HTMD
Những bài học về giữ nước
KTS Trần Thanh Vân
Lời giới thiệu.
Thần núi Tản Viên là một trong những huyền thoại in đậm trong ký ức người Việt từ rất nhiều đời. Đó là cả một chùm sự tích xâu chuỗi với nhau, từ câu chuyện một chàng trai trẻ khởi đầu cắm gậy ở núi Tản Viên, trải qua việc chàng cưới con gái vua Hùng, rồi cuộc tranh tài cao thấp “năm năm báo oán đời đời đánh ghen” giữa hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh, cho đến những hệ quả của trận thư hùng chưa bao giờ dứt ấy đưa đến sự hình thành địa mạo một quốc gia Việt Nam uốn lượn như con Rồng ngày nay mà mắt Rồng là Hồ Tây với bao nhiêu kỳ tích còn để lại trong địa danh và truyền thuyết: Đầm Xác Cáo, Đầm Trâu Vàng…
Trong vòng mấy thập niên lại đây, Hồ Tây đã và đang bị con người xâm hại bằng nhiều cách, làm cho mặt Hồ bị co dần lại từng tháng từng ngày. Rừng đào Nhật Tân đỏ thắm hàng năm gần ngay ven hồ đã không còn dấu vết, thay vào đấy là những dãy nhà cao tầng Made in In Đô lạnh lùng sừng sững. Giờ đây, lại đang có nguy cơ rừng hồng xiêm Xuân Đỉnh sẽ bị triệt hạ để cho phía Tây Hồ Tây dựng lên một bức tường bê tông kiểu Hàn còn trơ tráo hơn thế, ngang nhiên che khuất Tản Lĩnh hàng nghìn năm luôn soi bóng xuống lòng Hồ như một sự chiếu ứng linh thiêng mà nhà thơ nổi tiếng đời Trần Phạm Sư Mạnh đã nhắc tới trong thơ. Những việc ấy sẽ để lại hậu quả gì? Chúng có liên quan gì đến cái cơ thể con Rồng đang ngày một lở loét đau nhức vì mọi sự chặt phá, bới đào… mà kẻ hưởng lợi quyết không phải là dân tộc này, một dân tộc không ngu xuẩn cũng không hám lợi?
Và khi bị đâm thọc vào lưng – vào tử huyệt – thì Rồng có cam lòng chịu chết không hay là sẽ quẫy? Và quẫy như thế nào? Bằng kiến thức nhiều mặt của một nhà kiến trúc am hiểu sâu môi trường học (environnement), cùng với cái học về phong thủy, về Kinh Dịch, và với bản lĩnh của một người hàng chục năm nay quyết dấn thân bảo vệ bằng được sự nguyên vẹn của Hồ Tây, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân đưa ra vài lời giải đáp với chúng ta về những “động loạn trái lẽ trời” do ai đó gây ra mà lịch sử đất nước từng chứng kiến hoặc đang hứng chịu. Trang mạng bauxite xin giới thiệu ý kiến của chị, để bạn đọc cùng thử suy ngẫm về ý nghĩa thực tiễn nằm phía sau những lời giải đoán tưởng như rất huyền vi này.
Nguyễn Huệ Chi
Từ truyền thuyết xa xưa…
Dân tộc nào cũng có những câu chuyện truyền thuyết và truyền thuyết nào cũng xuất phát từ một hiện tượng có thật xảy ra ở đâu đó, được nhân dân lưu truyền và kiểm chứng. Có những câu chuyện rất xác thực, được kể lại với những tình tiết rất xúc động, được nhân dân truyền tụng râm ran, nhưng chỉ một thời gian sau, chuyện đó bị lãng quên. Không ai phê phán, không ai nghi ngờ, nhưng có lẽ do tính tiêu biểu của câu chuyện không cao, kể cả thời gian lẫn phạm vi ảnh hưởng, nên mọi người tự cho phép mình được quên đi. Ngược lại có những chuyện nghe ra thật phi lý, nhưng không ai thắc mắc về những điều phi lý đó, câu chuyện luôn luôn được nhắc lại, được bổ sung nhiều tình tiết diệu kỳ và được sống mãi trong lòng dân.
Chuyện giao tranh giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh với sự tích Vua Hùng kén rể là một trong những truyền thuyết sống đời trong lòng dân như thế. Hàng ngàn năm qua, Sơn Tinh là nhất đẳng Sơn Thần, là Tản Viên Sơn Thánh, là vị Thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử, được nhân dân cả nước mãi mãi tôn thờ là như vậy. Đền Thượng, nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh ở trên trục tọa độ 21 độ 3’ 28’’ Bắc Vĩ tuyến và 105 độ Kinh Đông 21’ 57’’, đỉnh núi này cao 1226 m so với mặt biển và là một trong ba đỉnh núi cao tạo nên Cụm núi Ba Vì.
Có lẽ đã được bàn tay tạo hóa khéo léo sắp đặt, nên cũng trên 21 độ 3’ 28’’ Bắc Vĩ tuyến này, dịch sang phía Đông khoảng 25Km, tại 105 độ 49’ 9’’ Kinh Đông, có một địa điểm rất đặc biệt mà trong dân gian lưu truyền rằng đó là huyệt đạo quốc gia.
Huyệt đạo quốc gia này là gì? Đóng vai trò gì trong việc thịnh suy của dân tộc mà tại sao cả người trong nước và kẻ ngoại bang đều quan tâm đến nó như vậy? Xin phép điểm qua một số sự kiện mà đến nay sách vở vẫn còn lưu truyền.
1. Gần 2000 năm trước, khi Mã Viện được triều đình Đông Hán cử sang dẹp cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng thì ông ta đã là một vị tướng già đầy tài năng. Cuộc chiến diễn ra thật không cân sức, Mã Viện đã nhanh chóng đánh tan được đội quân của Trưng nữ Vương ở Kinh đô Mê Linh, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị quyết không chiụ rơi vào tay giặc, để bảo toàn khí tiết, hai bà nhảy xuống dòng Hát Giang tự vẫn. Chiến thắng mà không cảm thấy vẻ vang, trên đường thu quân trở về, tướng Mã Viện nghỉ lại bên bờ Hồ Dâm Đàm (tức là Hồ Tây ngày nay), ở đó ông ta đã nếm trải những ngày khiếp sợ và thấy hôí hận về hành động tận truy, tận diệt của mình. Hình ảnh “mặt hồ đầy khí lam chướng, đến nỗi đàn diều hâu bay lượn trên hồ đều bị lộn cổ rớt xuống nước” chứng tỏ Mã Viện đã đến vùng trung tâm của Hồ Dâm Đàm tức Bán đảo Tây Hồ ngày nay, nơi đó có huyệt đạo quốc gia mà ngày nay nhân dân ta thường nhắc tới, đàn chim mà ông ta nhìn thấy trong tâm trạng thảng thốt đó chắc không phải là diều hâu mà là Sâm Cầm, cho đến ngày nay, đêm đêm Sâm Cầm vẫn thường bay về sà xuống Hồ Sen nơi đây, đã từng khiến nhiều kẻ có tà tâm khiếp sợ.
2. Sau Mã Viện 800 năm lại có viên quan Tiết độ sứ của vua Đường Trung Tông là Cao Biền. Ông này là một thầy phong thủy kỳ tài, khi sang nước ta nhận chức, ông thầy phong thủy này đã đi khắp nơi trên đất nước ta để tầm long điểm huyệt, ông ta đã viết hẳn một cuốn sách có tên là Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự. Cao Biền không ngờ rằng trên đất nước nhỏ bé này lại có nhiều báu huyệt sản sinh ra nhiều hiền tài đến thế. Theo chỉ đạo của vua Đường, Cao Biền đã cố công trấn yểm rất nhiều nơi, nhưng ông ta đều thất bại. Chuyện kể rằng ở quanh thành Đại La, nơi Cao Biền đã xây dựng “Kinh đô” cho mình và đã tự xưng là Cao Vương, ông ta đã cho yểm rất nhiều bùa huyệt, nhằm củng cố vị trí cai trị vững chắc của mình và nhằm ngăn cản thế lực nổi dậy của nhân dân Giao Chỉ, nhưng ông ta đã uổng công. Không chỉ có vậy, nghe nói ở chính trên đỉnh Tản Viên Sơn, Cao Biền định thực hiện một âm mưu gì đó nên cũng đã bị Tản Viên Sơn Thánh tát vào mặt và hốt hoảng bỏ chạy. Vào lúc cuối đời, số phận con người có tài nhưng thâm hiểm này chẳng ra gì, điều đó cho thấy độc ác, tàn bạo thì trước tiên bị vận vào thân.
3. Mùa xuân năm 1010, sau khi lên ngôi ở Hoa Lư, Vua Lý Thái Tổ đã đi thuyền ngược sông Hồng vào thăm thành Đại La của Cao Vương để lại từ 200 năm trước. Nhờ có sự dìu dắt của Thiền sư Vạn Hạnh về phong thủy được phát hiện từ thời Cao Biền để lại, nhà vua đã đỗ thuyền giữa Hồ Tây để chứng kiến hiện tượng Rồng cuốn nước mà sách phong thủy goị là Long quyển thủy được phát tích tại chính huyệt đạo quốc gia là vị trí Đền Kim Ngưu cạnh Phủ Tây Hồ ngày nay. Người quyết định dời đô về La Thành, lấy tên là Thăng Long và tự tay viết bản Thiên Đô Chiếu ngắn gọn chỉ có 214 chữ với tứ văn quan trọng: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng cuộn Hổ chầu, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước”.
Một quyết định trọng đại được nhà vua ban ra một cách nhanh chóng và được quần thần nhất trí thông qua chỉ dựa trên những phát hiện về phong thủy đã từng bị kẻ thù Phương Bắc nhăm nhăm triệt phá, chứng tỏ sự táo bạo và sáng suốt của Vua-Tôi thời bấy giờ. Lịch sử diễn biến ngót 1.000 năm qua chứng tỏ sự lựa chọn đó là vô cùng chuẩn xác. Hai trăm năm trở lại đây với việc kinh đô dời vào Phú Xuân-Huế (1802-1945) và việc lập ra Tỉnh Hà Nội và xây dựng Thành phố Hà Nội (1831- 2009) đã đẩy đất nước vào cảnh lao đao. Vậy về phong thủy, về âm dương ngũ hành có vi phạm điều gì cấm kỵ không? Thiết nghĩ lúc này phải nhận thức được căn nguyên của sự lao đao đó để tìm quyết sách và từng bước vãn hồi.
Đến truyền thuyết thời nay
1. Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và chọn Hà Nội là Thủ đô, nhưng có lẽ hai chữ Hà Nội và hai chữ Việt Nam không “tương sinh” nên Chính phủ VNDCCH thành lập chưa được bao lâu thì toàn quốc kháng chiến nổ ra. Chính phủ và nhân đã phải bỏ Hà Nội ra đi, lên trú ngụ ở chiến khu Việt Bắc để trường kỳ kháng chiến.
2. Ngày 1/1/1955 Chính phủ VNDCCH chính thức ra mắt quốc dân mười năm trước đã trở về lại Thủ đô Hà Nội, “Hòa bình đã lập lại” nhưng nửa nước vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.
3. Ngày 2/9/1955, lần đầu tiên ở quảng trường Ba Đình diễn ra cuộc mít tinh trọng thể và biểu tình mừng Quốc khánh sau 9 năm thành lập nước. Người ta thấy đội quân nhạc danh dự mặc lễ phục mầu trắng, giầy da mầu đen, mũ kê-pi, ngù tua vàng… đứng ngay trước lễ đài. Sau đội quân nhạc là các cháu thiếu nhi quần xanh, váy xanh, áo trắng, khăn quàng đỏ, tay cầm cờ và hoa. Trước đội quân nhạc là khoảng trống cho các đoàn quân duyệt binh, các đội diễu hành và đặc biệt đó cũng là “sân khấu” cho các đoàn văn công dừng lại biểu diễn. Ai đã được chứng kiến cảnh đó sẽ không bao giờ quên được các cô văn công vừa đi vừa múa, nổi trội nhất là điệu múa Hoa sen của đoàn văn công Tề Tề Cáp Nhĩ đến từ Trung Quốc. Váy áo xiêm y cực kỳ lộng lẫy và cô nào cũng đẹp như những nàng tiên.
4. Chiều ngày 11/9/1955 ở Hồ Tây nổi lên một cơn lốc dữ dội, trong phút chốc cướp đi 4 mạng người, trong đó có cô diễn viên chính trong điệu múa Hoa sen của đoàn Tề Tề Cáp Nhĩ tên là Khương Nãi Tuệ và chàng nghệ sĩ thổi sáo Phùng Tử Tồn. Còn hai người nữa là ai thì không thấy nói tới. Ngày đó tình hữu nghị Việt – Trung – Xô thắm thiết lắm, đến đâu người ta cũng thấy thanh niên nam nữ nắm tay nhau xếp thành vòng tròn cùng vỗ tay múa hát tập thể bài
Thắm thiết tình Việt Trung Xô.
Đế quốc càng nhiều mối lo,
Đó là tình người lao động,
Mối tình tràn ngập núi sông…
Nhưng không hiểu sao sau cơn lốc dữ dội chiều hôm đó, khắp Hà Nội lại râm ran bàn về một âm mưu yểm huyệt để phá Long mạch ở Hồ Tây nhưng không thành. Chuyện đó thực hư thế nào không ai biết, báo chí không hề đăng, thủ phạm không bị vạch mặt, nhưng chỉ biết cơn lốc là có thật, người chết là có thật và những người chứng kiến là có thật và nhiều người trong số họ đang còn sống khoẻ mạnh.
5. Đầu năm 1979, không cần giấu mặt, người bạn phương Bắc từng thân thiết như môi với răng ngang nhiên tấn công biên giới nước ta. Đúng là môi hở thì răng lạnh, nhưng răng cắn thì môi đau.
6. Năm 1998, dự án Thủy Cung Thăng Long sử dụng hơn 20 ha đất thiêng ở Tây Hồ. Đúng tại nơi xưa kia Vua Lý Thái Tổ đã dừng thuyền quyết định viết Thiên Đô Chiếu (21 độ vĩ bắc 3’ 28’’). Dự án đã được một Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt và một phó Thủ tướng nữa ký quyết định cấp 21 ha đất thiêng. Đây là một dự án được hình thành do lòng tham lam và sự ngu dốt chứ chưa hẳn đã có dụng ý phá hoại. Nhưng cho dù vì động cơ gì mà một kẻ có chức có quyền lại vi phạm vào vùng đất thiêng của huyệt đạo quốc gia, kẻ đó sẽ nếm đủ đòn trừng phạt. Bởi vậy tuy dự án này mới bắt đầu, hậu quả tai hại chưa kịp gây ra, nhưng đã có kẻ phải vào tù, một Phó Thủ tướng mất chức, mất luôn cả chân Đại biểu Quốc hội và Ủy viên Trung ương; một Phó Chủ tịch thành phố Thủ đô mất chức và mất tất cả. Hình phạt quả là nặng. Phải chăng đó là lời nhắc nhở cho những ai có quyền, có chức, biết sai mà vẫn cố tình làm và còn định hại người khác?
7. Ngày 29/5/2008 Quốc hội đã thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo cấu trúc phong thủy “TỰA NÚI NHÌN SÔNG – RỒNG CUỘN HỔ NGỒI”. Nếu chúng ta hiểu ý nghĩa của trục phong thủy đó, khơi thông dòng nước để phục hồi Long mạch, và nếu Thủ đô ta nhanh chóng lấy lại tên Thăng Long để ta có quan hệ Hỏa – Thổ tương sinh thì tình hình sẽ dần tốt đẹp lên. Nhưng hôm nay đang có 3 dự án xằng bậy uy hiếp sự an ninh của quốc gia:
Một là dự án KHU ĐÔ THỊ TÂY HỒ TÂY 100% VỐN HÀN QUỐC MANG PHONG CÁCH HÀN QUỐC RỘNG 210,43ha Ở TRÊN TRỤC LONG MẠCH 21 độ 3’ 28’’, TRÊN ĐƯỜNG NỐI TỪ ĐỀN THƯỢNG NÚI TẢN VIÊN VỀ TỚI ĐẦM TRỊ BÊN PHỦ TÂY HỒ.
Hai là dự án NHÀ HÁT THĂNG LONG Ở NGAY TRÊN KHU ĐẤT ĐỊNH LÀM THUỶ CUNG THĂNG LONG 10 NĂM TRƯỚC.
Ba là dự án BAUXTE Ở TÂY NGUYÊN.
Xin hãy nhìn vào hình Con Rồng Việt Nam do Tiến sĩ Phạm Gia Minh cung cấp. Nếu dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây và Dự án Nhà hát Thăng Long ở đầu con Rồng nước Việt, thì dự án Bauxite lại ở phần đuôi Rồng.
Con Rồng nước Việt. Phạm Gia Minh vẽ
Trước tiên xin hãy bảo vệ cái đầu. Nếu một cơ thể có cái đầu sáng suốt, lành mạnh, thì các bộ phận khác cũng sẽ lành mạnh, thậm chí khi đuôi Rồng quẫy một cái thì những kẻ bám theo ở phần đuôi, ở phần ngoài rìa như biên giới, hải đảo sẽ rơi rụng. Nhưng nếu cái đầu bị rỗng nát, LONG MẠCH bị triệt thì nước mất nhà tan.
Thưa quý độc giả,
Tôi viết những dòng này hết sức chân thành với mong muốn khai minh mở tuệ cho những ai đầu óc đang u tối. Mong hãy tin rằng Tản Viên Sơn Thánh Ngài rất công bằng và rất sáng suốt. Xin hãy hết sức lưu tâm đến lời nhắc nhở hôm nay.
TTV
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập