Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Chuẩn bị quốc khánh?!





Cái này gọi là chuẩn bị cho quốc khánh?! Nếu không phải thế thì các quốc gia lân bang nên lo đi là vừa!

Bát Nhã ngày xưa!



Bát Nhã ngày xưa, ngày thanh bình còn có mặt!

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Quặn đau vì Bát Nhã!

Vậy là cuối cùng những ai muốn trục xuất 400 tăng ni đang hành trì pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng đã đạt được mục đích của mình. Trong một trận chiến không cân sức giữa gậy gộc và từ bi thì cái thiện đã phải tạm thời nhường bước. Đây có thể là một "chiến thắng" tạm thời của vô minh và lòng sân hận, nhưng sẽ là một vết thương tâm linh không dễ gì hàn gắn được. Hình ảnh Việt Nam giờ đây đang trở nên rất tồi tệ trong mắt các tổ chức nhân quyền trên thế giới, chỉ có người dân Việt Nam là không ai hay biết chi cả nhờ vào một sự im lặng tuyệt vời của 700 tờ báo trong nước, thật là một sự "đồng thuận" cao độ. Dẫu biết rằng cái gì có hình tướng thì rồi cũng sẽ phải bị hủy hoại theo thời gian, cũng sẽ phải chịu sự chi phối của vô thường, nhưng nhìn thấy cảnh một tự viện xinh đẹp, khang trang như thế mà giờ đây chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát thì sao không khỏi đau lòng. Chùa chiền hư thì có thể xây dựng lại, nhưng để gây dựng lại một hình ảnh Bát Nhã bình yên như ngày nào thì có lẽ là một mơ ước xa vời. Tiếc thay cho công sức của thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai, tiếc thay cho cơ hội được hưởng thụ một nền đạo đức cao đẹp của giới trẻ, tiếc thay cho sự vô cảm của con người nhất là những người đang nắm trong tay quyền lực, những người đang ngày đêm rao giảng về một nền dân chủ giả cầy của chính thể!

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Lý sự về cái đít!

Từ cổ chí kim, nhân loại vẫn cứ lầm tưởng bộ não là cơ quan duy nhất biết tư duy trong cơ thể, nó chỉ huy và chi phối tất cả các bộ phận khác. Thế nhưng một khám phá mới đây đã cho thấy điều đó không đúng mà một bộ phận khác ít ai ngờ đến mới là tổng tư lệnh tối cao. Chắc ai cũng tò mò muốn biết đó là bộ phận gì mà quan trọng vậy, quả tim chăng? vì quả tim ngoài chức năng bơm máu ra còn là biểu tượng của tình yêu, tình lang thang, tình mơ mộng, tình quằn quại gì đó đủ thứ. Câu trả lời là không phải. Vậy là thận, gan, phèo phổi, ruột già, ruột non vv và vv chăng. Cũng không phải!. Bên trong không phải thì tìm bên ngoài, chắc là đôi mắt rồi vì mắt là cửa sổ tâm hồn mà. Ngày xưa chẳng phải vì những ánh mắt (một mí vì là ba tàu) của các Tây Thi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân mà khiến quách đổ thành xiêu, cha con choảng nhau, anh hùng mạt vận à. Cũng không phải. Rốt cuộc câu trả lời đưa ra khiến mọi người ngạc nhiên thiếu điều muốn té ghế, đó là cái đít. Vâng, chính xác là cái đít! Vì nó có trí khôn và lòng ham muốn đặc biệt lớn nên khi muốn ngồi lên cái ghế nào thì nó sẽ ra lệnh khiến thằng chủ của nó phải khốn khổ tìm đủ trăm phương ngàn kế, chạy chọt lo lót, thượng đội hạ đạp, khom lưng quì gối, dương đông kích tây, ném đá giấu tay, thừa gió bẻ măng, tát nước theo mưa, vắt chanh bỏ vỏ, qua cầu rút ván vv và vv ôi thôi đủ hết, nhiều chiêu "độc" mà trong Binh pháp Tôn tử còn chưa có được đem áp dụng để đạt cho bằng được mục đích. Mà nào đâu đã xong, khi ngồi được lên ghế rồi thì người ta mới phát hiện đít còn có một ưu điểm siêu phàm khác là ...nhớ dai. Khi nó đã "mến" ghế rồi thì chết cũng không buông, mặc cho thằng chủ nó tuổi cao sức yếu, cái đầu học bổ túc dăm ba chữ không còn tư duy nỗi nữa, phạm sai lầm nghiêm trọng hết bị cảnh cáo đến khiển trách, kiểm điểm riết đến cái mặt dày như mo cau nhưng nó vẫn không chịu buông. Thiệt là một sự kiên nhẫn siêu phàm. Ngẫm kĩ hóa ra cái đít mới giúp ta phân biệt giữa bậc thánh nhân với người phàm chứ không phải cái đầu. Thánh nhân khi cần thì ở, hết việc đi ngay, thong dong tự tại không bao giờ nhớ ghế, ngay cả ngai vàng cũng bỏ, còn bọn phàm nhân thì đấu đá nhau chết bỏ chỉ vì một cái ghế trưởng phòng, trưởng khu phố, thậm chí là trưởng ấp.
Một vài dòng lý sự cùn, mong giúp bà con " mua vui cũng được một vài trống canh".
PS. Người viết nghĩ ra bài này bằng cái đầu, chứ không phải cái đít. HTMD

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Ông "Đột Phá"

Đọc bài thơ châm biếm của ông Thái Hữu Tình tức cười quá xá, duy chỉ có câu cuối thì buồn 5 phút vì dù gì mình cũng cầm tinh con khỉ, mà mình đâu có phá! HTMD

Ông "Đột Phá"

Tiến sĩ giấy ơi

Tôi gọi ông là “ông đột phá”

Đột vào đâu, và phá cái gì?

- Đột vào nơi bày toàn những ghế

Phá nơi nào cất giữ lương tri !

Thân giáp bảng sinh từ mảnh giấy

Bụng to đùng, đầu nhỏ tí ti

Khốn nạn dân lành được ông cưỡi cổ

Như cưỡi rùa bái tổ vinh quy.

“Trăm phần trăm đều là Tiến sĩ”

Ủy ban thế ấy Ủy ban gì?

Học đòi “đột phá tư duy”

Khỉ “đột” nó “phá” thì nguy giống nòi.

20-9-2009
Thái Hữu Tình

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Tỵ nạn giáo dục!

Đọc bài này của tác giả Dạ Ngân thấy đúng quá. Trước giờ hình như chỉ mới có tỵ nạn chính trị, chắc sắp tới phải đột phá thêm nhiều kiểu tỵ nạn khác cho nó phong phú, kiểu như tỵ nạn tôn giáo, tỵ nạn phản biện, tỵ nạn mặc áo (có logo nhạy cảm), và tỵ nạn ...viết blog.
HTMD

Tỵ nạn giáo dục

Đứa trẻ mới 5 tuổi, đi mẫu giáo về, tối đã phải đi học thêm. Học để làm gì? Có trời mới biết nhưng mà cha mẹ em này nhìn vào cha mẹ em khác mà âm thầm đua nhau. Học để khi vào lớp Một, con mình hiển nhiên nổi trội hơn con cái những người không có điều kiện học thêm. Và chuyện học thêm ở đâu mới thật nan giải. Nhưng đã tìm thì phải ra, bởi ở đời, khi người ta đã muốn thì người ta sẽ có cách. Các cô giáo dạy lớp Một có tiếng nhất định sẽ đắc hàng. Ở Hà Nội mùa học trước thềm lớp Một đúng vào những ngày nóng bức nhất. Không ít cô lớp Một mua được đất riêng nhưng dù nhà lầu đi nữa thì hàng trăm em bé cũng phải chịu cảnh "xếp cá mòi" vào những giờ thông tầm giữa hai buổi học. Tuổi thơ của trẻ con Việt Nam nói chung bị thun lại một cách dị thường là vì ngay từ khi lớp Một, các em đã phải hy sinh cho thành tích của ngành giáo dục.

Bắt đầu một cuộc chạy trường mất ăn mất ngủ. Chém cha những gã nào nghĩ ra trường điểm trường chuyên, không ít phụ huynh đã nguyền rủa như vậy nhưng họ không trốn được cảnh chạy trường. Ở Hà Nội đất thần kinh, nhiều người giàu và cũng nhiều người quan niệm sống chết cho việc học của con nên họ đã phải chuẩn bị hàng xấp dollar để con mình được vào lớp Một sáng chói. Và cũng từ đó cả nhà cùng thức khuya dậy sớm với con em như thể đi cày. Phải trừ hao thời gian cho nạn tắc đường, phải ăn sáng hộc tốc, phải xếp hàng vào lớp sớm để còn rèn luyện thân thể. Và học, học cả hai buổi mà về nhà vẫn còn hàng đống bài phải học cho xong! Một bài tập ở nhà trong học kỳ I cho học sinh lớp Một có nội dung sau: " Hãy viết 10 điều nên và 10 điều không nên về việc giữ gìn vệ sinh lớp học". Một đứa trẻ 6 tuổi phải nghĩ ra 20 điều nên và không nên cho chuyện giữ gìn một phòng học chỉ có mấy bức tường, mấy cửa sổ, mấy dãy bàn ghế và một tấm bảng ư? Cả nhà xúm vào cùng làm bài với em đến khuya mà vẫn không đủ 10 điều cho mỗi cột. Nên và không nên thì khác gì nhau, đã nên rồi thì đừng bắt không nên nữa mới đúng là giáo dục chứ! (Tương tự kiểu giáo khoa thư giáo điều như vậy còn có đề ngoại khoá cho học sinh lớp Bốn: "Hãy viết cảm nhận của em về trận Điện Biên Phủ trên không?". Một học sinh lớp 12 còn không kham nổi loại đề như thế, nữa là.

Chuyện trồng người ở nước ta viết bao nhiêu cũng không hết sự ngô nghê, lạc hậu buồn cười, nhưng nói thì dễ thành "Biết rồi khổ lắm nói mãi!" Nhưng đây là chuyện hệ trọng còn hơn cơm áo, bởi vì gia đình nào cũng có người liên quan đến việc học. Hơn nữa, người Việt Nam ta còn có câu "nhất con nhì của" và tinh thần hiếu hiọc của người Việt thì đã được cả thế giới ghi nhận chứ không phải dân mình tự xưng. Chừng như các nhà vĩ mô, các vị chức sắc và cả các thầy các cô cũng biết rõ điều đó nên bộ máy ngành giáo dục đã tận dụng tối đa sự xả thân của phụ huynh cho việc học của con em họ. Ở vị thế bị trấn lột, bị tung hứng, các bậc phụ huynh biết rõ mình đang là miếng mồi nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thoát ra.

Xin đừng tưởng những người có ăn có để ở thành phố đang thoát ra bằng cách cho con vào các trường quốc tế tại chỗ hay đi du học. Quả là với các loại trường quốc tế tại chỗ, học sinh đã được học ngoại ngữ tốt hơn, được thụ hưởng điều kiện học hành ưu thế hơn và được giảm tải với chương trình của Bộ giáo dục. Nhưng để đổi lấy những điều đó, cha mẹ của các em đã phải dập mặt kiếm tiền, mà để có đồng tiền sạch ở xứ ta, nào dễ. Với những em phải du học sớm, cho dù các em được hít thở mọi thứ nhưng cái giá cho chính các em cũng không phải nhỏ. Đó là sự cắt rời cha mẹ ở tuổi vị thành niên, sự đứt gãy văn hoá truyền thống và tiếng Việt, những điều làm nên một người Việt Nam thực sự hương vị ở tương lai.

Lợi bất cấp hại nhưng càng ngày càng có nhiều người đã bấm bụng cho con mình có được môi trường học hành không vẩn đục. Gầm kỹ, dù vào trường quốc tế tại chỗ hay bằng mọi cách cho con cái đi ra nước ngoài, với người Việt của thời điểm này, nhất định đó không phải từ ý thức vọng ngoại mà thuần tuý là một cách tỵ nạn mà thôi. Chắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn người nhà của mình đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không phản quốc, tôi không sính ngoại, tôi không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.

Hai bài phản biện "bom tấn" dành cho ông Lê Anh Sắc

Hôm nay đồng thời có 2 bài phản hồi về ý tưởng "đột phá" của ông TS. Lê Anh Sắc. Bài thứ 1 của GS Nguyễn Văn Tuấn "Những ngộ nhận về học vị tiến sĩ" và bài thứ 2 của TS Nguyễn Quang A với tiêu đề rất "quyết liệt" "100% công chức cấp cao là Tiến sĩ thì dân ta đi ăn mày!". Hi vọng 2 quả bom tấn này sẽ làm ông "chiên viên cao cấp" của Sở Nội vụ Hà Nội tỉnh ngộ, nếu như ông thực sự cầu thị và cũng mong rằng từ rày về sau ông Sắc nên chăm chú hơn vào công việc quản lý hành chính của mình để cho dân nhờ, không nên đề xuất ra những siêu ý tưởng như thế nữa. Mong lắm thay!

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

Khắc tên 16000 tiến sĩ, xin can - xin can

Đang có phong trào tiến sĩ hóa văn phòng và nhà nhà làm tiến sĩ, nhân dịp đọc bài này trên Tuần Việt Nam thấy hay quá. HTMD

Khắc tên 16 nghìn tiến sỹ - xin can, xin can!

Tôi tin rằng, những nhà khoa học thật sự của Việt Nam không ai muốn nằm cạnh những tiến sỹ “ngoại giao” hay “mua bán”. Họ thà làm viên sỏi lát đường cho người nghèo đi cắt lúa hơn là có tên trên bia đá để phủ bụi thời gian.

Một đêm thức dậy, "đường đời mở rộng"

Người viết bài này có bằng PTS ở Đông Âu, đề tài về tự động hóa văn phòng, dùng máy vi tính thiết kế hệ thống lập lịch tự động. Nếu ai dùng Lotus Notes hay các loại lịch trên internet của Google, Yahoo và so sánh hệ thống tôi xây dựng cách đây 20 năm sẽ nói đó là mớ…giấy lộn.

Luận án được đóng gáy vuông, hơn trăm trang, trông rất được. Về nước nộp cho thư viện quốc gia một cuốn. Nhưng hình như nó đã bị mối xông hoặc bán cho hàng rong gói xôi. Vài năm trước đến xin lại, không thấy nữa.

Thú thật, tôi nhẹ cả người. Nếu ai không may tìm thấy để tham khảo cũng không sợ vì “biết mình là ai?”. Nhưng tôi biết chắc “tôi tên là gì”. Bạn đọc biết tôi sợ nhất cái gì không? Sợ đọc luận án PTS của chính bản thân (!).

Bằng đỏ được gói trong giấy bóng, cất trong két sắt. Thỉnh thoảng lôi ra ngắm hay mang về cho mẹ già ở quê khoe làng xóm. Cậu sinh viên nhà bên cạnh nhìn thấy vài lần, thản nhiên hỏi: “Chú mua hết bao nhiêu?”.

Tôi không mua bằng. Vì mối quan hệ ngoại giao giữa nước ta và bạn nên Hội đồng khoa học hàn lâm “thương” người Việt Nam đánh Mỹ, cần nhiều tiến sỹ về xây dựng đất nước. Tôi biết rõ các viện sỹ bạn đã ưu ái bỏ phiếu “đồng ý”, giúp tôi nên danh giá và họ hàng được tiếng thơm.

Cái bằng PTS “ngoại giao” ấy cũng giúp được nhiều việc. Đến hội nghị được giới thiệu “đây là PTS toán lý X”, rất oách!

Rồi một đêm thức dậy, tôi…thành Tiến sỹ vì quốc gia quyết định “không còn học vị PTS”. Đường đời càng mở rộng.

Nhưng thật không may, cái bằng ấy giúp chút danh tiếng nhưng không có miếng. Trình độ có hạn nên đành đổi nghề, đi dạy học kiếm tiền. Thấy tổ chức nước ngoài thi tuyển, tôi đánh liều gửi đơn. Họ nhận vì may mắn trong CV đã không đề Ph.D. Nếu không bị liệt vào loại “over qualified - trình độ quá cao”.

Làm việc một thời gian, nhiều người biết tôi có bằng cấp nên thi nhau gọi đùa “Dr. X” dù tôi chỉ là anh chàng quản trị mạng máy tính. Tôi đã “lạy như tế sao”, xin họ bỏ chữ Dr.

Người ta xứng đáng là tiến sỹ nếu làm trong lĩnh vực đó nhiều năm, có kết quả nghiên cứu được thừa nhận, các trường mời giảng dạy, ứng dụng rộng rãi trong thực tế hoặc ít nhất có các bài báo đăng ở các tạp chí nổi tiếng.

Còn tôi, cái bằng kia đã vứt xó. Bao nhiêu năm nay không có bài báo nào, sống bằng quá khứ “nhầm lẫn” của hội đồng khoa học nước bạn trời Âu.

Xin can, xin can...

Mấy hôm nay nghe chuyện nước ta dự định thành lập Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại. Họ định dành mười mấy hecta cho “Văn Miếu” khác, ghi danh các tiến sĩ thời nay, có cả rùa đội bia đá khắc tên các nhà khoa học.

Tôi thấy run. Đàng hoàng là tiến sỹ, tên mình có thể được xét. Bà mẹ già 88 tuổi nghe tin này, sợ cụ không qua khỏi…vì mừng. Vì thế, tôi “cắn cơm cắn cỏ”, lạy các chư vị đừng cho tôi lên lưng rùa vì muốn mẹ tôi sống trăm tuổi.

Để đưa đất nước đi lên như ngày hôm nay, chúng ta có rất nhiều nhà khoa học thực sự giỏi, đóng góp rất lớn cho phát triển, xóa nghèo và bảo vệ đất nước. Họ xứng đáng có bia đá như các vị trạng nguyên thuở trước.

Những tên tuổi lớn như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của hay vài chục người khác nên được khắc ngay vào văn bia Quốc Tử Giám. Nhưng khắc tên 16 nghìn tiến sỹ thì thật khủng khiếp.

Tôi lo thần Kim Qui mang trên vai cả tài sản trí tuệ …rởm. Sự dối trá, nhất là dối trá trong khoa học, sẽ nặng như Ngũ Hành Sơn. Mai của các cụ rùa sẽ gẫy, bia sẽ đổ. Thế hệ tương lai mất công khuân đá để…làm đường.

Những năm cuối 1980, tôi còn nhớ phong trào làm hồ sơ phong giáo sư. Có người ra sức tìm các bài báo đăng đâu đó, rồi những bài đứng chung tên được chia chác. Chủ trì đề tài quốc gia được thêm vài điểm dù ông ta chỉ lĩnh tiền “chủ trì nhưng không làm gì”. Họp tổng kết, ông thường ngồi trên bàn đầu, nơi ống kính TV dễ bắt nhất. Tôi cứ tưởng tượng lúc xét lên bia đá trong Văn Miếu mới sẽ diễn vở kịch tương tự. Dám chắc, ông ta lại đòi ra mặt tiền của dãy bia.

16 nghìn tiến sỹ với 16 ngàn bia và rùa, kể cả công nổ mìn, đục, đẽo, khắc trên đá chắc đủ làm một con đường 16 km cho một vùng quê nghèo Hà Tĩnh hay Hà Nội mở rộng. Gọi đó là “Đường Tiến sỹ Việt Nam” sẽ được người đời nhớ lâu.

Tôi tin rằng, những nhà khoa học thật sự của Việt nam không ai muốn nằm cạnh những tiến sỹ “ngoại giao” hay “mua bán”. Họ thà làm viên sỏi lát đường cho người nghèo đi cắt lúa hơn là có tên trên bia đá để phủ bụi thời gian.

Vốn ghét sân golf, vì nước mình còn nghèo, nhưng tôi xin chuyển mục đích sử dụng mười mấy hecta đất cho thể thao “lỗ” thay vì dùng cho “Văn Miếu” đương đại. Hoặc kinh phí ấy dùng cho thi hoa hậu cũng thú vị, dù tôi không thích trình diễn áo tắm. Hoa hậu “rởm” về học lực nhưng chân dài và các vòng 1-2-3 của các nàng lại rất “thật”.

Về khoa học, công trình “rởm” biến thành tai họa “thật” cho người nghèo. Lịch sử nhầm lẫn trên "bia đá" dễ trở thành “bia miệng” cho đời sau.

Nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã “xin can” trên báo Tia sáng (03/10/2008), trí thức Việt kiều Trần Hữu Dũng cũng viết đùa “Xin can, xin can” khi biết tin này.

Biết không thể khuyên người khác, tôi chỉ biết tự can…mình.

Dàn đồng ca!


Một bên đứng chửi, một bên ngồi tụng kinh, thật là một dàn đồng ca có một không hai, thiệt hay. Xứ mình đâu thiếu chuyện lạ để xem.

Vịnh tiến sĩ giấy

Vịnh Tiến sĩ giấy

Rõ chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời!
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi
******************************

“Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng” (Tự trào – Nguyễn Khuyến)

Đến như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ mà còn tự trào như thế thì bậc hậu sinh sao dám vênh vang. Cày hết cơm hết gạo mà nhiều lúc còn thấy thẹn với sự ngu dốt của mình, sao dám nghĩ đến chuyện "phát kiến", "đột phá". Mịa, cứ cái kiểu đi tham quan nước ngoài như cưỡi ngựa xem hoa rồi về sáng tạo (tối dẹp) thì nguy quá, xin can, xin can!

Chuyện ghi được ở một quán nhậu

Buổi tối tại một quán nhậu đông đúc náo nhiệt, mọi người ăn uống ồn ào.

Có hai ông ngồi ở một bàn khuất góc quán, cả hai mặt đã bắt đầu đỏ gay. Họ đang nói chuyện gì không biết. Chợt ông mặc áo trắng nói:

– Tụi lãnh đạo bây giờ nhiều đứa xấu xa, tồi tệ như chó!

Ông mặc áo xanh bỗng nổi khùng, lên tiếng:

– Tôi phản đối cái lối nói xúc phạm, bôi bác của anh.

– Nhưng mà tôi nói đúng!

– Anh nói sai rồi!

– Tôi nói đúng!

– Anh nói sai! …

Cả hai bắt đầu to tiếng và có dấu hiệu sắp xảy ra xô xát. Thực khách xung quanh thấy vậy chạy lai can gián, một người hỏi:

– Có chuyện gì mà hai ông bạn phải to tiếng với nhău như vậy? Có gì thì cứ từ từ mà giải quyết với nhau.

Ông áo xanh:

– Ông ấy nói lãnh đạo bây giờ tồi như chó … Nói như vậy là rất xúc phạm nên tôi gây…

Một giọng nói nho nhỏ trong đám đông :

– Nói vậy là đúng chứ còn xúc phạm cái gì?

Ông áo xanh:

– Xúc phạm con chó của tôi !!!

Ảnh vui trong tuần

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Nghĩ gì về bài "Tôi thấy thực sự phải dùng roi vọt trong trường học"

Học xong bài này mới thấy ngán cho "trình độ" của một người tự nhận mình là giáo viên. Không biết ông này được đào tạo như thế nào mà có những quan điểm không giống ai như thế. Hãy xem ông ấy nói gì.

Hiện nay báo chí có nói rất nhiều đến vấn đề thầy đánh trò. Nhưng tôi nghĩ, họ chỉ nêu được một mặt của vấn đề.

Bản thân tôi công nhận là có chuyện đó. Nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên chiều con một cách thái quá.

Điều này sẽ đi ngược lại nguyên tắc giáo dục đạo đức. Con cái của chúng ta từ đó sẽ coi thường giáo viên.

Mà đã coi thường giáo viên thì bố mẹ của chúng sẽ bị đối xử như thế nào sau này?

Trước hết, ông đã đồng nhất chuyện đánh học trò với "nguyên tắc giáo dục đạo đức" như vậy theo ông giáo dục tất yếu phải đi đôi với bạo lực, roi vọt thì đó mới đúng theo đạo đức. Có thể ông bị ảnh hưởng bởi quan niệm dân gian của ông bà tổ tiên"Thương cho roi cho vọt" và tôi hình dung rằng ngày xưa đi học ông cũng đã bị ăn đòn nhiều lắm. Xin thưa lại với ông, quan niệm của nhà Nho tôn vinh 3 hạng người trong xã hội là Quân, Sư, Phụ là một quan niệm đúng đắn, nhưng một ông thầy muốn được học trò tôn vinh thì phải dựa vào đạo đức của mình (mà các nhà nho luôn làm được như thế), vì họ luôn sống theo thuyết Chính Danh: Quân Quân - Thần Thần - Phụ Phụ - Tử Tử. Chỉ cần làm được điều ấy thì ai cũng có thể được kính trọng, roi vọt để làm gì?

Tiếp theo ông lại đánh đồng tiếp việc coi thường giáo viên dẫn đến việc coi thường bố mẹ. Vậy thì thưa ông, những đứa trẻ sẽ nghĩ về cha mẹ nó như thế nào nếu đẩy nó vào trong một môi trường sư phạm đầy roi vọt, nhất là ở những lớp đầu cấp, ông có nghĩ chúng sẽ bị tổn thương và trở nên ngán sợ trường lớp hay không?! Còn nếu ông đánh những học sinh lớn hơn, nhất là ở độ tuổi mới lớn (lớp 8-9), chúng sẽ còn xấu hổ và mặc cảm với bạn bè đến mức nào

Ông viết tiếp

Thử hỏi nếu trong trường, trong lớp học có học sinh cá biệt mà các biện pháp kia không có hiệu quả thì các bạn sẽ giải quyết như thế nào?

Các thầy đánh học trò nhằm mục đích gì?

Cũng có con đi học, là phụ huynh, nhưng tôi sẽ không có phản ứng gì nếu thầy giáo của con tôi làm như thế.

Ngược lại, tôi còn rất ủng hộ. Có như vậy, con tôi mới tiến bộ được.

Ông đặc biệt nhấn mạnh việc dùng roi vọt đối với học sinh cá biệt, tôi xem đây là một sai lầm rất lớn của ông. Thông thường, một học sinh cá biệt có thể là một đứa trẻ bị chứng tâm thần nhẹ hoặc xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bạo hành nên chúng trở nên tự ti so với bạn bè hoặc có xu hướng nổi loạn. Nếu một đứa trẻ đã bị bạo hành trong gia đình mà khi đến lớp còn bị thầy cô đánh đập thì em sẽ ra sao, ông có nghĩ đến điều đó không. Hay ông vô cảm rồi, chỉ biết đánh và đánh thôi. Tôi có lý khi nghĩ rằng ông đã vô cảm rồi vì ông đã "không có phản ứng gì nếu thầy giáo của con tôi làm như thế". Thầy giáo đâu phải là thánh, vẫn có đầy rẫy sai lầm, sân si đấy chứ. Ông có dám chắc rằng thầy luôn đúng không, hay sẽ có ngày thầy đem cả những chuyện bực bội ở nhà lên bục giảng, và những đứa trẻ sẽ là nạn nhân.

Nhân dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Truyền thống này đã có từ ngàn đời nay và chắc chắn rằng nó sẽ đi suốt theo chiều dài phát triển của dân tộc.

Tại sao chúng ta không phát huy truyền thống đó mà lại đi ngược lại?

Những bậc phụ huynh đáng kính kia sẽ nghĩ sao về vấn đề này?

Nguyên nhân của vấn đề này là hiện nay phụ huynh của chúng ta quá thương con, quá chiều con.

Tuy nhiên, các thầy cô giáo cũng nên sử dụng phương pháp này đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng.

Ông viết về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, về ý niệm "tôn sư" của ông thì đã rõ, còn "trọng đạo", đạo là "lẽ thật" vậy thì việc dùng roi vọt để ép người khác đi theo lẽ thật của mình hay của bất kì ai khác liệu có đi ngược với xu thế dân chủ và tôn trọng con người hay không?

Sau khi nói dông dài thì ông cũng có lưu ý "nên sử dụng phương pháp này "đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng", tôi thì nói rằng nếu sử dụng bạo lực thì luôn là "sai lúc, sai chỗ và sai đối tượng". Tinh thần Bất bạo động và Từ bi phải luôn được nêu cao, nhất là trong học đường.

Vài lời viết cho ông thầy giáo Vũ Đình Văn, tôi không biết có bao nhiêu phần trăm giáo viên sẽ đồng ý với cách suy nghĩ của ông. Nếu đó là số đông thì nguy hại quá...

Hải Âu và biển


Đây là bài thơ của anh Trần Tình, chép lại làm tư liệu. HTMD

Hải Âu và biển

Khi yêu nhau anh hứa
Duy một điều quá khó:
Viết tặng em thơ tình
Em, Hải Âu và biển

Nơi nắng gió bạt ngàn
Em, cô giáo trường làng
Đêm về bên giáo án
Vun đắp những mầm xanh

Mũi Né cát trắng bờ
Đồi Hồng đêm còn thức?
Phan Thiết thôi rạo rực
Cà Ty ròng trôi xuôi

Tình thơ viết dang dở
Chim trắng sang xứ người
Cho tan tác nữa đời
Tình mồ côi, biển bạc

Xưa trẻ xa trường cũ
Em hờn mát quên đò
Nay thuyền hoa, bến mới
Em còn nhớ bến xưa?!

Chia tay lòng nguyện hứa
Chôn chặt nỗi nghẹn ngào
Nay một nỗi dâng trào
Tình em trong mắt biển

Thơ tình nay anh viết
Cho trọn ước lời thề
Để từng đêm não nề
Anh nằm nghe sóng biển

Nơi phương trời cách biệt
Anh nhớ mãi muôn đời
Nhớ sóng mắt, nụ cười
Em, Hải Âu và biển...

Trần Tình, 18/9/2009, ĐH Gembloux, Bỉ

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Chính trị là gì?

Một oắt con đề nghị bố giải thích cho cậu hiểu xem chính trị là gì.

Ông bố nói: "Con hãy nhìn vào gia đình mình đây: Bố kiếm tiền và mang về nhà, vậy bố là nhà tư bản. Mẹ quản lý số tiền này nên mẹ là chính quyền. Bố mẹ chăm lo đến phúc lợi của con, cho con hạnh phúc và bình yên nên con là nhân dân. Chị giúp việc nhà ta là giai cấp lao động, còn cậu em còn quấn tã của con sẽ là tương lai đất nước. Con đã hiểu chưa?"

Oắt con hãy còn băn khoăn lắm lắm nhưng trước tiên muốn đi ngủ cái đã. Giữa đêm, oắt con tỉnh dậy vì chú em đã ị ra tã lót và đang kêu gào ầm ĩ. Cậu tiến đến phòng ngủ bố mẹ, gõ cửa nhưng mẹ ngủ rất say. Cậu bèn đi tiếp đến phòng của chị giúp việc và nhìn thấy bố đang vật nhau với chị trên giường. Cậu đành đi về phòng và ngủ tiếp.

Sáng hôm sau ông bố hỏi oắt con xem nó đã hiểu thế nào là chính trị chưa và yêu cầu tự diễn giải lại. Oắt con trả lời: "Vâng, bây giờ con đã hiểu. Nhà tư bản đè đầu cưỡi cổ giai cấp lao động trong khi chính quyền ngủ say không biết gì. Nhân dân hoàn toàn không được đếm xỉa đến và tương lai thì ngập trong cứt ạ!"

Thấy gì qua bài "31 năm nữa, ĐH Quốc tế Đà Nẵng lọt vào top 200"

GS Ga cho hay, ĐH Quốc tế Đà Nẵng có tổng số đầu tư 125 triệu USD, phục vụ khoảng 35.00 sinh viên.

Mục tiêu của dự án là đến năm 2020, trường ĐH này sẽ trở thành một trường ĐH nghiên cứu; sẽ nằm trong "top 200" của Châu Á vào năm 2025, "top 100" Châu Á năm 2030. Đến năm 2035, trường phấn đấu sẽ thuộc "top 500" của thế giới và đích đến năm 2040 sẽ thuộc top 200 thế giới.

Trước hết hãy bàn đến số tiền 125 triệu USD để phục vụ cho 3500 sv (hay là 35.000?). Nếu là 3500 sv thì đây là một điều rất đáng mừng, vì lần đầu tiên chúng ta đã dám tư duy theo kiểu "tiền nào của đó". Không thể tiếp tục duy ý chí kiểu không cần đầu tư mà cứ mong muốn đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, như phân tích của GS. Nguyễn Văn Tuấn, không nhất thiết phải đặt tiêu chí lọt vào top 500, 200 này nọ vì việc xếp hạng cũng chỉ mang tính hình thức và không khoa học. Chúng ta sẽ cố gắng tối đa nhưng đừng chạy theo những danh hão như thế.

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, Trường Đại học quốc tế Đà Nẵng sẽ chịu sự hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ.

Ngoài ra cán bộ quản lý sẽ là đội ngũ người nước ngoài, nhưng vận hành theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Nhưng đọc đến đoạn này là đã thấy buồn lòng, nếu Bộ có khả năng "hướng dẫn" và "chỉ đạo" tốt thì giáo dục đại học của VN ngày nay đâu đến nỗi bết bát như thế. Không có khả năng mà cái gì cũng muốn vơ vào, thật là không biết lượng sức.

Dẫu sao nói thật lòng thì tôi vẫn mong muốn Đại học này sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đề ra, chứ không phải đánh trống bỏ dùi như bao nhiêu đề án "hoành tráng" đã từng có.

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/869153/


Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Hút thai!!!


Nhìn thấy tấm bảng quảng cáo này treo đường hoàng ngay giữa phố xá mà rùng mình. Hút thai có nghĩa là gì, là loại bỏ một mầm sống mới hình thành trong cơ thể người mẹ mà nói thẳng ra là ...giết người. Người ta đang quảng bá việc giết người với tất cả sự bình thản và vô tư. Thôi rồi một nền văn hóa tâm linh của Việt Nam, một đất nước có hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo. Ai là kẻ gây ra sự suy thoái về đạo đức khủng khiếp này. Câu trả lời có lẽ cũng không khó tìm!

Hà Nội sẽ có số tiến sĩ đạt kỷ lục thế giới!

Đúng như dự đoán, đề án phổ cập 100% tiến sĩ đến tất cả các cơ quan quản lý nhà nước ở Hà Nội đã bị dư luận phê phán vì tính không khả thi và có phần ngây ngô của nó. Đây rõ ràng lại là một đề án siêu tưởng của các vị quan chức, tuy nhiên nếu như vẫn cố thực hiện thì hậu quả do nó gây ra là rất nghiêm trọng bởi các lý do sau:
- Nó sẽ tạo một làn sóng chạy theo bằng cấp bằng mọi giá của các công chức ở Hà Nội. Kẻ đang nắm chức vụ sẽ phải chạy chọt mua bằng, nhờ thi hộ hay học qua loa lếu láo mong kiếm được cái bằng thì mới an tâm tại vị. Những kẻ đang có tham vọng chức vụ cũng sẽ tìm cách xoay cho ra tấm bằng tiến sĩ để mưu cầu quyền chức.
- Xã hội Việt Nam vốn đã bị ảnh hưởng bởi lối tư duy khoa cử, học để làm quan từ xưa đến nay, trong khi các trí thức lớn đang cực lực lên tiếng nhằm cổ súy cho xu thế học thật, kiến thức thật thì vô hình trung, đề án này lại đi ngược trở lại xu thế đó.

Thực tế Việt Nam đã chứng minh phần lớn những sáng tạo kỹ thuật đều xuất phát từ nông dân chứ không phải các nhà khoa bảng. Đó là một nỗi đau và hổ thẹn cho những ai tự nhận mình là trí thức. Vì vậy, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo có lẽ nên giới hạn ở chỗ tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, tự do tư tưởng, tự do phản biện và đặc biệt là một chế độ tiền lượng phù hợp để giúp cho giới trí thức phát huy khả năng tốt hơn, còn bằng cấp chỉ là một trong những tiêu chí, chứ không hề là tất cả khi cần đánh giá năng lực của một con người!

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy?!

Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy, một câu khẳng định chắc như đinh đóng cột. Đúng là ông Lê Anh Sắc này lạc quan và nhìn nhận vấn đề đơn giản quá. Chức năng của một tiến sĩ là nghiên cứu khoa học, đơn giản vậy thôi. Tất nhiên trong thực tế có những tiến sĩ bộc lộ khả năng tốt về quản lý thì người ta sẽ cất chắc cho người ấy lên nhiệm vụ quản lý. Giờ đây ông lại mong muốn "xài" tiến sĩ vào công việc hành chính, thôi thì cũng được đi nếu như ông có dư tiến sĩ, nhưng tôi lại thất vọng ngay khi ông đề cập đến chế độ lượng 3 triệu/tháng. Xin thưa với ông là nếu cứ duy ý chí kiểu đó thì cho dù ông có "trang bị" tiến sĩ đến cấp bậc công nhân vệ sinh thì cũng không giải quyết được vấn đề đâu. Hiện tại các trường Đại học đang rất thiếu giảng viên, tiến sĩ họ chạy xô còn không kịp ai lại thèm vào làm công chức để hưởng đồng lương chết đói của ông. Muốn cải tổ phải dám nhìn thẳng vào thực tế thì mới giải quyết tận gốc được vấn đề, đừng có ngồi bàn giấy mà đề xuất chương trình dự án này nọ thiếu tính khả thi lắm.


http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/09/868806/

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Thuyền và trăng!


Thuyền và trăng
Em là bóng trăng trôi
Anh con thuyền trên sóng
Thuyền mãi đuổi theo trăng
Trôi về nơi vô định
Ở xa, thuyền thấy trăng
Lại gần, trăng tan vỡ
Thuyền đâu biết đâu ngờ
Trăng kia là ảo ảnh!

HTMD





Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Lại một cuộc chia tay!

Đọc qua lá thư chia tay của blogger Mẹ Nấm thật lòng cảm thấy buồn, nhưng dù sao đó cũng là một kết quả đã được dự báo trước. Trong cuộc chia tay này, chị Quỳnh không có lỗi, cả những người đã từng yêu mến và ủng hộ chị cũng vậy, không ai có lỗi cả. Có chăng chỉ là cách họ biểu hiện lòng yêu nước mà không ...xin phép!
Thế đấy, buồn thay cho cái sự đời, buồn thay cho đất nước. Tạm biệt chị, tôi vẫn luôn kính trọng chị như là một người yêu nước chân chính!
HTMD

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Thư tổng thống Obama gửi học sinh nhân ngày khai trường

Cái này mới đúng là thư gửi học sinh, chứ không phải là một bản báo cáo thành tích của ngành giáo dục.
HTMD

Chào các em - các em ra sao hôm nay? Tôi đang có mặt cùng với các học sinh trường Trung học Wakefield ở Arlington, Virginia. Và các học sinh trên toàn nước Mỹ, từ mẫu giáo đến lớp 12 cũng đang lắng nghe. Tôi rất vui là các em có thể tham gia cùng chúng tôi hôm nay.

Tôi biết rằng với đa số các em, hôm nay là ngày đầu tiên đến trường. Và với các em mẫu giáo, hoặc vừa bắt đầu tiểu học, trung học, đây là ngày đầu tiên ở trường mới, vì thế nếu các em hơi hồi hộp cũng là điều dễ hiểu. Tôi mường tượng những em học sinh lớp 12 chắc đang cảm thấy rất vui, chỉ còn một năm nữa mà thôi. Và bất kể các em đang học lớp mấy, một số chắc đang mong muốn mùa hè vẫn còn để sáng nay các em có thể ngủ nướng thêm một tí.

Tôi biết cảm giác đó. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống tại Indonesia được vài năm, và mẹ tôi đã không có đủ tiền để cho tôi theo học tại trường dành riêng cho các trẻ người Mỹ. Bà bèn quyết định tự dạy cho tôi một số lớp, Thứ Hai đến Thứ Sáu - vào 4:30 mỗi sáng.

Tôi đã không vui mấy khi phải thức dậy sớm như thế. Rất nhiều lần tôi đã ngủ gục ngay tại bàn ăn. Nhưng mỗi khi tôi than vãn, mẹ tôi lại nhìn tôi theo kiểu của bà và nói "Mẹ cũng chẳng sung sướng gì đâu, nhóc ạ."

Vì thế tôi biết rằng một số trong các em vẫn đang hoà nhập vào việc quay lại trường. Nhưng hôm nay tôi có mặt ở đây vì tôi có vài điều quan trọng cần nói với các em. Tôi có mặt ở đây vì tôi muốn nói với các em về sự học của các em và những gì đang chờ đợi các em trong năm học mới này.

Tôi đã từng diễn thuyết rất nhiều về giáo dục. Và tôi cũng từng nói rất nhiều về trách nhiệm.

Tôi đã nói về trách nhiệm của thầy cô giáo trong việc khuyến khích và thúc đẩy các em học.

Tôi đã nói về trách nhiệm của cha mẹ các em trong việc giúp các em đi đúng hướng, hoàn tất các bài tập về nhà thay vì dành mỗi giờ trong ngày trước tivi hay cái Xbox.

Tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của nhà nước trong việc thiết lập một chuẩn cao trong giáo dục, hỗ trợ giáo viên và các vị hiệu trưởng ở những trường còn đang đi sau – nơi mà các em chưa có được cơ hội mà đáng lẽ các em phải có.

Nhưng nói gì thì nói, cho dù chúng ta có những giáo viên tâm huyết nhất, những bậc phụ huynh có trách nhiệm nhất và những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, tất cả sẽ chẳng có nghĩa gì trừ khi tất cả các em hoàn thành trách nhiệm của mình: đến lớp hàng ngày, chú ý đến các bài giảng của thầy cô giáo, lắng nghe lời cha mẹ và người lớn, cũng như nỗ lực hết sức trong việc học.

[...]

Một số các em có thể không có cha mẹ để làm nơi nương tựa. Có thể một ai đó trong gia đình các em vừa mất việc và không có đủ tiền để xoay sở. Các em có thể sống trong một môi trường không được tốt, hay bị bạn bè ép buộc làm những việc mà bản thân biết là không đúng.

Nhưng cho dù hoàn cảnh của các em là như thế nào – các em giống ai, các em có bao nhiêu tiền, các em phải làm gì ở nhà – đó không phải là lý do để biện hộ cho việc không làm bài tập về nhà hay có một thái độ xấu. Đó không phải là lý do để giải thích cho việc cãi lại lời thầy cô, cắt tiết hay bỏ học. Đó không phải là lý do để không cố gắng.

Việc các em đang ở đâu không xác định các em sẽ đi đến đâu. Không ai viết sẵn định mệnh của các em. Đây là nước Mỹ, và các em tự viết lấy tương lai của mình.

[...]

Đó là lý do tại sao hôm nay, tôi kêu gọi mỗi em cần tự xác định cho mình một mục tiêu và làm mọi thứ để đạt được nó. Mục tiêu đó có thể đơn giản chỉ là hoàn thành tất cả các bài tập về nhà, tập trung trong lớp hay dành thời gian mỗi ngày để đọc một cuốn sách. Có thể các em quyết định rằng mình sẽ tham gia vào một hoạt động ngoại khóa nào đó hoặc tham gia tình nguyện trong khu vực mình sinh sống.

Cho dù mục tiêu đó là gì đi nữa, tôi muốn các em đặt hết quyết tâm vào nó.

[...]

Đó là câu chuyện của những học sinh từng ngồi đây cách đây 250 năm và tiếp tục phát động cuộc cách mạng xây dựng nên đất nước này. Đó là những học sinh từng ngồi đây 75 năm trước và vượt qua cuộc khủng hoảng lớn để rồi dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới, đấu tranh cho quyền bình đẳng và đưa con người lên mặt trăng. Đó là những học sinh từng ngồi đây cách đây 20 năm và sau này sáng lập ra Google, Twitter, Facebook và thay đổi cách chúng ta liên lạc với mọi người.

Hôm nay tôi muốn hỏi các em, các em sẽ có thể đóng góp điều gì? Các em sẽ phát minh ra những gì? Một vị tổng thống trong 20 hoặc 50 năm nữa khi quay lại đây sẽ nói như thế nào về những đóng góp của các em cho đất nước này?

[...]

Tôi hi vọng các em sẽ nỗ lực hết sức trong tất cả những gì mình làm. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng trong mỗi cá nhân các em. Đừng để tôi thất vọng. Đừng để cha mẹ, đất nước hay bản thân các em thất vọng. Hãy làm chúng tôi tự hào về các em. Tôi biết các em có thể làm được điều đó.

Ôi cụ Đào!


Hổm rày về quê nên không có điều kiện theo dõi "thành tích" tuyên truyền của cụ Đào, quả là đáng tiếc! Đúng là cụ Đào đã làm được một việc mà từ ngàn xưa những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống còn chưa làm được là ca ngợi công khai sức mạnh của quân đội "thiên triều". Đúng là hậu sinh khả ...ố.
Nay bức xúc quá bèn viết 2 câu thơ tặng cụ Đào, mong cụ vui lòng đón nhận:
Hán gian đâu ở đâu xa
Cụ Đào ta đó chính là Hán gian

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Khai thác bauxite đang gặp thuận lợi?!

Định không nói nữa nhưng đọc bài này thấy ông Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu nghe bực quá, bèn viết vài hàng cho đỡ tức. Xem ông nói gì thế này:
"Bô-xít ở Tây Nguyên có trữ lượng thuộc hàng nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, những nơi có bô-xít thì không thể trồng được loại cây gì và đất bị bỏ hoang rất lớn. Vì thế, tại sao chúng ta không khai thác để làm giàu cho dân, sau đó lấp đất lại để sản xuất nông lâm nghiệp, tiếp tục làm giàu cho Tây Nguyên".
Ông này nói 3 câu thì sai hết 2, chỉ có câu 1 may ra đúng 50-50, hehe.
Ở câu thứ 2 ông nói đất có bô-xít không trồng được cây gì vậy thì những đồi chè và cà phê bạt ngàn xanh mướt trên đó được trồng trên đất nào tôi không rõ, đất Mặt trăng chăng. Không những là chè và cà phê mà có thể nói trên Tây Nguyên, nếu có đủ nước tưới thì trồng cái gì cũng tốt: cao su, các loại cây rừng, các loại hoa ôn đới và nhiệt đới, rau cải. Không hiểu từ nghiên cứu nào mà ông cả gan nói câu này.
Đến câu thứ 3, tôi không bàn đến hiệu quả kinh tế nữa vì có quá nhiều người bàn rồi, và phần lớn đều lo ngại khả năng sinh lợi của dự án. Tôi chỉ không biết sau khi khai thác hết hàm lượng nhôm trong đất rồi thì ông dùng cái gì để "hút" hết dư lượng xút còn lại rất lớn trong đất, không đúng phải gọi là bùn đỏ mới chính xác. Với độ pH cao ngút ngất như vậy và ông đòi lấp đất trồng cây thì đúng là ông chẳng biết gì về ...điện.
Chỉ một đoạn trích dẫn ngắn vậy thôi mà đã có quá nhiều cái sai rồi nên thôi không thèm nói nữa. Để dành phần cho bà con chửi tiếp vậy.
PS. Mà tôi không hiểu sao dự án này nhiều người tham gia "nói" quá vậy, hôm hội thảo khoa học thì ông Hoàng Trung Hải ra mặt, hôm trả lời chất vấn trước Quốc hội đến lượt ông Nguyễn Sinh Hùng, rồi nay lại phiên ông Trương Vĩnh Trọng xuất mã. Các vị chia phần nhau làm để sau này khi có chuyện thì dễ bề trốn trách nhiệm chăng?!

Nhà báo Đoan Trang, blogger Người Buôn Gió và Mẹ Nấm được thả tự do!

Đọc tin này thì đúng là vui thiệt, nhưng cũng chỉ là tin tức từ lề trái chứ không phải là báo chí chính thống. Vậy là mọi sự vụ từ lúc các nhân vật này bị bắt bớ đến khi được thả ra đều diễn ra trong vòng bí mật. Tất nhiên một điều bí mật hơn nữa là thế lực nào ra lệnh bắt, ai đã ra lệnh thả họ và những gì diễn ra trong thời gian họ bị bắt. Họ có bị tra khảo, hăm dọa hay thậm chí mua chuộc không, tất cả những điều đó cũng ...bí mật. Giữa trả tự do có điều kiện và không điều kiện khác nhau rất xa về mặt bản chất vấn đề. Muốn biết cái giá cho tự do như thế nào thì chúng ta sẽ chờ xem "bút lực " của họ trong thời gian tới là rõ ngay.
Cái giá tự do ấy quá hời
Chỉ cần bịt mắt với im hơi
Chủ trương nhà nước luôn sáng suốt
Không cần các chú phải ...lăn tăn!

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Lớp trưởng kiểu ...Đức!

Bài này hay quá, chép lại làm tư liệu. HTMD

Lớp trưởng...kiểu Đức

Cập nhật lúc 07:26, Thứ Tư, 02/09/2009 (GMT+7)

Phải chăng chính nền giáo dục của họ ngay từ lớp 1, lớp 2 đã làm lớn dần lên những Merkel, Obama, Bush, Clinton, Schröder... cho đất nước?

Tôi có cháu gái đằng vợ tên là Thanh Hòa. Từ ngày học mẫu giáo, cháu vốn khoẻ mạnh, cứng cáp và thông minh. Khi cả bọn cùng lứa với kéo nhau lên lớp 1 trường Phan Phù Tiên, quận Thanh Xuân, Hạnh đương nhiên vẫn là đầu đàn, là lớp trưởng.

Gặp nhau năm Hòa lên lớp 2, vẫn với thành tích học tập tốt, vẫn lớp trưởng, qùa thưởng dịp đó rất to. Vui chuyện, hỏi cháu về nhiệm vụ lớp trưởng, Hòa bẽn lẽn: nào hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, nào lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự trong lớp... nhiều lắm!

- Thế khi gặp các bạn ẩu đả, nghịch ngợm, chế diễu nhau ngoái lớp thì làm sao?- Bố Hòa hỏi chen vào.

- Thì báo cho cô chủ nhiệm biết, ạ.

- Thế lớp trưởng mắc khuyết điểm, có bạn nào mách cho cô giáo không?

- Có mà dám!

Nghe cháu trả lời, cả nhà nhìn nhau, lặng người, cười.

*

Phương Hiền, con gái tôi, học lớp 2 trường Friedrich-Reimann-Grundschule. Cô chủ nhiệm là bà giáo R.Lipka.

Đã vài lần gặp gỡ nên tại buổi họp phụ huynh đầu năm, từ ngoài cửa, bà đã tươi cười chào: "Lần này, ông có ý kiến gì góp cho lớp đây? Chúng ta có một giờ để trò chuyện cơ đấy!".

Khi đến lượt trao đổi trực tiếp, tôi hỏi: “Thưa bà, lớp 2A, cháu nào được chọn là lớp trưởng?”(cũng phải nói thêm do khả năng tiếng Đức mà tôi đã dùng từ “lớp trưởng” theo nghĩa hiểu của tiếng Nga, hoặc tiếng Hán Ban trưởng mà người Việt ta lâu nay vẫn hay dùng).

Thoáng một chút trầm ngâm, bà R.Lipka vui vẻ nói: “Tôi nghĩ là tôi đã hiểu câu hỏi của ông. Vì qua Phương Hiền được biết, ông từng là một đồng nghiệp. Lớp chúng tôi không có học sinh nào được chọn làm Obmann hay Chef cả. Ở tuổi cấp một, chúng còn qúa bé để phải chịụ thêm trách nhiệm về hành vi của một bạn khác, dù chỉ là nhắc nhở hoặc để ý rồi trình báo với thầy cô. Nếu phải chịu trách nhiệm thêm về một bạn khác, đứa trẻ dễ ngộ nhận nó có thêm quyền lực và ngược lại đứa bị giám sát sẽ có cảm giác yếm thế, lệ thuộc. Tất nhiên chữ “nếu” chỉ là hãn hữu, nhưng dù 1% chúng tôi cũng không cho phép xảy ra. Tôi nhận thêm lương giáo viên chủ nhiệm để chịu tòan bộ trách nhiệm về họat động của học sinh trong thời gian học tại trường. Trong lớp, mọi em đều được cô giáo phân công trách nhiệm với lớp như nhau".

Rồi bà giáo hơi mỉm cười, hỏi: “Theo ông, khi các vị phu huynh đều đóng phần thuế học cho con bằng nhau, ông có chấp nhận khi con ông bạn hàng xóm tự nhiên lại là “trưởng" của con mình không? Tất cả các vị phụ huynh của chúng tôi đều không chấp nhận, họ đòi hỏi sự công bằng. Mới vào lớp 1, lớp 2 mà đã có đứa được là "sỹ quan”, đứa là “lính" ư? Xin ông nhớ rằng, dù có tạo ra được một thủ lĩnh thì chúng ta đã đồng thời tạo ra một loạt những đứa nhút nhát và a dua, phụ thuộc thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đứa trẻ - được tin cậy kia có nguy cơ bị nhiễm thêm thói xấu: nhòm ngó, mách lẻo, chỉ điểm... Giai đoạn đầu giáo dục cấp một, giúp hình thành chứ không nên định hình tính cách của trẻ.

R.Lipka liếc nhìn đồng hồ: “Giải đáp câu hỏi như vậy có đúng ý ông?”.

Tôi thành thật trả lời rằng rất muốn được nghe bà nói tiếp. Bà cười hiền hậu: “Tất nhiên, đề tài này phải có kết luận! Ông nên biết, khi làm đơn xin tiếp tục nghề dạy tiểu học, tôi đã bảo vệ chính đề tài này tại Hội đồng Phổ thông trung học. Tôi hiểu ngay câu hỏi của ông, vì chính chúng tôi cũng đã qua thời kỳ chuyển hoá Đông- Tây về giáo dục!”.

*

Từ năm lớp 5, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với lớp vẫn nặng nề như thế. Nhưng do học sinh đã lớn lên, cứng cáp hơn, nề nếp sinh hoạt, tư duy đa dạng nên trong tổ chức của lớp có thêm một chức danh là Klassensprecher. (Xin dịch là “Phát ngôn viên của lớp”).

Vì là chức danh nên nhất định Klassensprecher phải do lớp bầu với đa số tín nhiệm (không cần sự có mặt của các thầy cô).

Mọi học sinh trong lớp đều có quyền tự ứng cử họặc vận động bè bạn bỏ phiếu cho mình. Klassensprecher là cầu nối chỉ truyền đạt những thông tin được các bạn nhờ chuyển đến thầy cô hoặc ngược lại, không được truyền những thông tin cá nhân không được nhờ. (Nếu vi phạm bị coi là mách lẻo hoặc xâm phạm đời tư!).

Đề tài “Lớp trưởng” tưởng chỉ là một bài học có tính giáo dục, làm thay đổi tư duy bảo thủ của một nhà giáo cổ hủ, giáo điều như tôi.

Không ngờ, 5 năm sau, khi Phương Hiền vào học lớp 7, tôi lại được chứng kiến sự dân chủ, công bằng và rất giáo dục trong môi trường đào tạo của con mình qua đề tài đó.

Đây là cảm xúc chính để tôi kể lại câu chuyện cho bạn đọc hôm nay:

Học kỳ hai của lớp 7B trường trung học chuyên Charles-Darwin-Oberschule (Gymnasium), quận Trung tâm – Berlin.

Chiều nay, Phương Hiền tỏ ra đăm chiêu, ngồi cắm cúi viết . Thấy con bức xúc, tôi hỏi thì được biết: Jonoar phát ngôn viên lớp 7B phải theo mẹ hồi hương về Cu-ba nên lớp cần bầu một người thay thế. Đã có ứng viên là Magir - một bạn gái da mầu gốc Phi. Magir thành thạo tiếng Pháp - môn ngoại ngữ thứ hai mà nhiều bạn học còn yếu. Magir có năng khiếu bẩm sinh về hoạt động thể dục thể thao. Lời cam kết trước các bạn khi đề nghị bỏ phiếu cho mình của Magir là "Tôi sẽ liên hệ để có sự giúp đỡ của cô giáo dạy tiếng Pháp. Mỗi tuần lớp sẽ có một buổi hội thoại chủ đề Pháp ngữ tại Thư viện quận Trung tâm. Năm nay, trong tuần ngoại khóa, nếu các bạn ở lớp đồng tình, được cô chủ nhiệm chấp nhận, lớp sẽ chọn Paris là địa điểm đi tham quan dã ngoại giáo dục. Tôi xin chuẩn bị đề cương tham quan bằng tiếng Pháp và in gửi trước cho các bạn. Bản thân tôi cam kết sẽ hợp tác với các bạn trong lớp, nâng điểm tóan lên 2,5 để điểm trung bình các môn của tôi trong năm là 2,5. Ngoài ra, về thể dục thể thao, tất nhiên học kỳ này, lớp ta phải có một tờ thông báo nóng hổi WM 2006 tại Đức".

Đọc tờ rơi cam kết của ứng viên, tôi hỏi con gái:

- Magir như vậy, Phương Hiền sẽ thế nào?

- Con thích được thử sức. Trường con chưa có bạn người Việt nào nhận chức danh này. Nhiều bạn trong lớp đề cử con. Chúng nó bảo con cần viết Rede Wahl versprechen (lời cam kết của ứng viên chức danh phát ngôn viên).

- Tự con đánh gía về mình thế nào?

- Con tự tin. Con có học lực tốt nên có thể giúp đỡ được nhiều bạn về môn Toán, Đức văn, Điạ lý, Anh văn.

Còn môn lịch sử,con có thể có thêm sự giúp đỡ của bố để giúp lại các bạn.

- Hoạt động ngoại khóa?

- Tất nhiên chọn Paris làm tuần tham quan giáo dục là tuyệt vời. Chính Magir có thể cộng tác với con và các bạn trong nhóm Tây Âu học. Có hai ngày cắm trại dã ngoại, cô giáo rất ủng hộ việc đi chơi mỏ muối Eisenach và thăm nơi Hitler đã cất giấu hàng vạn bức tranh quý của các bảo tàng chúng cướp được trong chiến tranh.

Ngập ngừng một chút, Phương Hiền thổ lộ thêm một “chi tiết tranh cử” làm tôi bật cười: “Bố ạ, cả lớp con bỏ phiếu kín về món ăn khoái khẩu nhất - 83% phiếu kín khi mở ra ghi là “PHO". Các bạn sẽ góp tiền, nhờ bố giúp con, nói chú Hoàng chuẩn bị trước, một hai lần vào thứ 7 nào đấy, cả lớp đến ăn. Sẽ rất vui phải không bố?

Chuyện “lớp trưởng" đã đến đoạn kết. Hình ảnh các ứng viên tổng thống Mỹ dốc hết trí tuệ (kéo theo cả vợ con) để thu phục nhân tâm cử tri Mỹ trong các chiến dịch tranh cử cam go, công bằng cứ hiện lên trong óc tôi.

Phải chăng chính nền giáo dục của họ ngay từ lớp 1, lớp 2 đã làm lớn dần lên những Merkel, Obama, Bush, Clinton, Schröder... cho đất nước? Lớp 7B của con gái tôi , liệu mai này có ra đời những thủ lĩnh chân chính từ Klassenspecher?

*

Cháu gái Thanh Hòa kể cả mẫu giáo -đến nay đã 11 năm làm lớp trưởng. Tôi thầm hỏi tương lai của “lớp trưởng chuyên nghiệp” sẽ ra sao? Có "nghề lớp trưởng" rồi, sẽ giúp cho cháu gái tôi có được lợi thế gì khi các kỳ thi sắp tới?!

(Viết nhân khai giảng năm học 2009 - 2010)

  • Trần Đình Ngân (Đức)

Tặng cho những ai đang còn Mẹ!



Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối