Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Bài viết cuối tháng 7

Trên trang bauxitevn.info, có rất nhiều bài nói về Bauxite, về dân chủ, về tham nhũng, về chế độ... Nếu đặt trong bối cảnh những năm 60-80 của thế kỷ trước, chắc chắn tác giả của những bài viết này sẽ bị cầm tù, thậm chí bị tử hình (công khai lẫn bí mật) dễ như chơi. Như vậy, dù là rất bi quan cho tình trạng của đất nước, tôi vẫn biết rằng có một thế lực nào đó (dù là khá ít ỏi) vẫn ngầm bảo vệ cho trang mạng này, chứ nếu không thì xin lỗi, những người dám cả gan lập nên diễn đàn này, hay đã cả gan dám viết bài đăng trên đây đã bị bắt từ lâu rồi, chứ không thể tồn tại đến ngày nay để mà "phê phán chế độ" và bị "các thế lực phản động lợi dụng" đâu. Trong nỗi bất mãn, ít ra chúng ta vẫn còn chút ít tia hi vọng. Mong rằng thế cuộc sẽ thay đổi, nếu người ta không quá mù và điếc, chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ phải thức tỉnh và đứng về phía tổ quốc, với nhân dân. Bằng không thì hậu quả sẽ khó lường. Nhân dân, trong con mắt của nhà cầm quyền chả là gì cả, nhưng cho dù họ có bị khinh thường, bị rẻ rúng, bị áp bức, bị lường ngạt như thế nào đi nữa thì vẫn là "quan nhất thời, dân vạn đại", vẫn là "nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền". Chúng ta vẫn phải kiên trì và hi vọng, biết đâu...

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Về tọa đàm "Biển Đông và hải đảo Việt Nam"

Một cuộc tọa đàm đầy ý nghĩa như thế lẽ ra phải được cả hệ thống chính trị ủng hộ hết mình mới phải, chứ lẽ đâu phải tổ chức trong một không khí căng thẳng như vậy, bàn về chủ quyền đất nước mà cứ như đang làm điều gì ám muội vậy, còn các vị diễn giả thì tìm đủ mọi lý do để lánh mặt, một số bạn trẻ mặc áo ủng hộ chủ quyền biển đảo thì bị ...lột. Bó tay.com
Rất may là còn có những con người rất can đảm như Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nhà văn Nguyên Ngọc, Linh mục (LM) Nguyễn Thái Hợp, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Th.S Hoàng Việt, LS Nguyễn Văn Phương, TS. Nguyễn Nhã... đã quyết tâm tổ chức buổi hội thảo này một cách thành công. Chân thành tri ân các vị. Các vị là những người thật can đảm, đó mới là phẩm chất cuả một trí thức chân chính.

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

Một nhà khoa học lớn đã ra đi, những gì còn đọng lại?!

Thế là GS. Nguyễn Văn Chiển một nhà khoa học Địa chất lớn của đất nước đã ra đi. Đó hiển nhiên là một sự mất mát lớn cho dân tộc. Tuy nhiên khi đọc bài viết của tác giả Phạm Kim Ngân, tôi cảm thấy buồn vì một lẽ khác. Xin trích dẫn ra đây một vài đoạn:
- Lên hết cầu thang ngôi nhà thuộc khu Tập thể Đại học Bách Khoa, tôi không tin vào mắt mình khi đứng trước cửa nhà ông. “Đây là nhà GS Chiển sao ạ?”- Tôi không dấu nổi sự ngạc nhiên trong câu hỏi với PGS Huy. “Ừ!”- Một câu trả lời gọn, không có bất cứ một giải thích nào thêm. Mặc cho tôi nhìn trân trân vào cái cánh cửa bằng gỗ dán đã đến thời kỳ không thể xuống cấp hơn, PGS Huy đưa tay lên gõ cửa. Và trong căn phòng không có gì đáng giá ngoài sách của vị GS đáng kính... (vị GS già của chúng ta "được" đối xử tốt đến thế sao? Vậy mà người ta cứ hàng ngày rao giảng về cái gọi là Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, nếu nó thật sự như thế thì giới trí thức (thật sự) Việt Nam đâu đến nỗi phải sống khổ đến thế!
- Và đây là lời tâm sự của ông: "Một đất nước một thời gian dài đặt trí thức xuống cuối cùng, Công-Nông-Binh-Trí thức, và cho đến nay trí thức vẫn chưa thực sự được coi trọng, được lắng nghe thì đất nước sao phát triển tốt được? Các nhà khoa học giỏi nhất cũng chỉ là những bông hoa tô điểm mà thôi…”.
- Cũng là một lời nhắn nhủ cho những ai còn có chút lương tâm đối với trí thức: “Hy vọng trong thời gian tới, các dự án phát triển, nhất là các dự án trọng điểm của đất nước, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không còn bị trở thành vật trang trí.”

Những dòng này đã được viết hơi muộn, giống như tựa đề bài viết "Chúng ta đã để lỡ mất rồi", phải và chắc sẽ còn nhiều cái "lỡ" như thế nữa. Thành kính phân ưu cùng gia đình GS và mong linh hồn ông sớm siêu thăng nơi Phật quốc!

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

Nông dân có thể bị phạt khi sử dụng phân bón giả!

Lại một "phát minh" mới của mấy vị quan chức nữa, giống như câu phát biểu của ông giám đốc Sở Y Tế Hà Nội Lê Anh Tuấn khi tuyên bố "Những trường hợp như vậy (tức ăn bẩn) phải xử lý thật nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự vì những người này đã để dịch bệnh lây lan đe doạ tính mạng cả cộng đồng". Với "phát minh" này, các vị đã chuyền một đường bóng trách nhiệm sang cho người nông dân. Nông dân vốn đã khổ lắm rồi các vị à, đừng bắt phạt khi họ lỡ xài phải phân dỏm do sự thiếu trách nhiệm và năng lực quản lý trị trường của các vị. Đúng là gắp lửa bỏ tay người, thiệt tình!

HTMD

Nông dân có thể bị phạt khi sử dụng phân bón giả

Cập nhật lúc 21:19, Thứ Sáu, 24/07/2009 (GMT+7)
,

– Để hạn chế tối đa tình trạng phân bón giả hoành hành, nông dân cũng có thể bị xử phạt nếu họ sử dụng phân bón giả, kém chất lượng.

Nội dung trên được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đưa ra bàn thảo trong hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đối với dự thảo mới về nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón của Chính phủ, diễn ra ngày 23/7 tại TP.HCM.

Nếu nông dân bị phạt vì sử dụng phân bón giả, vô tình cơ quan chức năng tiếp tay cho nạn phân giả hoành hành! (Ảnh: Ca Hảo)

Theo dự thảo nghị định mới mà Cục trồng trọt đưa ra, mức xử phạt hành chính cao nhất đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh buôn bán phân bón giả, kém chất lượng có thể lên tới 100 triệu đồng, thay vì từ 13-15 triệu đồng như trước đây.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn vì trong nghị định đã định nghĩa phân bón giả một cách không rõ ràng, khi chỉ coi “đó là những loại phân bón được sản xuất ra trái pháp luật, có hình dáng giống như các loại phân bón….”.

Nếu theo định nghĩa này thì với những loại phân bón thiếu tới hơn 99% hàm lượng dinh dưỡng nêu trên, cũng vẫn chỉ là sản phẩm kém chất lượng chứ chưa phải là giả.

Như vậy, thật khó để có sản phẩm được gọi là phân bón giả. Đồng thời, dự thảo nghị định này cũng đã bỏ qua việc kiểm tra và xử lý những sản phẩm phân bón nhập khẩu, và một số có xu hướng xuất khẩu hiện nay.

"Định nghĩa phân bón giả nên lấy tiêu chí về hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm, chẳng hạn từ 0,5-30% là kém chất lượng, trên 70% có thể coi là giả, doanh nghiệp cố tình gian lận thương mại." (Ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam)

Dự thảo nghị định lần này cũng đã đưa ra khung xử lý mạnh nhất là đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Tuy nhiên, những cơ sở trực tiếp sản xuất phân bón giả mới chính là thủ phạm lại nằm ngoài những ràng buộc của quy định này?

Điều khoản thu hút được sự quan tâm đông đảo nhất là xử lý vi phạm trong việc sử dụng phân bón.

Với quy định này, người sử dụng (chủ yếu là nông dân) có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng nếu sử dụng phân bón không có tên trong danh mục và gây ô nhiễm môi trường…

Giải thích ý nghĩa điều khoản này, ông Phạm Huy Thông, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, nó sẽ buộc người nông dân phải kiểm soát nguồn cung cấp.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hải,Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau, làm như vậy không tránh khỏi việc người nông dân sẽ bị xử oan uổng, vì nhiều doanh nghiệp làm giả vẫn có đăng ký nhãn mác bao bì… như hàng thật, trong khi đó nông dân không thể dùng mắt thường để kiểm tra.

Nếu áp dụng quy định này, theo ông Hải sẽ hạn chế việc nông dân lên tiếng tố giác phân bón giả.

Ca Hảo


Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

Thân giáo

Viên kẹo của Mahatma Grandi

Trong mục dành cho bạn đọc của nhật báo Le Monde - tờ báo cấp tiến của giới trí thức, có uy tín hàng đầu ở Pháp – có đăng một câu chuyện giản dị do Jean Hébert, người đã nhiều năm sống bên cạnh Mahatma Grandhi, kể lại.

Chuyện xẩy ra trong một làng nhỏ phía Nam Ấn Ðộ, nơi Grandhi sống một cách đạm bạc. Một bà mẹ dẫn đứa con trai 10 tuổi tới gặp Grandhi, nói :

- Xin thầy hãy nói với thằng nhỏ này nó không nên ăn nhiều kẹo nữa. Rồi nó sẽ chán ăn. Răng nó sẽ hư mất.

- Ðúng vậy, nhưng 10 ngày nữa bà hãy trở lại đây – Grandhi trả lời.

Mười ngày sau, bà mẹ dẫn đứa con trở lại. Grandhi gọi đứa bé đến, nói :

- Cháu đừng có ăn nhiều kẹo nữa. Cháu sẽ chán cả ăn và răng của cháu sẽ hư mất !

- Cám ơn thầy. Cháu sẽ nghe lời thầy.

Bà mẹ lấy làm lạ hỏi :

- Tại sao thầy không nói với nó 10 ngày trước ?

Grandhi trả lời :

- Bởi vì 10 ngày trước tôi còn ăn kẹo.

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

Sự quan tâm của người Mỹ đối với biển Đông

Đọc bài này cảm thấy ấm lòng hơn. Con bà nó, từ bỏ cái thằng "đồng chí" đáng ghét kia đi, bạn bè gì với thứ đó. Sự hiện diện chủ động hơn của người Mỹ trên biển Đông sẽ giúp chúng ta rất nhiều. Việt Nam nên nắm lấy cơ hội này!

HTMD

Hoa Kỳ cảnh báo về áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông, nêu bật trường hợp Việt Nam

Trọng Nghĩa

4006
Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc xuất hiện nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc (04/2009). (Ảnh: Reuters)

Ngay tại Thượng Viện Mỹ, hai viên chức cao cấp bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng Mỹ vừa công khai lên tiếng quan ngại trước các hành động càng lúc càng quyết liệt của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền trên khu vực Biển Đông, một phần nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng cũng nhắm vào các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.

Trong cuộc điều trần tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 15/07/2009 với chủ đề: ”Tranh chấp trên biển và vấn đề chủ quyền tại khu vực Đông Á, ông Scot Marciel, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương đã nêu bật mối lo ngại của Hoa Kỳ về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, nẩy sinh từ tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền tại vùng Biển Đông.

Điều khiến bộ ngoại giao Mỹ đặc biệt quan ngại là các hành động bắt bí của Trung Quốc đối với các tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ cũng như của các nước khác muốn làm việc với Việt Nam. Bản điều trần của ông Scot Marciel nói rõ:

”Từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu một số hãng dầu khí Hoa Kỳ và ngoại quốc là phải đình chỉ công việc thăm dò cùng với các đối tác Việt Nam tại vùng Biển Đông, nếu không muốn phải gánh chịu những hậu quả trong công việc kinh doanh với Trung Quốc”.

4007
Nhà máy lọc dầu của tập đoàn ExxonMobil tại tiểu bang Texas. (Ảnh: Reuters)

Đối với Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, hành động hù dọa các Công ty Hoa Kỳ là điều không thể chấp nhận được và Washington đã từng lên tiếng phản đối Bắc Kinh. Ông Scot Marciel xác nhận:

”Nhân dịp ghé thăm Việt Nam vào tháng 09 năm 2008, Thứ trưởng Ngoại giao thời đó là ông John Negroponte đã khẳng định quyền của các công ty Mỹ được hoạt động tại vùng Biển Đông. Ông Negroponte cũng xác định là Hoa Kỳ tin tưởng rằng các tranh chấp cần phải được xử lý một cách hoà bình mà không dùng đến bất kỳ hình thức cưỡng chế nào. Phiá Hoa Kỳ cũng đã trực tiếp nêu lên mối quan ngại với chính quyền Trung Quốc. Không thể giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa các nước bằng cách gây sức ép trên các công ty vốn không dính líu gì đến các tranh chấp đó cả”.

Ngay trong diễn văn khai mạc buổi điều trần, Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối ngoại cũng nêu bật hình thức hù dọa nêu trên của chính quyền Trung Quốc bên cạnh một số hành động khác có nguy cơ cản trở đà phát triển kinh tế trong khu vực. Sau khi ghi nhận các tranh chấp chủ quyền giữa 6 nước trong đó có Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như khả năng Trung Quốc sẵn sàng dùng võ lực để hậu thuẫn cho các đòi hỏi chủ quyền của họ, Thượng nghị sĩ Webb cảnh báo:

”Nhiều quan sát viên thẩm định là các hình thức hù dọa của Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế một cách công bằng và tư do trong vùng. Việc mới đây Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, hay là những lời đe dọa công khai nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ hoạt động trong vùng Biển Đông chẳng hạn, các sự kiện này nêu bật các rủi ro ngày càng tăng đối với công việc đánh cá qua lại trong khu vực cũng như giới hạn việc thăm dò tìm kiếm tài nguyên. Nếu không gặp phản đối, các hành động kể trên có thể tác hại đến sự thịnh vượng của khu vực”.

Cả BP của Anh lẫn Exxon của Mỹ đều bị ”bắt bí”

Về các sức ép của Trung Quốc trên các Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ và Quốc tế vừa bị tố cáo nhân buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ, một bản báo cáo của Cơ Quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ EIA ghi rõ trường hợp của tập đoàn BP Plc của Anh.

4008
Tập đoàn BP có mặt mọi nơi như tại Alaska trong bức ảnh này. (Ảnh: AFP)

Vào tháng 6 năm 2007, tập đoàn này đã phải từ bỏ dự án thăm dò lô 5-2 ở một vùng biển nằm giữa quần đảo Trường Sa và vùng hải phận của Việt Nam, với lý do là nơi đó nằm trong vùng có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo hãng tin Bloomberg, sau đó tập đoàn này tiếp tục bỏ thêm dự án mang ký hiệu 5-3.

Vào tháng 3 vừa qua, BP cho biết là đang thương thuyết với Tập đoàn PetroVietnam và chính quyền Việt Nam để rút hẳn ra khỏi hai lô 5-2 và 5-3. Lý do chính thức mà BP đưa ra là các đề án nói trên không còn phù hợp với kế hoạch phát triển của họ nữa. BP đã từ chối không bình luận về việc phải chăng họ bị sức ép từ phiá Trung Quốc.

Ngoài BP, theo các nguồn tin báo chí, trong thời gian qua, nhiều tập đoàn khác như Exxon của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, cũng là nạn nhân bị Trung Quốc gây sức ép, không cho họ ký kết các hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam tại các vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, tác hại của các hành động hù doạ của Trung Quốc đối với Việt Nam có thể rất lớn. Hãng tin Bloomberg mới đây cho rằng mọi động thái của Trung Quốc không cho khoan dò tại những khu vực đã được Việt Nam giao cho các tập đoàn nước ngoài đều có thể tạo ra những khó khăn cho Việt Nam trong nỗ lực đảo ngược chiều hướng giảm sụt của lượng dầu thô khai thác.

Theo Bloomberg, Việt Nam đang mời các tập đoàn dầu khí ngoại quốc đầu thầu nhiều khu vực mới trong bối cảnh sản lượng từ mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam đang tuột giảm. Dấu hiệu trước mắt là thứ hạng của Việt Nam trong danh sách các nước sản xuất dầu hỏa trong khu vực đã tụt xuống, và đứng sau Thái Lan.

Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục dấn thân vào khu vực

Nhìn chung, trong cuộc điều trấn tại Thượng viện Mỹ hôm 15/07, tất cả các diễn giả đều tỏ ý quan ngại trước tình hình căng thẳng trên vùng biển ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương, đặc biệt nẩy sinh từ những đòi hỏi chủ quyền quá rộng của Trung Quốc mà theo một số chuyên gia, đã lợi dụng thời cơ Hoa Kỳ ít quan tâm đến khu vực để tăng gia sức ép trên các nước lân cận có tranh chấp với Trung Quốc.

Không những thế, cảnh báo cũng được nêu lên về sự kiện Trung Quốc có một quan điểm quá bao quát về vùng Đặc quyền Kinh tế trên biển, và sẵn sàng dùng võ lực gây trở ngại cho quyền tự do qua lại của tàu bè trong khu vực. Tình hình càng đáng ngại hơn trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường tiếm lực Hải quân.

Trong tình hình đó, như đại diện bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố, quan điểm chung của Hoa Kỳ là không can thiệp trực tiếp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong vùng. Thế nhưng Washington phải khôi phục trở lại vai trò cường quốc mang lại sự ổn định cần thiết cho khu vực.

Phó trợ lý Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách vấn đề an ninh tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Robert Scher đã nêu bật 4 thành tố chính trong chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng:

- Chứng tỏ rõ ràng bằng lời nói và hành động rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện và thể hiện vai trò một lực lượng quân sự số một trong khu vực.
- Xác lập quyền tư do đi lại của hạm đội Mỹ.
- Thiết lập những quan hệ mạnh mẽ hơn với các đối tác trong vùng, vừa về mặt chính sách, thông qua các cuộc đối thoại chiến lược, vừa về mặt hợp tác giữa các lực lượng quốc gia.
- Củng cố cơ chế đối thoại quân sự và ngoại giao sẵn có với Trung Quốc để tránh không cho các sự cố đáng tiếc xẩy ra.

Về thành tố thứ ba như kể trên, ông Robert Scher nhắc lại là mới đây, Hoa Kỳ đã thiết lập với Việt Nam và Malaysia những cơ chế đối thoại cấp cao về chính sách quốc phòng nhằm bổ sung cho các cơ chế tham khảo vốn đã rất vững chắc với Philippines, Thái Lan và Indonesia.

Quan điểm của Hoa Kỳ đã được chính Thượng nghị sĩ Jim Webb xác định khi ông cho rằng, trong tình hình hiện nay ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ thực lực và uy thế để đối phó với tình trạng bất cân đối mà Trung Quốc đang gây ra cho khu vực. Trong tình thế đó, ông nói:

”Hoa Kỳ có trách nhiệm duy trì một sự cân bằng địa lý chính trị trong vùng, sao cho mọi nước ở châu Á được đối xử một cách công bằng, và bảo vệ được những nước nào vốn chỉ muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.

Các tuyên bố xác định lập trường từ phía các giới chức chính quyền và chuyên viên quốc phòng Mỹ nhân buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ đã được các nhà phân tích xem là một tín hiệu tốt cho Việt Nam. Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Hoc Viện Quốc phòng Úc, chính quyền Việt Nam sẽ cảm thấy được trấn an phần nào vào lúc đang phải liên tục chịu sức ép từ phiá Trung Quốc:

”Việt Nam sẽ rất hài lòng với lời khẳng định của Hoa Kỳ là họ sẽ hành động để ngăn chặn không cho Trung Quốc tiếp tục hăm dọa các tập đoàn Hoa Kỳ, buộc các hãng này phải rút ra khỏi công cuộc hợp tác thương mại hợp pháp với Việt Nam để khai thác dầu khí ở vùng Biển Đông…, nhất là khi phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel đã nêu bật sự kiện Trung Quốc gây sức ép lên các tập đoàn Hoa Kỳ cộng tác với Việt Nam ở các bloc ngoài khơi mà theo ông không nằm trong hải phận mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền.

Việt Nam cũng sẽ cảm thấy được trấn an sau lời cam kết của các quan chức Hoa Kỳ là Mỹ vẫn hiện diện tích cực ở vùng Biển Đông và sẽ củng cố quan hệ về mặt an ninh quốc phòng với các đối tác của mình để đối trọng lại với Trung Quốc. Cuối cùng thì Việt Nam sẽ cảm thấy rất hài lòng là đươc các viên chức và chuyên gia nhắc đến như một nguời bạn hay là một đối tác của Mỹ trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thương viện”.

Theo giới phân tích, thông điệp của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông đã được tung ra đúng một tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ đến Thái Lan tham gia các cuộc họp của Hiệp Hội Asean, trong đó có Diễn đàn An ninh Khu vực ARF.

Nguồn: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4265.asp


Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

Trung Quốc, mối quan ngại chung!

Đọc mấy bài này mới thấy các nước lớn trên thế giới đều rất lo ngại trước Trung Quốc. Thế mới biết ngoài (lãnh đạo) Việt Nam ra chẳng ai ưa nổi anh Ba Tàu này!

Quan hệ Mỹ - Ấn nồng ấm hơn, có phần vì Trung Quốc?


Nhật theo dõi sát hoạt động của hải quân Trung Quốc


Những bậc thầy ngụy trang!

Theo thuyết tiến hóa của Darwin, trong chiều dài lịch sử, tất cả các loài sinh vật điều phải tiến hóa về cả kiểu hình và kiểu gen để có thể thích nghi và tồn tại trong sự chọn lọc khắc nghiệt của tự nhiên. Những hình ảnh sau đây sẽ cho thấy khả năng tiến hóa về kiểu hình của các loài côn trùng tuyệt vời như thế nào.

HTMD

Những 'bậc thầy' hóa trang

Cập nhật lúc 14:29, Thứ Sáu, 17/07/2009 (GMT+7)
,

Cần một chút tập trung để xác định sự hiện diện của những sinh vật mà nghệ thuật ngụy trang đã đạt đến trình độ bậc thầy, chùm ảnh của Christian Ziegle sẽ khiến chúng ta thích thú và kinh ngạc...

Ba con cóc có lớp da “lá mục” này hầu như biến mất trong đất rừng Panama. Để tồn tại trong rừng nhiệt đới, nơi loài này trở thành thức ăn cho loài khác, thường đòi hỏi những thủ thuật để đánh lừa con mắt kẻ săn mồi.

Loài nhện Deinopis dài, gầy đét và màu sắc ngụy trang y hệt lá cọ khô.

Có lẽ phải nhìn đến lần thứ 2, thậm chí thứ 3 để nhận ra chiếc que di động này - bọ Lonchode Jejunus.

Châu chấu Acanthodis curvidens có độ dài bằng một ngón trỏ ngụy trang như lớp vỏ cây rêu mốc. Không chỉ vậy, loài côn trùng này phải giữ mình bất động suốt ngày để ẩn mình.

Chim săn mồi sẽ bị thu hút bởi sự đong đưa của lá cờ đỏ rực nơi chân của con bọ đậu trên hoa Passiflora. Con bọ cố làm chệch hướng cú mổ của con mồi vào phần chi không quan trọng thay vì vào phần thân sống còn của nó

Châu chấu Mimetica giống một chiếc lá với những đốm nâu và cạnh hình chữ V, hai chân như hai nhánh nhỏ có thể tránh khỏi mọi sự chú ý. Tuy nhiên, kĩ thuật ngụy trang bậc nhất đôi lúc cũng thất bại. Béo bở, giàu protein và không độc hại, châu chấu voi bị lùng bắt bởi những loài tinh mắt như khỉ, chim, thằn lằn, ếch và rắn.

Sự cải trang khéo léo giúp loài sâu bướm Periphoba Arcaei đánh lạc hướng kẻ thù. Cái đầu giả hoàn hảo cùng với một cặp râu giả sẽ dụ kẻ thù tấn công vào phần sau của nó. Giả sử trò bịp này thất bại, gai trên đầu thật của con sâu bướm cũng sẽ khiến kẻ thù phải phun nó ra ngay lập tức.

Đối với loài kí sinh giun tròn, mục đích của việc ngụy trang không phải là để lẩn trốn mà là để... bị ăn. Khi xâm nhập vào con kiến, nó sẽ biến phần sau của khổ chủ thành màu đỏ nổi bật như một quả chín. Loài chim ăn “quả chín” hấp dẫn này, đồng thời ăn phải trứng loài kí sinh và giúp loài này phát tán qua phân chim. Vòng tuần hoàn sinh trưởng của loài kí sinh lại tiếp tục khi loài kiến ăn phải thứ phân này.

Một hóa thạch tìm thấy gần đây tại Đức cho thấy loài bọ ngựa này rất ít biến đổi trong suốt 47 triệu năm qua. Phyllium giganteum là loài lớn nhất trong hàng ngàn loài cánh lá với chiều dài có thể đạt 4 inch

Loài cú săn đêm này vào ban ngày có màu lông hòa trộn với cảnh vật xung quanh.

Loài bọ ngựa “lá mục” Deroplatys trigonodera khác hẳn họ hàng màu xanh lá của nó. Bề ngoài tiến hóa của nó trông như một chiếc lá mục rữa lẫn vào đất rừng nhiệt đới. Với cặp mắt kép lồ lộ và khả năng ngụy trang của mình, bọ ngựa “lá mục” thật sự là một kẻ săn mồi chuyên nghiệp và... thảnh thơi nhất. Ẩn nấp, rồi sau một cú phóng nhanh như chớp, đôi chân trước đầy gai của bọ ngựa “lá mục” sẽ cắt toạc những con mồi thiếu cảnh giác.

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Giáo dục kiểu Đức

Đức là một trong những quốc gia có nền khoa học và công nghệ hàng đầu trên thế giới. Vậy nền giáo dục của họ có gì lạ. Mời xem bài sau đây.
HTMD

Học lớp 1... kiểu Đức
15:48' 12/07/2009 (GMT+7)

- “Tôi muốn các cháu như một tờ giấy trắng, chưa bị dây trước một vết mực nào! Dạy chữ và số cho chúng là việc của các thầy cô giáo, những người đã ăn lương từ tiền đóng thuế của quý vị!”. Bà hiệu trưởng tỏ ra không vui, sau khi giơ vài mẫu chữ cái, mẫu chữ số hỏi các học sinh mới và thấy nhiều cháu giơ tay trả lời.

Đó là những ấn tượng khó phai trong câu chuyện học lớp 1 của cô con gái mà anh Trần Đình Ngân, Việt kiều ở Đức, chia sẻ cùng bạn đọc.

Luyện thi vào lớp 1. Ảnh: Đất Việt
Năm cháu Phương Hiền vào lớp 1 (Schulanfang), chúng tôi chuẩn bị cho cháu lễ khai giảng rất trọng thể, vì biết trong đời đi học, chỉ có một ngày khai giảng cho suốt 13 năm! Những năm học sau, cứ đến ngày học đầu năm thì thầy trò cùng vào lớp, không phải qua nghi thức “chào cờ", phát động thi đua… nữa!

Đón tiếp học trò mới, ngoài ông thị trưởng thành phố, còn có thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo lớp 1 và đội văn nghệ đại diện của các bạn lớp 1 năm trước.

Thành phần đông vui nhất của ngày khai giảng là sự hiện diện của ông bà, cha mẹ và khách mời của gia đình học sinh. Mọi lời phát biểu, chào mừng đều không quá 5 phút. Bà hiệu trưởng được dành thời gian nhiều nhất để làm quen với các học sinh.

Bà tỏ ra không vui, sau khi giơ vài mẫu chữ cái, mẫu chữ số hỏi các học sinh mới và thấy nhiều cháu giơ tay trả lời.

Quay về phía các gia đình học sinh, bà nói: “Tôi muốn các cháu như một tờ giấy trắng, chưa bị dây trước một vết mực nào! Dạy chữ và số cho chúng là việc của các thầy cô giáo, những người đã ăn lương từ tiền đóng thuế của quý vị!”.

Bà hiệu trưởng đọc danh sách phân lớp, cô giáo chủ nhiệm nhận học trò và đưa các em nhỏ về lớp.

Cháu Phương Hiền đi học được bốn tháng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Cháu nhanh chóng đọc được các tờ báo tiếng Đức (dù nghĩa các từ chưa phải đã hiểu hết!).

Không hề có khái niệm “đánh vần" nhưng nhìn thấy tờ báo tiếng Việt mà bố để trên bàn, cháu đánh vần luôn: “An-ninh-the-gi-oi”.

Năm lớp 1, kết quả học tập không cho điểm, nhưng tôi rất yên tâm về con khi thấy sau mỗi bài có kèm theo những nhận xét nhỏ của giáo viên như “Giỏi”, “Đáng yêu"... và đặc biệt là những lời nhận xét ngắn với nét chữ rất đẹp của cô giáo chủ nhiệm "rất yêu gấu con!".

TIN LIÊN QUAN
Vốn là người đã có quá trình hoạt động sư phạm, tôi khâm phục sự dạy dỗ của các bậc đồng nghiệp người Đức, nhưng vẫn phân vân một điều: chữ viết của Phương Hiền xấu quá, nhiều chữ nghiêng ngả, to nhỏ không đều và nếu giấy không dòng kẻ thì chữ viết xiêu vẹo...

Nhân được mời họp phụ huynh sau kỳ nghỉ Noel, tôi định bụng sẽ phàn nàn về áy náy của mình với cô giáo dạy môn Tiếng Đức.

Ở hệ cấp 1 (Grundschule), các thầy cô sẽ đồng hành cùng học sinh đến hết cấp (lớp 4), cho nên theo ý thông thường, việc phàn nàn với giáo viên, nhà trường về chất lượng giảng dạy là điều phải thận trọng. Bà giáo R.Lipka, 55 tuổi, là giáo viên chủ nhiệm đồng thời dạy môn Tiếng Đức của lớp 1A.

Bà nhận xét tốt về con gái tôi. Bà đề nghị khi ở nhà, không nên để cháu học thêm vì sau giờ chính khóa, nhà trường có hẳn một bộ phận giáo viên lo ăn, ngủ trưa, ôn bài và vui chơi thể thao của học sinh cho đến chiều (học bạ có một điểm nhận xét về môn này). Đến lượt mình, tôi dè dặt nói về chữ viết của Phương Hiền và tự tin đưa ra quyển vở tập viết của cháu.

- Đâu?... Bằng chứng của ông đây à? - bà R.Lipka kéo quyển vở về phía mình và sửng sốt hỏi.

Tôi bị bất ngờ về thái độ và nhận ngay từ bà giáo khả kính câu hỏi tiếp theo:

- Ông có đọc được cháu viết chữ gì không?

- Thưa... có! Đọc được nhưng chữ viết như vậy là xấu!

- Xấu ? ... Tôi cũng đọc được như ông. Đây đúng là chữ tôi đã dạy để con ông tự viết ra.

Bà giáo trầm lại, giảng giải:

- Tôi có trách nhiệm dạy để con ông viết chữ mà ông, tôi, mọi người đọc ra được chữ của nó. Tôi không có quyền bắt con ông viết chữ giống tôi. Tôi đưa ra mẫu chữ theo quy định, chúng sẽ viết theo đó. Chứ... nếu tôi cầm tay chúng, nắn theo nét chữ của tôi, tôi sẽ bị đuổi việc. Vì đìều này là vi phạm luật về sự tôn trọng quyền riêng tư của con người. Chữ viết thế nào là nét riêng của mỗi người, chữ là đặc điểm nhận dạng ra mỗi cá nhân.

... CHLB Đức vốn chưa được xếp vào hàng các nước có nền giáo dục tiên tiến của châu Âu. Phương Hiền nhà tôi năm nay đã vào học lớp 11. Mang chuyện học ở Đức mà kể lại sợ có gì khập khiễng vì tại Việt Nam chuyện “cải cách giáo dục” vẫn còn nhiều tranh cãi. Xin chia sẻ cùng các bậc phụ huynh về đề tài "hóc búa" này.

  • Trần Đình Ngân (Berlin, Đức)


Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

Pháp nạn!

Trong một vài năm gần đây, các hoạt động Phật sự của Bát Nhã dưới sự hướng dẫn của tăng thân Làng Mai đã được rất nhiều Phật tử ủng hộ, nhất là những người trẻ tuổi. Các khóa tu ngắn hạn đã giúp ích rất nhiều cho những người trẻ vốn đang mất phương hướng trong việc tìm kiếm lý tưởng sống. Từ sau các chuyến về nước hoằng pháp của thiền sư Nhất Hạnh, Bát Nhã đã trở thành một địa chỉ tu học rất được ưa thích. Tuy nhiên, phàm ở đời cái gì quá nổi bậc sẽ trở thành đối tượng cho người ta phê phán, chỉ trích, thậm chí phá hoại. Còn nhớ năm ngoái (2008,) Bát Nhã đã từng trải qua 1 cơn pháp nạn khi chính quyền địa phương ra quyết định trục xuất tăng thân Làng Mai ra khỏi tu viện khiến các thầy ở đó phải đệ đơn cầu cứu khắp nơi. Tưởng rằng mọi việc đã êm xuôi, giờ đây lại mới nghe tin dữ là Bát Nhã lại bị một đám côn đồ kéo đến đập phá trước sự thờ ơ vô trách nhiệm của chính quyền địa phương. Biết rằng chúng ta đang ở thời mạt pháp, bè lũ con cháu của Ba Tuần ngày càng trở nên lộng hành, nhưng tất cả những hành động phá chùa bức hại tăng chúng kia sẽ không thể thuận lợi diễn ra nếu không có sự tắc trách đáng lên án của chính quyền. Làm Phật sự bao giờ cũng bị thử thách, mong qúy thầy, qúy sư cô luôn cố gắng để vượt qua pháp nạn này. Ngưỡng mong chư Phật, các vị Long Thiên Hộ Pháp hãy gia hộ cho tăng thân Bát Nhã. Những ai làm điều xấu ác sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân quả, cho dù chúng làm với động cơ gì và đứng sau chúng là ai!
HTMD

Vụ đập phá tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng gây phẫn nộ

Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 02/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày 02/07/2009 14:04 TU

2501
Tu Viện Bát Nhã, Lâm Đồng Nguồn : langmai.info

Theo các tin tức truyền đi trên mạng, Tu viện Phật giáo Bát Nhã ở Đambri (Lâm Đồng) vừa bị hơn 200 người từ xa kéo đến đập phá trước sự chứng kiến dửng dưng của Công an địa phương. Những lời kêu cứu của các tu sĩ gửi đến chính quyền, công an cấp trên như rơi vào chỗ trống không. Cảm nghĩ của nhà thơ Hoàng Hưng.


Nghe phỏng vấn bẳng cách nhấn vào nút bên.

Theo các tin tức truyền đi trên mạng, Tu viện Phật giáo Bát Nhã ở Đambri (Lâm Đồng) vừa bị hơn 200 người từ xa kéo đến đập phá trước sự chứng kiến dửng dưng của Công an địa phương, ngay sau đó bị cắt điện nước khiến 400 tu sinh lâm vào cảnh khốn đốn, những lời kêu cứu của các tu sĩ gửi đến chính quyền, công an cấp trên như rơi vào chỗ trống không.

Là một người cầm bút có tìm hiểu về Phật giáo qua sách vở và thực tế, trong đó có pháp môn “Làng Mai” của Thiền sư Nhất Hạnh, đã đích thân quan sát và có những người rất thân từng tu tập theo pháp môn này tại chính Bát Nhã, tôi xin bày tỏ cảm nghĩ của mình như sau về sự cố nói trên:

1/ Pháp môn tu tập Làng Mai tại Bát Nhã toàn dạy những điều tốt lành cho con người, đề cao sự minh triết để đạt tới an lành nội tâm cho mỗi người, đề cao tình thương, sự truyền thông để tạo sự thông cảm giữa người với người.

Đó là một phương thuốc vô cùng quý báu góp phần trị những chứng bệnh xã hội ngày càng nghiêm trọng như: suy thoái đạo đức, khủng hoảng niềm tin và lẽ sống, stress… Như thế, nó cũng đóng góp cho việc bảo đảm trật tự và ổn định của đất nước.

Pháp môn Làng Mai tại Bát Nhã, như tôi tận mắt chứng kiến, đã được sự hâm mộ của ngày càng đông Phật tử và thanh niên thiếu nữ trong nước, không những thế vừa có dịp sang tận Làng Mai ở Pháp, tôi thấy nó còn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những người đang đi tìm lẽ sống niềm tin trên khắp thế giới, có thể coi là đóng góp đáng tự hào của người Việt Nam vào nền văn hoá nhân loại hôm nay.

Có lẽ chính vì thế, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho Thiền sư Nhất Hạnh và tăng đoàn của Thầy mấy lần về nước truyền bá pháp môn này, và lập nên tu viện Bát Nhã. Việc làm đó thật đáng hoan nghênh, và cũng giúp truyền bá ra thế giới hình ảnh một Nhà nước tôn trọng tự do tôn giáo.

2/ Vì thế, bất kể nguyên nhân dẫn đến là thế nào, tôi tin rằng cũng như tôi, những người có lòng với công cuộc phục hưng Phật giáo, đạo đức văn hoá dân tộc hết sức bất bình trưóc sự cố vừa xảy ra tại Bát Nhã. Nó là một đòn giáng thẳng vào bộ mặt tôn trọng tự do tôn giáo mà Nhà nươc đang cố công xây đắp trước cộng đồng Phật tử Việt Nam và dư luận thế giới.

Nó cũng là sự bôi xấu không thể biện minh cho công việc trị an và bảo đảm tài sản, tính mạng cho những công dân lương thiện. Hơn thế nữa, một khi những người dân hiền lành, hướng thiện như các tu sinh Phật giáo trở thành đối tượng bị bức bách của bất kỳ thế lực nào, thì Nhà nước cũng là người có trách nhiệm cao nhất không thể tránh được việc phải đối mặt với câu hỏi đã từng đặt ra cho một số chính quyền trước đây ở trong nước và hiện nay ở nước ngoài.

3/ Chính quyền địa phương Đambri, Bảo Lộc liệu có vô can trong hành động hung đồ phạm pháp nói trên của một số kẻ tụ tập đông đảo và có tổ chức như thế ?

Nếu các cấp thẩm quyền không nhanh chóng có lời giải đáp câu hỏi trên và xử lý nghiêm minh vụ việc, trả lại công bằng cho 400 tu sinh Bát Nhã, thì danh dự của Nhà nước sẽ bị tổn hại nặng nề.

Lời cuối cùng xin nhắn đến những ai dính líu vào tội ác vừa làm với tu viện Bát Nhã: Hãy kịp ngừng tay, hãy biết sợ quỷ thần, vì phá phách tu viện, bức hại tu sinh là một tội đại ác!

Nguồn:
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4057.asp


Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Ghi nhanh một buổi sinh hoạt chủ nhiệm!

Đến giờ sinh hoạt chủ nhiệm. cô giáo vào lớp nhìn quanh không thấy học sinh Trách Nhiệm đâu cả, biết đây là học sinh cá biệt thường xuyên bỏ học, gây gỗ với bạn bè và thường hay...chối trách nhiệm khi có sai phạm.
- Lớp trưởng, em có biết Trách Nhiệm ở đâu không?
- Dạ, em không biết. Em chỉ có nhiệm vụ quản lý tổng thể lớp học, còn từng thành viên cụ thể thì em không nắm vì đang đợi báo cáo từ phía lớp phó ạ.
- Lớp phó đâu?
- Dạ em không biết vì em chỉ phụ trách vấn đề học tập của lớp, em không quản lý chuyện đi học của các bạn. Có lẽ vấn đề này bạn Cờ Đỏ nắm ạ?
- Cờ Đỏ?
- Dạ em cũng chưa nắm được tình hình do bạn tổ trưởng chưa báo cáo. Hơn nữa em chỉ quản lý những bạn là đoàn viên, còn bạn Trách Nhiệm thì chỉ là ... thường dân thôi ạ.
- Tổ trưởng.
- Dạ em cũng không biết được tuy nhiên em nghĩ nhiệm vụ đôn đốc và giám sát bạn ấy là của gia đình, Tổ dân phố và công an khu vực ạ.
- Ừm, đây đúng là một vấn đề lớn, chúng ta cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị của lớp để làm việc này. Cô cũng thừa nhận là trong quá trình quản lý các em còn có nhiều điều ...bất cập, nhiều trường hợp ...nhạy cảm của lớp chúng ta mà chưa có những giải pháp tổng thể, đành phải đối phó tình huống thôi.
Nói đến đây cô giáo thở dài, lo lắng về nồi thịt đang kho ở nhà hồi nãy đi vội quá không biết đã tắt lửa chưa. Học sinh Đồng Thuận cao to nhất lớp chợt giơ tay xin phát biểu:
- Em hoàn toàn tán thành với cô đây là vấn đề lớn, nhạy cảm. Tuy nhiên qua phát biểu của các bạn có trách nhiệm thì em thấy được một sự quyết tâm cao của tất cả mọi người trong việc giải quyết vấn đề của bạn Trách Nhiệm, mong cô an tâm ạ.
Cô giáo mỉm cười sung sướng, cô biết tuy thằng này học dốt cũng ngang ngửa với thằng Trách Nhiệm nhưng nó là đứa đa mưu, lanh lợi, thường đưa ra những góp ý đúng đắn cho cô trong nhiều tình huống nhạy cảm.
- Vậy là cả lớp đã quán triệt hết rồi nhé, chúng ta phải tuyệt đối giữ vững sự đoàn kết trong lớp, có như vậy thì mới thắng lợi trong các phong trào thi đua được. Bạn Đồng Thuận đã có ý kiến rất hay, cô biểu dương trước lớp. Sau giờ học cả lớp chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ để đi tìm bạn Trách Nhiệm. Cả lớp biểu quyết đi.
Cả lớp giơ tay biểu quyết trăm phần trăm, khí thế thật sôi nổi.