sự kiện mà đến nay sách vở vẫn còn lưu truyền.

1. Gần 2000 năm trước, khi Mã Viện được triều đình Đông Hán cử sang dẹp cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng thì ông ta đã là một vị tướng già đầy tài năng. Cuộc chiến diễn ra thật không cân sức, Mã Viện đã nhanh chóng đánh tan được đội quân của Trưng nữ Vương ở Kinh đô Mê Linh, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị quyết không chiụ rơi vào tay giặc, để bảo toàn khí tiết, hai bà nhảy xuống dòng Hát Giang tự vẫn. Chiến thắng mà không cảm thấy vẻ vang, trên đường thu quân trở về, tướng Mã Viện nghỉ lại bên bờ Hồ Dâm Đàm (tức là Hồ Tây ngày nay), ở đó ông ta đã nếm trải những ngày khiếp sợ và thấy hôí hận về hành động tận truy, tận diệt của mình. Hình ảnh “mặt hồ đầy khí lam chướng, đến nỗi đàn diều hâu bay lượn trên hồ đều bị lộn cổ rớt xuống nước” chứng tỏ Mã Viện đã đến vùng trung tâm của Hồ Dâm Đàm tức Bán đảo Tây Hồ ngày nay, nơi đó có huyệt đạo quốc gia mà ngày nay nhân dân ta thường nhắc tới, đàn chim mà ông ta nhìn thấy trong tâm trạng thảng thốt đó chắc không phải là diều hâu mà là Sâm Cầm, cho đến ngày nay, đêm đêm Sâm Cầm vẫn thường bay về sà xuống Hồ Sen nơi đây, đã từng khiến nhiều kẻ có tà tâm khiếp sợ.

2. Sau Mã Viện 800 năm lại có viên quan Tiết độ sứ của vua Đường Trung Tông là Cao Biền. Ông này là một thầy phong thủy kỳ tài, khi sang nước ta nhận chức, ông thầy phong thủy này đã đi khắp nơi trên đất nước ta để tầm long điểm huyệt, ông ta đã viết hẳn một cuốn sách có tên là Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự. Cao Biền không ngờ rằng trên đất nước nhỏ bé này lại có nhiều báu huyệt sản sinh ra nhiều hiền tài đến thế. Theo chỉ đạo của vua Đường, Cao Biền đã cố công trấn yểm rất nhiều nơi, nhưng ông ta đều thất bại. Chuyện kể rằng ở quanh thành Đại La, nơi Cao Biền đã xây dựng “Kinh đô” cho mình và đã tự xưng là Cao Vương, ông ta đã cho yểm rất nhiều bùa huyệt, nhằm củng cố vị trí cai trị vững chắc của mình và nhằm ngăn cản thế lực nổi dậy của nhân dân Giao Chỉ, nhưng ông ta đã uổng công. Không chỉ có vậy, nghe nói ở chính trên đỉnh Tản Viên Sơn, Cao Biền định thực hiện một âm mưu gì đó nên cũng đã bị Tản Viên Sơn Thánh tát vào mặt và hốt hoảng bỏ chạy. Vào lúc cuối đời, số phận con người có tài nhưng thâm hiểm này chẳng ra gì, điều đó cho thấy độc ác, tàn bạo thì trước tiên bị vận vào thân.

3. Mùa xuân năm 1010, sau khi lên ngôi ở Hoa Lư, Vua Lý Thái Tổ đã đi thuyền ngược sông Hồng vào thăm thành Đại La của Cao Vương để lại từ 200 năm trước. Nhờ có sự dìu dắt của Thiền sư Vạn Hạnh về phong thủy được phát hiện từ thời Cao Biền để lại, nhà vua đã đỗ thuyền giữa Hồ Tây để chứng kiến hiện tượng Rồng cuốn nước mà sách phong thủy goị là Long quyển thủy được phát tích tại chính huyệt đạo quốc gia là vị trí Đền Kim Ngưu cạnh Phủ Tây Hồ ngày nay. Người quyết định dời đô về La Thành, lấy tên là Thăng Long và tự tay viết bản Thiên Đô Chiếu ngắn gọn chỉ có 214 chữ với tứ văn quan trọng: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng cuộn Hổ chầu, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước.

Một quyết định trọng đại được nhà vua ban ra một cách nhanh chóng và được quần thần nhất trí thông qua chỉ dựa trên những phát hiện về phong thủy đã từng bị kẻ thù Phương Bắc nhăm nhăm triệt phá, chứng tỏ sự táo bạo và sáng suốt của Vua-Tôi thời bấy giờ. Lịch sử diễn biến ngót 1.000 năm qua chứng tỏ sự lựa chọn đó là vô cùng chuẩn xác. Hai trăm năm trở lại đây với việc kinh đô dời vào Phú Xuân-Huế (1802-1945) và việc lập ra Tỉnh Hà Nội và xây dựng Thành phố Hà Nội (1831- 2009) đã đẩy đất nước vào cảnh lao đao. Vậy về phong thủy, về âm dương ngũ hành có vi phạm điều gì cấm kỵ không? Thiết nghĩ lúc này phải nhận thức được căn nguyên của sự lao đao đó để tìm quyết sách và từng bước vãn hồi.

Đến truyền thuyết thời nay

1. Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và chọn Hà Nội là Thủ đô, nhưng có lẽ hai chữ Hà Nội và hai chữ Việt Nam không “tương sinh” nên Chính phủ VNDCCH thành lập chưa được bao lâu thì toàn quốc kháng chiến nổ ra. Chính phủ và nhân đã phải bỏ Hà Nội ra đi, lên trú ngụ ở chiến khu Việt Bắc để trường kỳ kháng chiến.

2. Ngày 1/1/1955 Chính phủ VNDCCH chính thức ra mắt quốc dân mười năm trước đã trở về lại Thủ đô Hà Nội, “Hòa bình đã lập lại” nhưng nửa nước vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

3. Ngày 2/9/1955, lần đầu tiên ở quảng trường Ba Đình diễn ra cuộc mít tinh trọng thể và biểu tình mừng Quốc khánh sau 9 năm thành lập nước. Người ta thấy đội quân nhạc danh dự mặc lễ phục mầu trắng, giầy da mầu đen, mũ kê-pi, ngù tua vàng… đứng ngay trước lễ đài. Sau đội quân nhạc là các cháu thiếu nhi quần xanh, váy xanh, áo trắng, khăn quàng đỏ, tay cầm cờ và hoa. Trước đội quân nhạc là khoảng trống cho các đoàn quân duyệt binh, các đội diễu hành và đặc biệt đó cũng là “sân khấu” cho các đoàn văn công dừng lại biểu diễn. Ai đã được chứng kiến cảnh đó sẽ không bao giờ quên được các cô văn công vừa đi vừa múa, nổi trội nhất là điệu múa Hoa sen của đoàn văn công Tề Tề Cáp Nhĩ đến từ Trung Quốc. Váy áo xiêm y cực kỳ lộng lẫy và cô nào cũng đẹp như những nàng tiên.

4. Chiều ngày 11/9/1955 ở Hồ Tây nổi lên một cơn lốc dữ dội, trong phút chốc cướp đi 4 mạng người, trong đó có cô diễn viên chính trong điệu múa Hoa sen của đoàn Tề Tề Cáp Nhĩ tên là Khương Nãi Tuệ và chàng nghệ sĩ thổi sáo Phùng Tử Tồn. Còn hai người nữa là ai thì không thấy nói tới. Ngày đó tình hữu nghị Việt – Trung – Xô thắm thiết lắm, đến đâu người ta cũng thấy thanh niên nam nữ nắm tay nhau xếp thành vòng tròn cùng vỗ tay múa hát tập thể bài

Thắm thiết tình Việt Trung Xô.

Đế quốc càng nhiều mối lo,

Đó là tình người lao động,

Mối tình tràn ngập núi sông

Nhưng không hiểu sao sau cơn lốc dữ dội chiều hôm đó, khắp Hà Nội lại râm ran bàn về một âm mưu yểm huyệt để phá Long mạch ở Hồ Tây nhưng không thành. Chuyện đó thực hư thế nào không ai biết, báo chí không hề đăng, thủ phạm không bị vạch mặt, nhưng chỉ biết cơn lốc là có thật, người chết là có thật và những người chứng kiến là có thật và nhiều người trong số họ đang còn sống khoẻ mạnh.

5. Đầu năm 1979, không cần giấu mặt, người bạn phương Bắc từng thân thiết như môi với răng ngang nhiên tấn công biên giới nước ta. Đúng là môi hở thì răng lạnh, nhưng răng cắn thì môi đau.

6. Năm 1998, dự án Thủy Cung Thăng Long sử dụng hơn 20 ha đất thiêng ở Tây Hồ. Đúng tại nơi xưa kia Vua Lý Thái Tổ đã dừng thuyền quyết định viết Thiên Đô Chiếu (21 độ vĩ bắc 3’ 28’’). Dự án đã được một Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt và một phó Thủ tướng nữa ký quyết định cấp 21 ha đất thiêng. Đây là một dự án được hình thành do lòng tham lam và sự ngu dốt chứ chưa hẳn đã có dụng ý phá hoại. Nhưng cho dù vì động cơ gì mà một kẻ có chức có quyền lại vi phạm vào vùng đất thiêng của huyệt đạo quốc gia, kẻ đó sẽ nếm đủ đòn trừng phạt. Bởi vậy tuy dự án này mới bắt đầu, hậu quả tai hại chưa kịp gây ra, nhưng đã có kẻ phải vào tù, một Phó Thủ tướng mất chức, mất luôn cả chân Đại biểu Quốc hội và Ủy viên Trung ương; một Phó Chủ tịch thành phố Thủ đô mất chức và mất tất cả. Hình phạt quả là nặng. Phải chăng đó là lời nhắc nhở cho những ai có quyền, có chức, biết sai mà vẫn cố tình làm và còn định hại người khác?

7. Ngày 29/5/2008 Quốc hội đã thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo cấu trúc phong thủy “TỰA NÚI NHÌN SÔNG – RỒNG CUỘN HỔ NGỒI”. Nếu chúng ta hiểu ý nghĩa của trục phong thủy đó, khơi thông dòng nước để phục hồi Long mạch, và nếu Thủ đô ta nhanh chóng lấy lại tên Thăng Long để ta có quan hệ Hỏa – Thổ tương sinh thì tình hình sẽ dần tốt đẹp lên. Nhưng hôm nay đang có 3 dự án xằng bậy uy hiếp sự an ninh của quốc gia:

Một là dự án KHU ĐÔ THỊ TÂY HỒ TÂY 100% VỐN HÀN QUỐC MANG PHONG CÁCH HÀN QUỐC RỘNG 210,43ha Ở TRÊN TRỤC LONG MẠCH 21 độ 3’ 28’’, TRÊN ĐƯỜNG NỐI TỪ ĐỀN THƯỢNG NÚI TẢN VIÊN VỀ TỚI ĐẦM TRỊ BÊN PHỦ TÂY HỒ.

Hai là dự án NHÀ HÁT THĂNG LONG Ở NGAY TRÊN KHU ĐẤT ĐỊNH LÀM THUỶ CUNG THĂNG LONG 10 NĂM TRƯỚC.

Ba là dự án BAUXTE Ở TÂY NGUYÊN.

Xin hãy nhìn vào hình Con Rồng Việt Nam do Tiến sĩ Phạm Gia Minh cung cấp. Nếu dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây và Dự án Nhà hát Thăng Long ở đầu con Rồng nước Việt, thì dự án Bauxite lại ở phần đuôi Rồng.

2192
Con Rồng nước Việt. Phạm Gia Minh vẽ

Trước tiên xin hãy bảo vệ cái đầu. Nếu một cơ thể có cái đầu sáng suốt, lành mạnh, thì các bộ phận khác cũng sẽ lành mạnh, thậm chí khi đuôi Rồng quẫy một cái thì những kẻ bám theo ở phần đuôi, ở phần ngoài rìa như biên giới, hải đảo sẽ rơi rụng. Nhưng nếu cái đầu bị rỗng nát, LONG MẠCH bị triệt thì nước mất nhà tan.

Thưa quý độc giả,

Tôi viết những dòng này hết sức chân thành với mong muốn khai minh mở tuệ cho những ai đầu óc đang u tối. Mong hãy tin rằng Tản Viên Sơn Thánh Ngài rất công bằng và rất sáng suốt. Xin hãy hết sức lưu tâm đến lời nhắc nhở hôm nay.

TTV

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập Your browser may not support display of this image.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

Chú voi con ở bản đôn, hi hi


Chú voi con nhìn rất dễ thương, trông chú hồn nhiên quá. Nhưng hãy con chừng "bạn" chú đấy!

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Học văn!

Mấy ngày qua dư luận xôn xao cho ý kiến về kết quả thi môn văn của thí sinh ĐBSCL khá thấp. Nói chung có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó có cả do "giáo viên chấm sát với đáp án " quá nên kết quả mới như vậy. Trong khi việc chấm điểm các môn tự nhiên như môn toán hay lý thường dễ dàng hơn do có câu trả lời và đáp án rõ ràng thì môn văn là môn học của cảm xúc, của trí tưởng tượng bay bổng và của sự cảm nhận cá nhân. Với đặc điểm trên thì việc áp dụng một đáp án cứng nhắc cho môn học này là việc khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến triệt tiêu khả năng sáng tạo của một học sinh nếu có một bài nào đó viết không đúng với "đáp án". Chưa biết thực hư thế nào nhưng theo phân tích của GS. Nguyễn Văn Tuấn thì độ tin cậy (CV) của kết quả thi PTTH trong vài năm gần đây ở ĐBSCL luôn rất thấp (0,08), điều này có nghĩa là bệnh thành tích ở miền Tây cũng thấp tương ứng. Theo tôi đây là một điều đáng mừng!
Tuy nhiên, những địa phương có thành tích đỗ tốt nghiệp PTTH cao (cũng như điểm thi môn văn khá tốt) khoan vội vui mừng. Theo một số thông tin tôi được biết thì học sinh ở thành phố HCM có một cách học văn khá kì quái và khổ nhọc là học ...thuộc lòng. Trong năm lớp 12, các bài văn đạt điểm cao của hs các khóa trước, thậm chí là của trường khác sẽ được photo lại và hs chỉ cần theo đó mà tụng. Cách thức kiểm tra của thầy cô giáo trong trường là kiểm tra mức độ thuộc lòng của các em. Thật là hết chỗ nói. Vì bệnh thành tích hay để được "an toàn", người ta đã biến các em thành những cái máy cassette chạy bằng cơm. M. Gooki từng nói "Văn học là nhân học", câu nói này đã phản ánh chính xác tầm quan trọng của môn văn trong việc hình thành nhân cách của một con người, hay thậm chí có thể thông qua lời văn mà ta có thể đánh giá nhân cách của họ. Thế nhưng giờ đây học sinh chúng ta đang phải sống bằng sự vay mượn cảm xúc, không biết rồi đây có ai cho họ vay nốt nhân cách hay không?

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Bài trả lời phỏng vấn của Cao tiên sinh

Mấy hôm trước đọc bài này của Cao tiên sinh (Cao Tự Thanh), thấy hay nhưng không biết chia sẻ với ai bèn gửi cho GS Tuấn. Không ngờ thầy còn đọc trước cả mình, dễ sợ thật. Đây là một số nhận xét của thầy, post lên để bà con tham khảo.

HTMD

Dear Dũng,

Tôi có đọc bài đó (bản gốc) từ tuần trước, và thấy tác giả phân tích có phần đúng, nhưng có phần thì hình như mâu thuẫn. (Còn phần nón bảo hiểm là ông ấy tầm bậy và lạc đề và khá vô duyên vì ông ấy không hiểu triết lí của y tế công cộng.)

Vấn đề đạo đức xuống cấp ở nước ta bây giờ là vấn đề rất lớn. Nhưng nếu nói “xuống cấp” thì hàm ý của câu đó là chúng ta có tiêu chuẩn đạo đức (phải có chuẩn mới biết xuống hay tăng cấp!) Do đó, tôi nghĩ vấn đề có lẽ không phải phi chuẩn mực đạo đức, mà là loạn chuẩn mực đạo đức. Loạn chuẩn mực đạo đức ở ngay chỗ ông ấy phân tích: Tàu, Tây, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, v.v… những chuẩn mực này mâu thuẫn và đấm đá nhau. Cộng với tình trạng giáo dục một thời gian dài không dạy về đạo đức học. Nói ra thì cả một bài.

Tôi nghĩ rằng cái gọi là suy đồi đạo đức là một hiện tượng giao thời của xã hội ta. Những năm bao cấp, đạo đức là những tuyên truyền, những lí thuyết mơ hồ được gò ép liên tục. Sau thời bao cấp, các giá trị đạo đức đó bị phá sản, và nảy sinh ra thói thực dụng. Thói thực dụng vừa trở nên phổ biến, vừa trở nên phức tạp hơn. Điều này giải thích tại sao vài bác sĩ chẳng có đạo đức nghề nghiệp là gì. Nó không còn là phản kháng lại sự tuyên truyền các qui phạm đạo đức trước kia, mà đã nhiễm sâu vào lối sống hàng ngày. Cái tính thực dụng, cá nhân chủ nghĩa và theo vật chất mới chính là mầm móng của tình trạng trong lúc giao thời này, chứ chưa chắc là suy đồi đạo đức.

Bài phỏng vấn của Cao tiên sinh (Copy lại từ blog của tác giả)

Trước nay đã sợ thì không nói, mà đã nói thì không sợ. Vốn rất thông cảm với các vị, đi trên lề phải do kẻ khác chỉ cho mà cũng phải rón rén, nên khi trả lời đã rất thận trọng và tự kìm chế. Nhưng đã giao hẹn không dùng thì thôi chứ không cắt xén mà các vị thất tín, đăng một cái bài đầu voi đuôi chuột thì uổng một phen thưa chuyện với người thiên hạ, nên đành post nguyên văn bài phỏng vấn của các vị ở đây để chờ nghe công luận, vậy thôi.
_____

Nguồn gốc tội phạm: Xã hội phi quy chuẩn

Tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay xảy ra ngày càng nhiều, trong đó một hiện tượng nổi bật là vì những chuyện không đáng gì người ta cũng có thể đánh nhau giết nhau. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng hiện tượng nói trên có nguồn gốc là do xã hội Việt Nam đang rơi vào tình trạng phi quy chuẩn, tình trạng này là kết hợp sự yếu kém về pháp lý, sự lạc hậu về giáo dục – thông tin và sự phức tạp về cấu trúc xã hội. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

1. Chuẩn gì cũng có nhưng không có chuẩn gì là chuẩn

Nhiều cấu trúc xã hội đan xen nhau

* Thưa ông, cấu trúc xã hội có liên quan gì đến tội phạm?

Mọi tội phạm lớn nhỏ đều có hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội. Xã hội Việt Nam từ khi Pháp đô hộ đã bị tái cấu trúc một cách bị động, mà tình trạng chiến tranh từ 1945 trở đi còn khiến nó liên tục bị xáo trộn về kết cấu tổ chức và ý thức hệ. Sau 1954 ở miền Nam, nếu là con em cộng sản thì người ta hoặc phải tiếp tục con đường của cha anh mà chống đối chính quyền, hoặc sẽ bị kiểm soát một cách đặc biệt. Ở miền Bắc nếu chẳng may là con cháu địa chủ thì sau cải cách ruộng đất là hết đường ngóc đầu. Căn bệnh thời chiến ấy qua thời bình cũng để lại một số di chứng trong đó nổi bật là tập quán phân loại công dân, sau 1975 tập quán ấy đã chia người dân thành nhiều nhóm có lợi ích kinh tế và nguyện vọng xã hội khác nhau. Tại các thời điểm khó khăn, nhiều trong các nhóm xã hội ấy phải sống trong một tâm lý thường xuyên cảm thấy mình bị thua thiệt. Nhìn từ khía cạnh đồng đại, sự phân hóa về mức sống, lối sống và quan niệm sống đang diễn ra khá hỗn loạn trên cái mặt bằng đa hệ ấy, nhóm nào người nào bị gạt ra khỏi các vòng quay tái sản xuất mở rộng thì dễ thấy mình không có tương lai, thậm chí nhiều chuẩn mực xã hội đối với họ cũng là đối tượng phá phách để xả stress.

Nhìn từ khía cạnh lịch đại thì nhiều cấu trúc xã hội khác nhau lướt qua lịch sử của dân tộc này quá nhanh như vậy còn khiến hiện nay chúng ta có một xã hội pha trộn các yếu tố của nhiều cấu trúc xã hội cả cũ lẫn mới đan xen vào nhau. Một đám cưới tổ chức hai lần, lần ở thành phố thì dùng công nghệ đám cưới với đủ loại nghi thức hiện đại, lần ở dưới quê thì cô dâu chú rể phải lạy lục các kiểu, tức họ ứng xử theo hai hệ chuẩn nghi thức cách nhau hàng mấy trăm năm.

Một người có bốn mẫu ruộng, hai con trai, trước khi chết nói chia cho mỗi người hai mẫu. Người con lớn không chịu, nói mình là trưởng nam nên phải được nhiều hơn, nếu không có thể y sẽ bạo hành với người em. Ở đây y đã suy nghĩ theo chuẩn mực của xã hội tông pháp chế được pháp chế hóa từ Luật Hồng Đức thời Lê tới Luật Gia Long thời Nguyễn. Đừng nói đạo đức ở đây vì nó không giải quyết được gì. Vấn đề thuộc một phạm trù khác.

Trong những trường hợp vừa nêu, sự phức tạp về cấu trúc xã hội là xuất phát điểm khiến xã hội Việt Nam đi từ chỗ có quá nhiều chuẩn mực tới chỗ phi quy chuẩn.

* Vậy làm sao để thống nhất các cấu trúc xã hội?

Xã hội của ta đang trong tình trạng đan xen nhiều cấu trúc nên có nhiều hệ chuẩn mực (còn chúng có đúng đắn và phù hợp hay không lại là chuyện khác). Muốn san bằng sự chênh lệch ấy thì ngoài việc phát triển kinh tế xã hội phải có một hệ chuẩn mực chính thống làm hệ quy chiếu, mẫu số chung. Nhưng hiện nay cái chuẩn mực chính thống ấy nó ẩm ẩm ương ương.

* Ẩm ương làm sao, thưa ông?

Chuẩn mực luôn có ba yếu tố là tính lợi ích, tính bắt buộc (khả năng chế định) và tính khả thi. Về tính lợi ích, trên thực tế vẫn còn nhiều xung đột. Ví dụ nếu nhà nước lấy đất của người dân rồi đền bù với giá 50.000 đồng/m2 để xây công trình công ích thì họ chịu vì có lợi cho họ, nhưng nếu sau đó lại quy hoạch rồi bán với giá cao gấp nhiều lần thì quan hệ giữa đôi bên phát sinh mâu thuẫn về lợi ích, và chuẩn mực về sự tuân thủ pháp luật nhất định sẽ bị vi phạm, vậy thôi.

Trên nguyên tắc, hệ thống pháp luật nội trị được dùng để điều chỉnh ba mối quan hệ tức giữa nhân dân với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan công quyền và trong nội bộ các cơ quan công quyền. Trong mối quan hệ giữa nhân dân với nhân dân, hiện tượng lờn luật đang khá phổ biến. Có nhiều tuyến đường ở thành phố giăng khẩu hiệu kiểu “Người tự trọng không đi lấn tuyến”, nhưng ở đó đường sá kẹt cứng, lô cốt giăng đầy thì người ta phải lấn tuyến. Chưa nói tới chuyện không khả thi, thì ý thức tự trọng và việc tuân thủ pháp luật là hai chuyện khác nhau, tuyên truyền pháp luật bằng cách hô hào đạo đức như vậy không có tính bắt buộc, làm sao người ta không lờn luật.

Các quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ trong nội bộ cơ quan công quyền cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thời Nguyễn, một con voi chiến ở Gia Định chết già, quan địa phương báo cáo về triều rằng con voi tên gì đó chết ngày tháng năm nào, cưa cặp ngà được mấy cân mấy lạng đã nộp vào kho, Minh Mạng phê “Đã biết”. Một cặp ngà voi mà Minh Mạng cũng đích thân kiểm soát thì tủn mủn thật nhưng rõ ràng hệ thống hành chính thời đó rất chặt chẽ. Còn hiện nay thì trong khoảng một năm, một vị Thứ trưởng bị bắt giam, được thả ra rồi phục hồi đủ thứ, kế lại bị cách chức, vậy công tội ra sao, được đánh giá theo chuẩn mực nào? Đó là chưa kể tới những kẽ hở pháp luật dễ tạo điều kiện cho người có thẩm quyền lạm dụng quyền lực hay né tránh đùn đẩy trách nhiệm, thì làm sao được.

* Còn các chuẩn mực phong tục và đạo đức được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác thì sao, thưa ông?

Xã hội càng phát triển thì các chuẩn mực càng phải toàn diện hơn và thấm vào các quan hệ xã hội đồng bộ hơn. Thế nhưng pháp luật là chuẩn mực có khả năng chế định mạnh nhất thì không phát huy được hiệu lực, phong tục và đạo đức thì ít có khả năng chế định, nhất là trong môi trường đô thị. Nhiều yếu tố trong hệ thống chuẩn mực đạo đức chính thống ở nước ta ngày càng không còn giá trị chuẩn mực, thứ đạo đức không cần nhân cách ấy đã trở thành một phương tiện tốt của loại người vô đạo đức rồi.

* Theo ông thì chuẩn mực xã hội bây giờ phải như thế nào?

Nó phải như thế nào thì do lợi ích chung của xã hội quy định. Tôi chỉ biết đã là chuẩn mực xã hội đúng đắn, nhất là những chuẩn mực điều chỉnh quan hệ giữa nhân dân với nhân dân thì bất kể thế nào cũng phải được thực thi. Chuyện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm là một ví dụ hai mặt đấy, vì nó chỉ giảm thiểu thiệt hại về tính mạng sau khi tai nạn giao thông xảy ra chứ không hề góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông như nhiều người đã đánh tráo khái niệm. Nước ta bây giờ chuẩn mực tồn kho còn xài chưa hết, chỉ thiếu kỷ cương vì lợi ích chung thôi.

2. Đụng là chém: Sự buông thả trong một xã hội bị nguyên thủy hóa

Quản lý yếu kém làm cơ chế lệch chuẩn xã hội càng thêm phức tạp

* Theo như ông phân tích thì các chuẩn mực chính thống làm hệ quy chiếu, mẫu số chung hiện nay ở nước ta cũng không phải là chuẩn mực nốt?

Đúng. Vì nó chưa hoàn toàn phù hợp và nhất là không được thực hiện nghiêm ngặt và triệt để. Nếu ví những cấu trúc xã hội khác nhau như những sứ quân thì giống như xã hội đang có 12 sứ quân, một sứ quân khác đứng lên dẹp loạn nhưng không dẹp được nên lại trở thành sứ quân thứ 13. Sự lệch chuẩn xã hội luôn mang tính chất lan truyền, xã hội càng phức tạp thì sự lan truyền ấy càng phức tạp. Chuyện này giống như tia sáng đi qua một tấm kính, ít nhiều bị lệch đi nhưng chỉ gãy một nhát thôi (quang học gọi là khúc xạ). Nhưng khi ghép hai tấm kính dày mỏng trong đục khác nhau lại thì nó vừa gãy nhát đầu lại gãy tiếp nhát nữa làm cho độ khúc xạ phức tạp hơn. Có thể nói sự quản lý yếu kém của chính quyền càng làm phức tạp thêm cơ chế khúc xạ ấy, vì đã ghép thêm vào đó một tấm kính không có năng lực điều chỉnh tương ứng.

Khi chuẩn mực xã hội đã lệch lạc méo mó thì người ta khó mà quan tâm tới cộng đồng, mà một xã hội bình thường lại luôn đòi hỏi mọi người phải quan tâm tới lợi ích cộng đồng mới bảo vệ được lợi ích cá nhân. Cô vứt rác ra đường, tôi và nhiều người ở các nhà bên cạnh cũng vứt rác ra đường, thì chúng ta sẽ cùng sống trong một khu phố đầy rác.

* Vậy những chuyện chẳng đáng gì cả vẫn đánh nhau, chém nhau là bắt nguồn từ…?

Từ hệ giá trị chung bị tan rã. Những chuyện như nhìn mặt thấy ghét: đánh, mời nhậu không uống: chém!… đều là dấu hiệu của một xã hội bị nguyên thủy hóa ở đó nhiều quan hệ lẽ ra phải chật chẽ trở nên lỏng lẻo, con người dễ hành động theo bản năng hơn. Vì không bị chế định đủ mức cần thiết nên con người dễ buông thả theo khả năng và sở thích của mình. Các chế định xã hội càng thiếu hiệu lực thì cái Tôi cá nhân càng có xu hướng mở rộng tới mức phi lý. Nếu cá nhân ấy có ưu thế gì đó thì y càng dễ làm càn. Một thiếu úy cảnh sát cậy thần cậy thế múa kiếm ở sân bay, lúc bị giữ còn hùng hổ nói chỉ làm việc với người lãnh đạo cao nhất ở thành phố Đà Nẵng thôi. Vị lãnh đạo ấy thì có quyền hành gì với sân bay mà y cũng nổ tung tóe như thế? Y không đủ sức làm càn bằng kiếm nên dùng bạo lực mồm đấy.

* Tại sao có nhiều người biết vi phạm có thể bị pháp luật trừng trị nhưng vẫn cứ làm?

Bởi vì có thể họ không bị trừng trị.

* Thực tế vẫn bị trừng trị đó chứ?

Hoặc là không, hay không ăn thua. Xác suất 50/50. Balzac có nói Pháp luật là một tấm mạng nhện, lũ ruồi to thì qua khỏi, lũ ruồi nhỏ thì bị vướng lại. Tôi mà là chính quyền thì gã thiếu úy côn đồ kia phải lãnh án tù giam cùng một khoản tiền phạt tương xứng với thứ oai phong lưu manh của y chứ không chỉ bị tước quân tịch mà thôi đâu. Pháp luật được đặt ra là để bảo vệ cho người yếu không bị kẻ mạnh hiếp đáp, người ngu không bị kẻ khôn lừa gạt, mà thực thi pháp luật như thế là để bảo vệ ai?

* Ông cho rằng sự lạc hậu về giáo dục – thông tin cũng góp phần đẩy xã hội đến chỗ phi quy chuẩn?

Mục tiêu giáo dục của xã hội hiện đại là trang bị kiến thức, kỹ năng để tất cả mọi người có thể bước vào đời một cách bình đẳng chứ không phải để biến họ thành công cụ của hệ thống chính trị. Hệ thống giáo dục – thông tin hiện đại phải góp phần đặt nền tảng tri thức cho năng lực sống của tất cả mọi người để họ có thể tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước, cần có sự độc lập nhất định mới có thể phản biện tích cực với hệ thống chính trị, tác động tốt tới sự phát triển xã hội. Trước 1945, Nam Kỳ thuộc Pháp là khu vực duy nhất có phong trào cộng sản công khai, có thể đấu tranh bằng cả báo chí, nghị trường chính vì được quản lý theo quy chế thuộc địa, có điều kiện giáo dục – thông tin gần với chính quốc nhất Việt Nam đấy.

Hơn 30 năm qua chúng ta vẫn chưa san bằng được sự chênh lệch giữa các nhóm xã hội về dân trí bằng hoạt động giáo dục - thông tin, mà chỉ dạy họ đồng ca một bản hợp xướng chính trị. Cho nên nước ta bây giờ có những người đạt tới tầm quốc tế về mặt tri thức, nhưng cũng có những người không biết tới cả những khái niệm pháp luật cơ bản nhất. San bằng sự chênh lệch về dân trí bằng chính trị là một con đường không có tương lai.

* Có nghĩa là sự quản lý của chính quyền còn nhiều thiếu sót?

Với tư cách là hệ thống chính trị chính thống của quốc gia thì nhà nước Việt Nam còn thiếu một nền tảng hành chính minh bạch và pháp lý nhất quán nên rất hay hô hào đạo đức lý tưởng này nọ. Còn với tư cách là một bộ máy hành chính thì nó còn rất lạc hậu về quan niệm và kỹ thuật quản lý, dễ đánh đồng quản lý với kiểm soát và kiểm soát với ngăn cấm nên lệnh cấm càng nhiều thì vi phạm càng tăng, thậm chí nhiều nhân viên và cơ quan nhà nước cũng vi phạm. Vì trình độ quản lý chưa được nâng lên tương xứng với các nhu cầu phát triển của xã hội và đất nước nên chính quyền hay hướng tới giới hạn các nhu cầu ấy trong phạm vi năng lực quản lý có hạn của mình, có khi còn hành xử một cách tùy tiện ngẫu hứng, kiểu như toan ra lệnh ngực lép thân lùn không được điều khiển xe máy, suýt nữa đã khoác cho bao nhiêu người một cái tội trời ơi. Còn có chuyện nhân cách và trình độ của nhiều người trong bộ máy công quyền nữa, đại diện cho quyền lực nhà nước mà phạm tội tư thì dốt nát hung hãn như côn đồ, phạm lỗi công thì lươn lẹo dối trá như lưu manh, ăn hối lộ thì như hạm mà nói đạo đức thì như két, tóm lại có nhiều điều phải chấn chỉnh lắm.

* Xin cảm ơn ông.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Thủ phủ cà phê toàn cầu

Bài này rất hay với những ý tưởng lớn, táo bạo. Tôi tán thành quan điểm của tác giả về tư tưởng phát triển bền vững. Thật ra tiềm năng nông nghiệp của chúng ta còn lớn lắm, vấn đề là ta có khai thác được hay không mà thôi. Theo các chuyên gia của CIRAD (Pháp), với diện tích đất canh tác nông nghiệp của vùng ĐBSCL của chúng ta có thể nuôi sống được khoảng 400 triệu người!. Nếu làm được 1/2 ước tính này thôi, chúng ta cũng ngon lành rồi!

HTMD

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=66&CategoryID=7&News=2895
Một mô hình phát triển cho Việt Nam:
THỦ PHỦ CÀ PHÊ TOÀN CẦU

02:54-16/06/2009

LTS. Cách đây 5 năm, Trung Nguyên đã hình thành ý tưởng về một mô hình phát triển mới cho vùng đất Tây Nguyên và Việt Nam. Và từ ý tưởng có tính đột phá đó đã dần hình thành Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu. Dự án này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ nhiều nhà khoa học, kinh tế, văn hóa,... ở trong nước và nước ngoài qua một số cuộc hội thảo tổ chức ở Hà Nội và Buôn Mê Thuột. Dự án đã được lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Đắk Lắk coi là một dự án trọng điểm trong chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh, và nhận được sự khích lệ, quan tâm của một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.






Biến động kinh tế toàn cầu, cạnh tranh gay gắt và sự tranh giành chiếm lĩnh các nguồn lực trên quy mô rộng khắp nhiều thập kỷ nay đã đặt Việt Nam trước những thách thức, và cả cơ hội. Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách và chủ trương mới ra đời, với mục tiêu phát triển dân sinh, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển bền vững... Tuy vậy, có không ít khó khăn và thách thức của thực tiễn trong quá trình đưa những chính sách đó vào đời sống kinh tế xã hội.
Bài viết này đưa ra một mô hình phát triển bền vững, của Việt Nam, do Việt Nam và vì Việt Nam, với kỳ vọng tạo ra hiệu ứng đan xen lợi ích to lớn và sâu sắc, tính liên thông đa diện kinh tế-văn hóa-xã hội-an ninh, dựa trên và phát huy ưu thế đặc sản cà phê và tinh thần cà phê toàn cầu, hệ sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa và lịch sử quốc gia… của vùng Tây Nguyên.
Sự kỳ vọng ấy được xây trên những nguyên liệu vững vàng, như thị trường sản phẩm dịch vụ cà phê tới 100 tỷ USD/năm, và sự gia tăng các không gian văn hóa cà phê toàn cầu, mà với lợi thế của một cường quốc cà phê, Việt Nam hẳn phải tìm được chỗ đứng có thứ hạng cao!


Toàn cầu hóa và thách thức tìm kiếm mô hình phát triển bền vững
Từ nhiều thập kỷ nay, câu hỏi nguyên lý “Làm sao để toàn cầu hóa đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững?” vẫn tiếp tục thách đố các mô hình kinh tế cho tương lai. Và chúng ta cần tái khẳng định nội hàm của những tư tưởng này.
Phát triển bền vững: Được sử dụng lần đầu vào năm 1987 trong tài liệu nghiên cứu Tương lai chung của chúng ta, của Liên Hợp Quốc (LHQ), phát triển bền vững có nội dung chính là quá trình đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng hiện tại của cộng đồng mà không phải hy sinh nhu cầu trong tương lai của các thế hệ tiếp theo.
Toàn cầu hóa: Phổ biến đầu thập niên 90, mang ý nghĩa là các quá trình tích hợp và tương tác mạnh mẽ giữa các hệ thống kinh tế thế giới; thông qua các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, vốn, công nghệ và thông tin vượt qua biên địa lý, gia tăng tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau. Đó là một tiến trình tiếp diễn theo chiều dài lịch sử nhân loại.
Cả hai quá trình này đều không giới hạn trong các nội dung kinh tế, mà còn bao hàm nhiều vấn đề vượt ngoài phạm vi địa lý một quốc gia như tri thức, cấu trúc xã hội, tương tác chính trị, văn hóa, nhân chủng, môi trường và đa dạng sinh học…
Thách thức và cơ hội. Ẩn chứa trong toàn cầu hóa có cả thách thức lẫn cơ hội. Ngoài những cơ hội giao thương, tăng cường động lực cải thiện mức sống và thịnh vượng kinh tế chung, mà Diễn đàn WEF 2000 đưa ra, toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức.
Quá trình thu hút và khai thác tài nguyên tràn lan, vì lợi ích thương mại, có thể trực tiếp dẫn đến ô nhiễm môi trường và triệt thoái đa dạng sinh học. Nó còn làm tăng bất công, nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia công nghiệp và đang phát triển. Tiến trình xâm thực văn hóa có lợi ích một chiều, thúc đẩy khai thác tới cạn kiệt tài nguyên, khống chế thị trường tiêu dùng và cả ý thức hệ văn hóa, một cách có chủ đích.
Sự mất cân bằng trong quá trình này, có nguyên nhân từ chênh lệch tương quan lực lượng vật chất và tinh thần giữa thế giới phát triển với các nước nghèo, còn có thể đóng vai trò nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, làm phát sinh xung đột sắc tộc - tôn giáo, và chiến tranh khốc liệt giành quyền kiểm soát các nguồn lực tài nguyên của thế giới, đặc biệt các nguồn tài nguyên không có khả năng tự tái sinh, như dầu mỏ, khoáng chất...
Một nhà ngoại giao Liên Xô (cũ) kể lại về kỷ niệm một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi chiến tranh nổ ra trên miền Bắc (Sách "Cách đường xích đạo hai bước" của Rut Bersatki, Thúy Toàn dịch 1967). Chuyện kể rằng, lần ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị khách quốc tế trong đó có các nhà ngoại giao, nhà báo, văn nghệ sĩ.
Để tỏ thịnh tình, vị Chủ tịch ngỏ ý: "Tôi xin được mời các đồng chí uống càphê... Tôi tin các đồng chí không từ chối càphê này, đây là càphê Việt Nam mà trên thế giới không càphê nào ngon hơn. Tôi nói điều này không phải vì tôi là người yêu nước. Nhưng trong đời, tôi đã làm phụ bếp khá lâu và vì vậy, nay xin lấy nghề nghiệp ra mà đảm bảo càphê Việt Nam ngon nhất thế giới!".
Rồi vị Chủ tịch tự tay pha càphê mời khách. Khách đề nghị Chủ tịch khỏi bận tâm để họ tự pha. Vị Chủ tịch nói rằng phải biết cách pha bằng phin thì càphê mới ngon. Khi các vị khách đã thưởng thức, Chủ tịch hỏi: "Thế nào? Đồng chí thấy chứ, đã bao giờ đồng chí được uống thứ càphê tuyệt vời này chưa?". Rồi Chủ tịch đột nhiên chuyển sang chuyện càphê Việt Nam chưa được thế giới biết đến và khẳng định rằng nếu phát triển thị trường thì càphê Việt Nam sẽ xuất khẩu được rất nhiều...
Lợi thế và bất lợi so sánh. Những diễn biến hai thập kỷ qua từ khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, tới hủy hoại môi trường,… cho thấy rõ nền công nghiệp không bền vững, đẩy chính các quốc gia công nghiệp bước sang giai đoạn thoái trào. Họ đối mặt với vấn đề tìm kiếm mô hình phát triển bền vững theo cách gay gắt không kém gì các quốc gia đang phát triển. Sự “mò mẫm” trong bóng đêm các mô hình công nghiệp cũ, để tìm kiếm mô hình mới, phần nào đưa các nền kinh tế có thực lực khác nhau trở về vạch xuất phát tương đương trước mục tiêu chiến lược là nền kinh tế thịnh vượng tương lai.
Tuy vậy, cho dù ở vạch xuất phát mới, lợi thế của các nền kinh tế phát triển – cũng là bất lợi tương đối của các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam – vẫn rất đáng quan tâm. Đó là nguồn lực con người, hệ thống giáo dục, cơ sở hạ tầng vật chất và của cải tích lũy. Các thị trường quan trọng nhất như hàng hóa vật tư, tài chính - tiền tệ, v.v... đang nằm trong sự khống chế của các quốc gia phát triển, nhờ đó giành lấy các lợi ích kinh tế quan trọng nhất trong trò chơi toàn cầu hóa.
Nói như thế, không có nghĩa là Việt Nam không có lợi thế so sánh. Bản thân sự mất phương hướng trong nhận dạng mô hình tiếp theo là nhân tố “ủng hộ” sự đổi mới và sáng kiến định dạng nền kinh tế xanh-nhân văn cho Việt Nam, lý do ra đời của bài nghiên cứu này. Nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững và toàn cầu hóa từ góc tiếp cận Việt Nam rõ ràng cần được thống nhất với ý chí chính trị mạnh mẽ, để có thể chuyển hóa thành chiến lược chủ động, tích cực. Sự mạnh dạn thử nghiệm những mô hình phát triển mang định hướng bền vững, với tính toán chu đáo tới các yếu tố quốc tế, có khả năng giúp nền kinh tế chúng ta tạo được “hấp lực” đối với cộng đồng quốc tế, các nguồn lực đa dạng và một sự dẫn dắt thương hiệu kinh tế thân thiện sinh thái, đậm chất nhân văn.
Hoa Kỳ vấp phải những vấn nạn “hậu công nghiệp” và cũng chưa có lối ra cho hầu hết các vấn đề. Lời giải không hoàn toàn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế - tài chính, mà ở mô hình, hướng chuyển động và vị thế xuất phát. Khi lời giải xuất phát từ một mô hình Việt Nam, thì lợi thế của vị thế xuất phát thuộc về Việt Nam, đúng nghĩa của cơ hội lớn lao! Hơn nữa, khả năng thích nghi trong điều kiện khó khăn, thách thức và sự khao khát vươn lên cũng là lợi thế của Việt Nam.
Sự trớ trêu nằm ở chỗ, trong khi các quốc gia công nghiệp mò mẫm để từ bỏ mô hình kém bền vững, thì những nước đang muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo - phá hủy môi trường - cạn kiệt tài nguyên, lại dễ dàng giẫm lên con đường cũ của họ. Vì vậy, sự kiên quyết trong kiến tạo mô hình mới, đột phá, được trình bày trong phần tiếp theo là lựa chọn đúng đắn và phù hợp, trong bối cảnh và với nhu cầu Việt Nam. Điều kiện và sự thuận lợi đã có, đã sẵn sàng. Đáp án cho viễn cảnh thịnh vượng chỉ còn nằm trong những quyết sách đúng lúc, ý chí và quyết tâm chính trị đủ lớn dành cho một mô hình như thế.

Đắk Lắk - Cần và đủ cho một nền kinh tế bền vững, thân thiện sinh thái
Nếu như Peter Watson (2006) giúp củng cố lập luận rằng sự ra đời và sinh tồn của con người là từ môi trường “màu xanh”, thì Đắk Lắk có thể đóng vai trò môi trường nguồn gốc của cả sự sống lẫn quá trình đi tới tư tưởng sáng tạo, phát triển, tiến bộ.1 Một vùng đất sinh thái đa dạng của Tây Nguyên hùng vĩ, ngay trên cao nguyên đất đỏ Bazan 160 triệu năm bền vững với thời gian, với sự hòa hợp con người – thiên nhiên, chính là điều kiện cần cho thiết kế và tạo dựng nền kinh tế sinh thái bền vững như mong muốn.
Đắk Lắk hoàn toàn có thể hội đủ điều kiện thỏa mãn “Sáng kiến phát triển các khu vực bền vững sinh thái” với 10 nguyên lý trọng yếu trong phát triển vùng kinh tế sinh thái bền vững: (a) Phát triển tầm nhìn bền vững; (b) Gắn kết kinh tế với cộng đồng; (c) Bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; (d) Giảm thiểu “dấu tích xâm hại sinh thái” của con người; (e) Hệ sinh thái phù hợp với đặc điểm tự nhiên-văn hóa-lịch sử-kinh tế-xã hội của cộng đồng; (f) Cảm xúc văn hóa nghệ thuật và sự tồn tại các giá trị phi vật chất; (g) Gắn kết của con người trong bối cảnh sinh thái; (h) Quan hệ đối tác - hợp tác; (i) Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua sử dụng hợp lý kỹ thuật, công nghệ thân thiện môi trường; và, (k) Cơ chế quản lý trách nhiệm và minh bạch.2
Với vị thế khu vực trung tâm sản xuất cà phê của cường quốc thứ 2 toàn cầu, những giá trị văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên, sự giàu có “nguồn vốn thiên nhiên – sinh thái”, và những cộng đồng con người gắn bó với giá trị văn hóa có sức thu hút, Đắk Lắk đã có điều kiện cần để tham gia vào quá trình tái xác định chuỗi giá trị toàn cầu của một ngành kinh tế giá trị xấp xỉ 100 tỷ USD, mà hiện các nước xuất xứ của sản phẩm cà phê quý giá chỉ được hưởng xấp xỉ 15% giá trị. Chỉ riêng nền kinh tế Trung Quốc láng giềng đang trỗi dậy mạnh mẽ, với mức tăng trưởng tiêu thụ cà phê xấp xỉ 30%/năm đã đủ làm rõ mục tiêu xác quyết phải theo đuổi.

Việc Trung Nguyên khởi công xây dựng nhà máy chế biến cà phê với công nghệ hiện đại nhất thế giới - một bước đi tiên phong trong đổi mới công nghệ chế biến - là một sự kiện quan trọng, không chỉ của riêng tỉnh Đắk Lắk mà của cả Việt Nam, vì hiện nay cà phê đã trở thành mặt hàng xuất khẩu thứ hai thế giới của Việt Nam.
Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực và khát vọng mãnh liệt của Trung Nguyên trong việc hiện thực hóa Dự án Thủ phủ cà phê toàn cầu tại Buôn Mê Thuột. Trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, Trung Nguyên đã có tư duy rất đúng khi gắn sản xuất kinh doanh với tinh thần quốc gia dân tộc, đưa thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, đặc biệt là cà phê Trung Nguyên, trở thành một thương hiệu có tầm cỡ hàng đầu trên thế giới.
Chúng ta đã biết đến cà phê như là nguồn năng lượng của nền kinh tế tri thức, kích thích sự hứng khởi trong sáng tạo của văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà kinh doanh… Riêng từ góc độ của người làm ngoại giao, tôi thấy cà phê còn là chất kết nối mọi người, mọi dân tộc với nhau, để cùng hướng tới một cuộc sống an bình, thịnh vượng hơn.
Lược ghi ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Phạm Gia Khiêm
tại lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến cà phê
của Trung Nguyên tại Buôn Mê Thuột ngày 9/6/2009.


Tính đại diện. Hơn nữa, trước tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, mô hình Đắk Lắk còn đại diện cho một chiến lược thích ứng của đất nước, và là một nhu cầu cấp thiết. Đây là những tiền đề quan trọng để đi tới một hình mẫu phát triển kinh tế thân thiện môi sinh, tái tạo năng lượng, hòa hợp cộng đồng và thu hút, liên kết các lực lượng kinh tế quốc tế trong tâm điểm kinh tế Tây Nguyên Việt Nam.
Đắk Lắk có đủ điều kiện đóng gói được những tập giá trị đa dạng, chuyển hóa thành năng lực kinh tế bền vững. Sự liên thông lợi ích đa phương, sử dụng vũ khí ngoại giao kinh tế, sức hút mô hình trong bối cảnh thiếu vắng thực tiễn phát triển bền vững môi sinh, và xuất phát địa kinh tế của Đắk Lắk, sẽ mang lại sức tập hợp nguồn lực lớn lao phục vụ cho sứ mệnh kiến tạo “nền kinh tế mới – xanh” đang nói. Về phương pháp, thu hoạch kinh nghiệm và hệ thống quy hoạch – triển khai từ Đắk Lắk sẽ tạo ra tiền đề lý thuyết phát triển cho nhiều chu trình đóng gói giá trị bền vững, hiệu quả cho tổng thể kinh tế Việt Nam, ở nhiều vùng miền, với các đặc trưng khác nhau.
Bên cạnh đó, còn một lợi ích chiến lược đặc trưng có tầm trọng yếu quốc gia. Đắk Lắk nói riêng, và Tây Nguyên nói chung, có những yếu tố lịch sử - văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Mối quan tâm tới sự hài hòa con người - môi trường, các cộng đồng, và sự chia sẻ lợi ích kinh tế công bằng chưa bao giờ có ý nghĩa với sự ổn định an ninh và an sinh xã hội của Tây Nguyên hơn ngày nay. Sự kết nối nguồn lực, định hướng phát triển vì con người và tạo thịnh vượng trong hòa bình bền vững là một phần không tách rời của mô hình nền kinh tế sinh thái vùng Đắk Lắk.

Tư duy đột phá và mô hình Thủ phủ Cà phê Toàn cầu
Tôi mong ước có nhiều người tâm huyết, có trình độ, thực sự ủng hộ,
giúp cho Dự án này


Sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, khát vọng của chúng ta là phát triển đất nước, đem hết tài năng của con người, tận dụng và phát huy tài nguyên sẵn có của đất nước, để cuối cùng đem lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc, cho nhân dân,. Một số anh em còn trẻ đang có khát vọng nóng bỏng đó. Thay vì chạy theo cuộc sống giàu sang, họ lại dấn thân vào những công việc không dễ dàng vì đất nước, quê hương. Trong bối cảnh của đất nước còn nhiều vấn đề về cơ chế, quản lý chưa thật hoàn chỉnh và còn không ít tư tưởng bảo thủ định kiến hẹp hòi trong xã hội, anh em gặp không biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại. Anh Vũ – Trung Nguyên là một người như vậy.
Tôi nghĩ những người đi trước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần hết sức giúp đỡ anh em để họ có thể phấn đấu hoàn thành sự nghiệp của mình, mà cũng là sự nghiệp chung của đất nước.
Tôi được biết đến Dự án cà phê Buôn Mê Thuột mà anh Đặng Lê Nguyên Vũ đóng vai trò nòng cốt. Dự án này nhằm không những đẩy mạnh việc trồng và chế biến cà phê để không chỉ nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam mà còn để đưa cà phê Việt Nam ra thế giới với mục đích kinh tế - văn hóa và đóng góp vào vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bao nhiêu hoài bão thể hiện trong một kế hoạch cụ thể được vạch ra với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia. Có người cho đây là những suy nghĩ quá táo bạo, quá lãng mạn. Rất có thể! Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ. Nếu không có nhiều người gan dạ, dám chấp nhận sự hy sinh gian khổ trong chiến đấu trước kia thì làm sao chúng ta có được Việt Nam như ngày nay? Nếu chúng ta không có người táo bạo, dám đi về phía trước ngày hôm nay thì làm sao chúng ta dám mơ “sánh vai cùng các nước” trong tương lai?
Điều tôi mong ước là có nhiều người tâm huyết, có trình độ, thực sự ủng hộ, giúp cho dự án này, cũng như nhiều dự án khác như thế này, được thực hiện có kết quả, để cho đất nước ta thoát khỏi tình trạng đói kém, sớm trở nên phồn vinh, vững mạnh, xã hội ta văn minh và hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Bình -
Nguyên Phó Chủ tịch nước
Mô hình kinh tế bền vững và thân thiện sinh thái, đề xuất cho Đắk Lắk - Tây Nguyên, có tính mẫu mực để một quốc gia đang phát triển tạo chiến lược lợi thế trong bối cảnh toàn cầu hóa ấy có tên là “Thủ phủ Cà phê Toàn cầu”.
Tinh thần cà phê - năng lượng xanh. Qua hơn 2.000 năm đi cùng lịch sử xã hội loài người và những tiến bộ tư tưởng - sáng tạo - thành tựu kinh tế kỹ thuật, cà phê trong cuộc sống hiện đại đã trở thành đồ uống kết nối vô hình hơn 2 tỷ con người. Điều đặc biệt làm nên tính phổ biến của loại đồ uống này chính là khả năng kích thích tư duy sáng tạo và năng lực hài hòa, kết nối rộng khắp. Yếu tố văn hóa và tinh thần trong cà phê đã vượt xa giới hạn sơ khai về thực phẩm, đồ uống hay giải trí. Giá trị này ngày càng có vị trí đặc biệt trong xã hội loài người, bởi lẽ hệ thống kinh tế toàn cầu đã và đang dịch chuyển tới giai đoạn của hình thái kinh tế sáng tạo. Cà phê trong tiến trình này đóng vai trò nguồn năng lượng xanh, với khả năng tái tạo - gìn giữ môi trường và duy trì đa dạng sinh học.
Đồ uống cà phê không từ chối hay phân biệt bất kỳ ai. Từ nhà khoa học tới người lao động phổ thông, người dân châu Phi hay châu Âu, từ nhà lãnh đạo tới công dân, người Hồi giáo hay Phật giáo, v.v.. đều cùng nhau chia sẻ hương vị và “năng lượng” cà phê - một sự kết nối xã hội - văn hóa diệu kỳ, giúp dẫn tới sự kết nối kinh tế, năng lượng, sáng tạo và kỷ nguyên phát triển hòa hợp - hòa bình, giữa con người với nhau và con người với môi trường sinh dưỡng cộng đồng.
Cốt lõi của “tinh thần cà phê toàn cầu” là đáp ứng sự kết nối sợi dây liên kết chung “cà phê”, sự sáng tạo, thịnh vượng trong hòa bình, đồng thời là biểu tượng của định hướng nhu cầu phát triển bền vững, lấy kinh tế xanh làm nền tảng – sự trường tồn của con người và Trái đất. Với tính chất có thể nhân rộng của mô hình, tính tổng quát được đảm bảo mà vẫn duy trì đặc tính sinh thái, địa kinh tế của những nơi triển khai tiếp theo.
Thông qua hình mẫu phát triển sinh thái và tinh thần cà phê, Việt Nam gửi thông điệp bền vững tới cộng đồng thế giới; tín hiệu thành công thể hiện năng lực dẫn dắt mô hình kinh tế ở một tầm nhìn chiến lược, xuất phát từ một quốc gia đang phát triển, với khát khao vươn tới tương lai thịnh vượng và cống hiến lớn lao. Đó cũng là sự kết nối đến hàng tỷ người trên thế giới, thu hút nguồn lực, củng cố và duy trì sự quan tâm của cộng đồng thế giới vào vị trí đặc biệt, quan điểm sáng rõ của Việt Nam trong giải quyết những thách thức kinh tế-xã hội-môi trường-văn hóa... và xây dựng nền kinh tế xanh, theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào nỗ lực và trách nhiệm chung của cộng đồng thế giới. Mô hình như thế rõ ràng đóng góp lớn cho chiến lược định vị thương hiệu Việt Nam trong hệ thống kinh tế toàn cầu của thiên niên kỷ mới.
Đô thị - tổng thể các hệ sinh thái bền vững. Trong mô hình đưa ra, hệ đô thị sinh thái cà phê sẽ cung cấp các cơ hội khai thác kinh tế đa dạng hơn. Mô hình xanh được thiết kế giảm thiểu tác động tiêu cực của bối cảnh toàn cầu hóa, mà thường thấy là đô thị “kiểu cũ” tăng tốc bòn rút tài nguyên thiên nhiên Trái đất, và “xuất khẩu” một lượng lớn rác thải, chất độc hại vào hệ sinh thái. Như vậy, mô hình Thủ phủ Cà phê đưa ra có ý nghĩa quan trọng sống còn với phát triển bền vững của Việt Nam, với mục tiêu tiến tới việc lặp lại cân bằng, phục hồi sự bền vững của môi trường sống, là chuyển biến chính bản chất và hình thái tổ chức của các vùng đô thị.
Phát triển cần đáp ứng nhu cầu tương hợp của hiện tại lẫn tương lai. Những nhân tố của một tầm nhìn dài hạn như được phản ánh trong thiết kế của Thủ phủ Cà phê Toàn cầu chứa đựng: (i) Mơ ước; (ii) Mở rộng sức tưởng tượng; (iii) Khát vọng; và (iv) Sự sáng tạo. Đây là những yếu tố được cộng đồng nghiên cứu sinh thái và kinh tế bền vững công nhận có thể hợp lực, truyền cảm hứng cho quá trình xây dựng hệ thống kinh tế - xã hội bền vững, cũng như định hướng cho các quá trình quyết định tương lai.3
Thiết kế của Thủ phủ Cà phê Toàn cầu vừa cung cấp mẫu mực và kích thích các cơ chế kinh tế đổi mới, đột phá theo hướng tiến bộ của dịch chuyển chuỗi giá trị. Các yếu tố đặc trưng với sự dịch chuyển này, dựa trên nền tảng bền vững sinh thái với trọng tâm đặt vào: (i) Tái xác định giá trị hàng hóa theo chuẩn mực môi trường; (ii) Tác nhân kích thích kinh tế sáng tạo, đổi mới; (iii) Doanh nghiệp “xanh” – thân thiện môi sinh; (iv) Liên kết bộ ba: Vốn kinh tế - Vốn xã hội – Vốn môi trường.
Cơ chế “trao đổi chất”. Mô hình xác lập đặc trưng tăng trưởng hướng tới bền vững nhờ quá trình hấp thụ, tiêu dùng tài nguyên và trả lại các điều kiện sống cho con người, cũng như sản sinh ra các yếu tố bảo vệ sự cân bằng của hệ sinh thái. Nền kinh tế vùng sinh thái như vậy là một khái niệm đầy đủ, và ngày càng được hoàn thiện theo trình độ nhận thức của xã hội. Thủ phủ Cà phê Toàn cầu phát triển vùng kinh tế sinh thái với sáu cấu phần cốt lõi: (i) Sản xuất xanh và sạch; (ii) Du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp; (iii) Văn hóa, nghệ thuật và tinh thần; (iv) Sản xuất và chế biến sản vật đặc trưng; (v) Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng; và (vi) Phát triển cộng đồng.
Nguồn lực hiện thực hóa khả thi. Mặc dù đây là một mô hình lớn, cần huy động nhiều công sức, đầu tư và trí não, nhưng không khó để nhận thấy tính khả thi của dự án lớn lao này. Với phương pháp tiếp cận đi từ thực tiễn để khái quát thành lý luận, hình mẫu phát triển được xây dựng và từng bước hiện thực hóa có những đặc trưng sau.
Một là, phát triển mô hình dựa trên triết lý và tập hợp khái niệm kết nối lôgic, có tính bền vững và hài hòa. Hình ảnh của vùng kinh tế sinh thái mới được trình bày rõ nét bằng các khái niệm cụ thể, được kết nối hợp lý và chặt chẽ. Các kích thước của hình mẫu được xác định chuẩn xác bằng những tiêu chí chi tiết và mạch lạc.
Hai là, đối tượng trọng tâm của mô hình là cộng đồng con người, thiên nhiên và các nguồn tài nguyên kinh tế. Các yếu tố sinh thái cà phê đều hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kích hoạt nguồn nội lực của cộng đồng, thực sự khởi động cỗ máy tăng trưởng cho một hành trình dài – tận dụng, thu hút và gắn kết hàng trăm thị trường hàng hóa liên quan tới cà phê, có giá trị hơn 100 tỷ USD hằng năm, với hàng tỷ con người vốn dĩ đã có sự gắn kết qua sợi dây tinh thần cà phê.
Đắk Lắk là một Tỉnh trọng điểm về cây cà phê và góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Với sự ưu đãi về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất đỏ Bazan có lịch sử 160 triệu năm và tiềm năng sản lượng và chất lượng hạt cà phê Robusta nổi tiếng hàng đầu thế giới, diện tích cà phê tại Đắk Lắk đạt con số 178 ngàn hecta, thu hút hàng ngàn hộ lao động chuyên trồng, kinh doanh và sinh sống bằng cây cà phê cùng các dịch vụ kinh doanh phụ trợ quanh cây cà phê. Tuy nhiên, cà phê Đắk Lắk, hay rộng ra là cà phê Việt Nam, vẫn luẩn quẩn ở những con số xuất thô với giá trị thấp, vị thế cà phê của Việt Nam còn quá nhỏ, không tương xứng với vị thế xuất khẩu sản lượng cà phê đứng nhất nhì trên thế giới cũng như không thật sự đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người nông dân trồng cà phê. Lượng cà phê tiêu thụ bình quân trên đầu người chỉ ước đạt khoảng 0,7 kg/người/ năm, còn kém xa với mức tiêu thụ bình quân trên đầu người ở các nước phát triển trên thế giới.
Chính vì những lý do nêu trên cùng với sự chỉ đạo và chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê của tỉnh mà đại diện tiên phong là Trung Nguyên, UBND Tỉnh Đắk Lắk đã quyết định đưa ra Nghị quyết số 08 về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới với định hướng sản xuất cà phê phải theo tiêu chí của thương hiệu “Cà phê Buôn Mê Thuột”, ổn định về năng suất, chất lượng; phát triển cà phê phải gắn chặt với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường.
Lữ Ngọc Cư
Chủ tịch UBND Tỉnh - Đắk Lắk
Ba là, mô hình vận hành dựa trên các điều kiện đảm bảo tính khả thi thương mại và hiệu quả kinh tế. Các giải pháp khai thác lợi thế cạnh tranh, tiềm năng của địa phương, của cộng đồng được xây dựng để hình thành hệ thống kinh tế cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho thị trường tại chỗ, cho các vùng lân cận, cho quốc gia và rộng lớn hơn cả là cho người tiêu dùng toàn cầu.
Bốn là, huy động nguồn lực xã hội và phát triển cộng đồng. Phát triển và đổi thay bộ mặt đời sống nông thôn là một khối lượng công việc rất lớn, triển khai trong suốt quá trình dài, và sử dụng nhiều nguồn lực nhưng thường không tạo ra các lợi ích vật chất trong ngắn hạn. Bởi vậy, tập hợp và huy động nguồn lực có vai trò quan trọng. Nguồn lực cần thiết để đưa giấc mơ thành hiện thực là kết nối chặt chẽ và phối hợp hiệu quả bộ ba tài nguyên quan trọng Vốn kinh tế - Vốn xã hội - Vốn môi trường.
Một số kiến nghị trọng tâm
Mô hình nền kinh tế sinh thái Đắk Lắk nói chung, và đề án bộ phận Thủ phủ Cà phê Toàn cầu nói riêng, có tính đại diện cao cho hành trình đột phá tới kinh tế bền vững. Lợi ích tổng thể vượt xa tính toán kinh tế-thương mại thuần túy, trong đó phải kể đến đảm bảo an ninh, kiến tạo chiến lược phát triển vùng mới, sức thu hút và tập hợp nguồn lực vật chất-trí tuệ mà Việt Nam nói riêng, và các nước nghèo nói chung, còn đang thiếu thốn. Cà phê không giới hạn trong sản phẩm cà phê mà mang ý nghĩa tinh thần, văn hóa, tính đại diện sự kết nối-liên thông các lực lượng quốc tế. Đắk Lắk không giới hạn trong một phạm vi vùng địa kinh tế đặc thù, mà là đại diện của thế giới đang phát triển– trong nỗ lực tìm kiếm đường thoát khỏi sự luẩn quẩn của phát triển công nghiệp không bền vững kiểu cũ.
Các điều kiện sinh thái, văn hóa, kết nối, sản phẩm của Đắk Lắk… và đặc biệt là mô hình phát triển sáng rõ, khả thi đã đầy đủ. Nói cách khác, mô hình giờ đây sẵn sàng đi vào thực tế, để đem lại những lợi ích quốc gia, từ kinh tế tới vị thế ngoại giao và hình ảnh thương hiệu cho Việt Nam.
Để có thể triển khai, đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa ý tưởng, những kiến nghị sau đây với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các Bộ, Ngành, sẽ cụ thể hóa và là điều kiện tiên quyết cho sự khởi động tới tương lai:
Thứ nhất, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đưa ra chủ trương phát triển và hiện thực hóa các ý tưởng dự án, với chính sách riêng cho “nền kinh tế vùng sinh thái Đắk Lắk”. Ở tầm cỡ và quy mô của lợi ích quốc gia, dự án tổng thể cần được sự quản lý và điều hành trực tiếp từ Chính phủ để có thể đem lại những lợi ích tối đa và vững bền.
Thứ hai, tạo cơ chế và chính sách hỗ trợ các nguồn lực, nhằm thúc đẩy khởi động đầu tư - hợp tác triển khai trên phạm vi hình mẫu dự án ngay từ giai đoạn đóng gói ý tưởng và chuẩn bị nghiên cứu khả thi.
Thứ ba, đưa ra quyết sách với ý chí chính trị vì sự phát triển kinh tế vùng, với tư cách bộ phận quan trọng của quốc gia, khẳng định trọng tâm phát triển kinh tế xanh Đắk Lắk, nhất quán định hướng phát triển, và tiến tới giai đoạn Quy hoạch tổng thể vùng, đặt ra tầm nhìn kinh tế bền vững, tập hợp các giá trị cốt lõi cũng như chiến lược tập hợp, khai thác nguồn lực trong nước quốc tế cho quy hoạch này.
Đây là những điều kiện quan trọng thúc đẩy nhiệt huyết và tạo môi trường để doanh nhân, trí thức, người lao động đưa mô hình vào thực tế cuộc sống và chứng minh những lợi ích to lớn mang lại cho Việt Nam, cũng là đóng góp cho sự vững bền của Hành tinh xanh Trái đất.
--------------
1 P. Watson. Ideas: A History of Thought and Invention, from Fire to Freud. Harper Perennial (2006)
2 P. Newman and I. Jennings. Cities as Sustainable Ecosystems. Island Press, 2008.
3 Our Common Future, WCED 1987
Đặng Lê Nguyên Vũ

Đông Phương bất bại

Trong toàn bộ các tác phẩm của Kim Dung, có thể nói bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ là một trong những tác phẩm hay nhất. Toàn bộ nội dung của truyện xoay quanh những cuộc đấu tranh ngấm ngầm hay trực diện của hai thế lực thiện và ác. Hầu hết các nhân vật chính trong truyện như Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền, Lệnh Hồ Xung hay Nhậm Ngã Hành đều được Kim Dung mô tả rất sống động bằng ngòi bút sắc sảo của mình. Tuy nhiên, tôi lại suy nghĩ và thích thú đến một khía cạnh khác của tác phẩm, đó là bí kiếp võ công Qùy Hoa Bảo Điển (hay Tịch Tà Kiếm Phổ) và nhân vật Đông Phương bất bại.
Phần lớn các anh hùng trong thiên hạ đều xuất thân từ nghèo khổ và luôn có hoài bão lớn, Đông Phương bất bại cũng không ngoại lệ. Qua nhiều cố gắng và thủ đoạn, cuối cùng ông cũng được Nhậm Ngã Hành đề bạt lên chức vụ Phó Giáo Chủ của Nhật Nguyệt thần giáo. Tuy nhiên, với tham vọng của mình, ông không muốn dừng lại ở đó mà lại âm mưu lật đổ Nhậm Ngã Hành để lên nắm quyền giáo chủ, nhằm thực hiện giấc mơ "thiên thu trường trị, thống nhất giang hồ" và cuối cùng ông đã thành công. Sau đó, dù đã trở thành người đứng đầu của Nhật Nguyệt thần giáo nhưng ông tự biết rằng với võ công hiện thời của mình thì không thể trở thành bá chủ thiên hạ được. Vì vậy, ông quyết tâm tự cung để luyện cho bằng được bí kiếp Qùy Hoa Bảo Điển. Tương truyền đây là một tuyệt kĩ võ công do một vị thái giám trong cung sáng tác ra nên người muốn luyện loại võ công này thì không còn cách nào khác hơn là phải trở thành ...thái giám. Cuối cùng Đông Phương bất bại cũng đã hi sinh tự thiến để luyện thành công bí kiếp này. Tuy nhiên, do phải thiến bỏ ngọc hành nên tâm tính ông ta dần dần thay đổi và ngày càng trở nên nữ tính. Từ một nam tử mang nhiều hoài bão giờ lại biến thành kẻ ái nam ái nữ chỉ thích thêu thùa may vá, trang trí nhà cửa và chăm sóc hoa cảnh. Ông đã bỏ hết việc chính sự mà chỉ lo hầu hạ chăm sóc tên "tình nhân" Dương Đình Liên. Thật là đáng tiếc. Với một thân võ công tuyệt thế, có thể nói là thiên hạ vô địch, ông có đủ khả năng thực hiện hoài bão của mình nhưng giờ đây lại biến thành một kẻ nhu nhược và an phận. Tôi không ủng hộ Đông Phương bất bại, điều mà tôi cảm thấy tiếc ở đây là sự hi sinh trước đây của ông ta, vì tương lai mà nỗ lực, phấn đấu còn khi đã đạt được thành quả ban đầu lại buông xuôi tất cả hùng tâm tráng chí.
Kim Dung đã mô tả rất hay về hiện tượng đồng tính hay nói chính xác hơn là hiện tượng thay đổi giới tính. Tuy nhiên, thay đổi giới tính vẫn không nguy hiểm bằng thay đổi lối sống và xa rời lý tưởng của mình. Đó mới chính là Đông Phương tất bại!

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Ý kiến của GS Tuấn

Nói rõ đây là những ý kiến của GS Tuấn, không phải của tui, qúy vị đừng có chụp mũ này nọ tui à.
Nói cũng chết
Không nói cũng chết
Chỉ có nói theo ý của nhà cầm quyền là . . .sống
HTMD

Dear Dũng,

Thì ai cũng biết và vụ bauxite người ta làm đâu phải vì khoa học hay lí luận kinh tế. Bọn TQ chúng cũng chẳng cần đến bauxite VN; chúng chỉ quan tâm kiểm soát được nóc nhà Đông Dương mà thôi. Chúng đã mua dãy núi bên Miên 99 năm, chỉ cách Tây Nguyên mình 35 km! Vậy chúng vào Tây Nguyên là chúng đã nắm được mái nhà của ta rồi. Ông NĐM đã kí hay hứa với bọn TQ từ 2001! Ông HTHải có ông nội hay ngoại là người TQ và đang ở TQ. Well, hi vọng sẽ khá hơn. Để xem ...

Tôi cũng theo dõi vụ LCĐ bị bắt. Vụ này cũng thú vị đây. Thấy trên đài RFA có nói LCĐ có liên hệ với NSBình, và tay NSB này cũng nói là có. Mà cái tay NSB này lại là một phần tử chống chính quyền bây giờ, cho nên tôi nghĩ LCĐ liên kết ... sai người. Cái khổ là nhiều người tốt ở trong nước (tôi nghĩ LCĐ là người tốt chứ không xấu đâu) không biết ai ngoài này là ai nên quan hệ tùm lum và mang họa vào thân. Thật là một tragedy! Tôi hi vọng rằng chính quyền sẽ trả tự do cho anh ta và giải thích cho anh biết vài Việt kiều ngoài này không phải ai cũng có lòng với quê hương. Có người lợi dụng việc chống nhà nước để kinh doanh (bán báo), và có người thì muốn "thanh toán" thù cá nhân sau 1975, v.v... Phức tạp lắm.

Cái tragedy của nước mình là hai phe đánh nhau lâu quá, cho nên nay mối thù đó vẫn còn ... Người nào vượt qua được thì ok, còn người nào yếu và không vượt qua thì vẫn ôm mối hận trong lòng cho đến nay.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Trắng tay!

Vụ Bauxite vậy là kể như thua, thua một cách ấm ức. Tất cả những người quan tâm lo lắng về dự án này từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các nhà khoa học trong và ngoài nước, tất cả các công dân đã kí tên trong bản kiến nghị đều bị "lấm lưng trắng bụng". Chúng ta đã thua nhưng không hề phục vì chiến thắng của những kẻ uyết tâm làm bauxite bằng mọi giá không hề được dựa trên lẽ phải và công lý. Một khi đại nghĩa không thể thắng hung tàn, chí nhân không thể thay cường bạo thì vận nước nguy rồi. Ở trong nghị trường là vậy thì ở ngoài biển Đông, ngư dân ta cũng trắng tay thật sự trong cuộc tranh chấp ngư trường. Dù giải thích kiểu gì đi nữa thì cũng không bao che được sự tắc trách và thiếu năng lực của những người có trách nhiệm bảo vệ biển đảo của đất nước. Khoan hãy nói đến Trung Quốc, ngay cả những nước trong khu vực như Thái lan Indonesia, Malaysia cũng sẵn sàng bắt bớ công dân Việt Nam. Xem ra mạng sống của người việt ngày càng rẻ!

HTMD
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2009/06/853159/


Ngư dân "trắng tay" khi vào vùng biển cấm
22:14' 15/06/2009 (GMT+7)

- Những ngày gần đây khi đến các bãi neo tàu đánh cá ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu, đâu đâu cũng nghe râm ran chuyện ngư dân làng chài bị bắt vì vi phạm vùng lãnh hải của nước ngoài. Nhiều người đã bật khóc khi những người thân, những thuyền viên từng cùng nhau lao động trên ngư trường chung giờ đang thụ án tại đất khách quê người.

Ông Lê Văn Hòa, ngư dân huyện Long Điền thở dài, ném cuộn lưới rách vào góc nhà, nán lại vài phút trước khi khởi hành chuyến ra khơi ven biển. “Suốt 2 năm nay, tôi không dám lên chiếc thuyền lớn ra vùng biển xa để chài nữa, bởi lên thuyền lớn là tôi cứ ám ảnh mãi chuyến đi biển “nảy lửa” mà tôi và hơn 10 thuyền viên gặp phải”.

Chậm rãi phà hơi thuốc lào, ông Hòa nhớ lại, tháng 7/2007, vừa tậu chiếc tàu 800 tấn và ngư cụ cũng ngót gần tỉ bạc, ông cùng 9 thuyền viên khởi hành về phía vùng biển gần Indonesia. Khi phát hiện một luồng cá lớn, thuyền trưởng cho tàu quây lại thả lưới đánh bắt.

Đang mải mê bắt cá, bỗng nhiên một tàu kiểm ngư của Indonesia lừng lững xuất hiện. Ngay sau đó, lực lượng chức năng của Indonesia đi trên con tàu này đã bắt hết người và tàu của ngư dân Việt Nam.

Ông Trần Thạch Hùng chỉ về phía đoàn tàu cá công suất lớn không dám ra khơi đánh bắt vùng xa...

Sau khi bị bắt giam vài ngày, mọi người được thả về nhưng toàn bộ dụng cụ, chiếc tàu đã bị tịch thu. Coi như sự nghiệp dành dụm suốt đời của ông Hòa "đội nón ra đi".

"Cũng may sau chuyến đi đó chúng tôi được thả về hết, không ai phải chịu án, thôi thì còn người còn của" - ông Hòa nói.

Sau chuyến đi "hãi hùng" đó, 7 trong số 10 người bị Indonesia bắt giữ vì vi phạm lãnh hải đã chuyển nghề khác, những người còn lại cũng chỉ lay lắt bám nghề sống qua ngày. Riêng ông Hòa lâm vào cảnh cụt vốn, nợ nần bết bát phải gom góp mua chiếc thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ để trả nợ ngân hàng.

Chuyện mới nhất và hãi hùng nhất được ngư dân làng chài Vũng Tàu bàn tán xôn xao là vụ của ông Trần Thạch Hùng (49 tuổi), ngụ tại TP Vũng Tàu. Đó là vụ 8 thuyền viên của ông bị Malaysia bắt giữ hôm 22/4/2009.

Ông Hùng xót xa kể lại: sau khi mua được chiếc tàu BD 50553 - TS 60 mã lực, ông thuê tài công Nguyễn Văn Hậu (31 tuổi), ngụ tại tỉnh Bình Định và 7 thuyền viên khởi hành về phía nam, vùng biển Vũng Tàu, giáp biên với lãnh hải Malaysia. Trong lúc đang đánh bắt cá thì tàu của Malaysia xuất hiện bắt giữ.

Sau đó, các nhà chức trách Malaysia đã xử phạt tài công 6 tháng tù, các thuyền viên khác mỗi người 4 tháng tù, tịch thu tàu BD 50553 TS và toàn bộ lưới, ngư cụ.

Ngư dân vẫn còn lo ngại khi cho tàu ra khơi, nhất là đi vào những vùng biển chồng lấn.

Sau chuyến đi, ông Hùng trở về cũng rơi vào cảnh nợ ngân hàng, phải đi làm cho chủ tàu khác để kiếm sống. Ước mơ vươn xa ra biển của ông coi như chấm dứt.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ tính từ năm 2001 đến tháng 2/2009, trên địa bàn tỉnh đã có 103 tàu và 908 thuyền viên của Việt Nam bị các nước bắt giữ. Trong đó có 36 tàu và 736 thuyền viên đã được thả về, số còn lại đang bị tạm giữ. Riêng từ đầu năm 2009 đến nay có 4 tàu và 30 thuyền viên bị bắt.

Nguyên nhân các tàu đánh cá của Việt Nam bị bắt là do vô tình vi phạm vùng lãnh hải chồng lấn giữa ranh giới Việt Nam và các nước khác. Hiện Việt Nam có 4 vùng chồng lấn phía nam biển Đông với các nước như: Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Ông Cao Xuân Triều – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhiều người dân mải đánh bắt theo luồng cá, tìm ngư trường mới nên chưa quen, không xác định được vùng lãnh hải trên biển nên thường phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của các vùng tiếp giáp.

Một nguyên nhân nữa là ngư dân vẫn chưa có bản đồ có tỷ lệ xích để xác định vùng biển của Việt Nam. Trong khi đó, các tàu kiểm ngư của nước ngoài có trang bị thiết bị định vị vệ tinh, chỉ cần tàu của Việt Nam lỡ vào vùng chồng lấn giữa 2 nước là bị phát hiện ngay.

  • Vĩnh Minh

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Nếu "thiên triều" đem quân xâm lấn nước ta

Trong những ngày này trừ những thông tin "chính thống" được in trên báo giấy với những chuyện vô thưởng vô phạt hoặc những điều đã được tô hồng nhuộm đỏ, xào nấu lại theo đúng khẩu vị của bề trên thì trên các trang mạng của nước ta và "thiên triều", không khí dường như đang ngày càng căng thẳng. Trong khi lời thỉnh cầu của các quan nước ta với thiên triều về vụ dở bỏ lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông bị từ chối một cách thẳng thừng thì người dân của họ, với dòng máu hiếu chiến và côn đồ từ ngàn xưa đến nay đã thẳng thừng bàn đến việc tấn công Việt Nam. Có lẽ chúng sợ ta đã quên "bài học" ngày xưa, từ thưở "Hán - Đường - Tống - Nguyên" đến bài học gần nhất là cuộc chiến tranh biên giới 1979 nên bây giờ định bắt ta phải ôn lại chăng. Thật ra, kẻ cần phải học lại bài học lịch sử phải là những tên mang cuồng vọng hàng ngàn năm qua, những kẻ luôn tự huyễn hoặc mình khi tự xưng là Đại Hán, là ThiênTử. Khi có ý định đánh Việt Nam, có lẽ việc trước tiên là bọn bay hãy đọc lại lịch sử để xem dân Nam giữ nước như thế nào. Nước Nam tuy nhỏ nhưng vẫn có thể dõng dạc tuyên bố "Sông núi nước Nam vua Nam ở", vẫn có thể "hùng cứ một phương" cùng với các quốc gia khác. Khi đất nước lâm nguy, nếu "cả nước đồng lòng, vua tôi hòa mục" thì không có một sức mạnh nào có thể uy hiếp được. Một khi người lãnh đạo đất nước dám "tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa" vì vận nước thì mỗi người dân Việt cũng sẵn sàng thích hai chữ "Sát Thát" trên cánh tay. Chúng ta là nước nhỏ, không bao giờ có tư tưởng hiếu chiến muốn chống lại một nước lớn hơn mình gấp bội. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà dân Nam lại chịu nhân nhượng, khuất phục một cách yếu hèn, nhu nhược. Nếu thiên triều muốn sang xâm lấn, thì chúng ta sẽ có quyền tự vệ một cách chính đáng. Chúng ta sẽ học tập hào khí của tiền nhân:
Đánh cho để tóc dài
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri, Nam quốc anh hùng chi hữu chủ

Bài học của ngàn xưa còn đó, không ai có thể quên!



Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Tàu lạ!

Phàm hễ là tàu đi biển thì phải có biển hiệu rõ ràng để người ta còn biết mà quản lý. Tuy nhiên trong thời gian qua, ngư dân Việt Nam thường xuyên bị các tàu không rõ lai lịch tấn công và uy hiếp. Các cơ quan chức năng bảo vệ biển và hải đảo của ta thì không biết đang làm gì nên cũng không có mặt để bảo vệ người dân. Khổ một nỗi dân ta đánh cá trên biển của ta mà luôn phải nươm nướp lo sợ khi những "tàu lạ" này xuất hiện, chúng ngang nhiên cướp cá, đâm thủng thuyền thậm chí là bắn chết ngư dân. Thông tin trên báo nhà thì úp úp mở mở khiến người dân chẳng biết đâu là lần còn các quan hữu trách thì luôn giữ một sự im lặng đáng sợ (chứ không phải im lặng là vàng đâu). Thôi thì giờ đây cơ may sống sót sau mỗi chuyến ra khơi là 50 - 50, giống như đánh bạc vậy. Chỉ biết rằng trên báo chí của "nước bạn" người ta tự hào nói thẳng ra rằng tàu Ngư Chính Trung Quốc 44183 và tàu Ngư Chính Trung Quốc 44061 đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả trên biển Đông thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa (ý lộn Tây Sa chứ!). Khi phát hiện tàu thuyền nào đang đánh bắt họ lập tức lập tức "bao vây, áp mạn và tức tốc tiến hành kiểm tra".
Người ta đã chơi bài ngửa, còn bên mình thì sao, làm gì đi chứ hỡi các vị quan chức?

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Không vui đâu, thưa ông!

Việc Trung Quốc ra lệnh phong tỏa ngư trường trong mùa đánh bắt trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một việc làm ngang ngược gây phẫn nộ lớn trong nhân dân. Hiện nay ngư dân miền Trung rất ngại đi ra biển vì giờ đây biển Đông không còn bình yên nữa. Khi công dân của một nước không được phép hành nghể hợp pháp ngay trên đất nước mình, bờ biển mình thì đất nước đó có được gọi là độc lập và tự do được không. Chúng ta đã đánh mất quyền tự chủ trên chính lãnh hải của mình! Trên mặt biển là vậy, còn trên mặt trận báo chí thì như thế nào? Chúng ta hèn đến nỗi không dám gọi thẳng tên của những kẻ có hành vi ngang ngược và lưu manh đâm thủng tàu và bắn chết ngư dân VN hay sao mà phải gọi một cách né tránh là "tàu lạ". Lực lượng biên phòng đâu, sao không bắt ngay những kẻ đó và thẩm vấn xem chúng nói tiếng gì? Có cảm tưởng là những gọng kìm vô hình đang ngay càng xiết chặt mảnh đất hình chữ S này. Chúng ta sẽ mất hết nếu tiếp tục nhân nhượng, tiếp tục hèn nhát như hiện nay. Đất nước này, dân tộc này đã phải chịu quá nhiều đau thương mất mát do chiến tranh rồi, mỗi người dân Việt Nam luôn muốn được sống yên ổn trong hòa bình để lo phát triển đất nước. Tuy nhiên đó phải là một nền hòa bình và độc lập thật sự chứ không phải sự bình yên một cách giả tạo với những thông tin luôn bị bưng bít hoặc làm méo mó đi. Ai đó có thể "vui mừng nhận thấy, thời gian qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển" chứ riêng với người dân chúng tôi, những gì đang diễn ra trước mắt thì không phải như vậy. Các ông hãy đi hỏi những ngư dân đang phải treo lưới neo thuyền kia xem họ nghĩ gì và mong muốn điều gì chứ đừng có ngồi trong nhà và nói toàn những câu sáo rỗng, nhạt nhẽo. Tôi cho đó là một biểu hiện của sự vô cảm. Hay là mạng sống của công dân Việt Nam không có một chút giá trị nào đối với các ông?!