Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Giáo dục kiểu Đức

Đức là một trong những quốc gia có nền khoa học và công nghệ hàng đầu trên thế giới. Vậy nền giáo dục của họ có gì lạ. Mời xem bài sau đây.
HTMD

Học lớp 1... kiểu Đức
15:48' 12/07/2009 (GMT+7)

- “Tôi muốn các cháu như một tờ giấy trắng, chưa bị dây trước một vết mực nào! Dạy chữ và số cho chúng là việc của các thầy cô giáo, những người đã ăn lương từ tiền đóng thuế của quý vị!”. Bà hiệu trưởng tỏ ra không vui, sau khi giơ vài mẫu chữ cái, mẫu chữ số hỏi các học sinh mới và thấy nhiều cháu giơ tay trả lời.

Đó là những ấn tượng khó phai trong câu chuyện học lớp 1 của cô con gái mà anh Trần Đình Ngân, Việt kiều ở Đức, chia sẻ cùng bạn đọc.

Luyện thi vào lớp 1. Ảnh: Đất Việt
Năm cháu Phương Hiền vào lớp 1 (Schulanfang), chúng tôi chuẩn bị cho cháu lễ khai giảng rất trọng thể, vì biết trong đời đi học, chỉ có một ngày khai giảng cho suốt 13 năm! Những năm học sau, cứ đến ngày học đầu năm thì thầy trò cùng vào lớp, không phải qua nghi thức “chào cờ", phát động thi đua… nữa!

Đón tiếp học trò mới, ngoài ông thị trưởng thành phố, còn có thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo lớp 1 và đội văn nghệ đại diện của các bạn lớp 1 năm trước.

Thành phần đông vui nhất của ngày khai giảng là sự hiện diện của ông bà, cha mẹ và khách mời của gia đình học sinh. Mọi lời phát biểu, chào mừng đều không quá 5 phút. Bà hiệu trưởng được dành thời gian nhiều nhất để làm quen với các học sinh.

Bà tỏ ra không vui, sau khi giơ vài mẫu chữ cái, mẫu chữ số hỏi các học sinh mới và thấy nhiều cháu giơ tay trả lời.

Quay về phía các gia đình học sinh, bà nói: “Tôi muốn các cháu như một tờ giấy trắng, chưa bị dây trước một vết mực nào! Dạy chữ và số cho chúng là việc của các thầy cô giáo, những người đã ăn lương từ tiền đóng thuế của quý vị!”.

Bà hiệu trưởng đọc danh sách phân lớp, cô giáo chủ nhiệm nhận học trò và đưa các em nhỏ về lớp.

Cháu Phương Hiền đi học được bốn tháng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Cháu nhanh chóng đọc được các tờ báo tiếng Đức (dù nghĩa các từ chưa phải đã hiểu hết!).

Không hề có khái niệm “đánh vần" nhưng nhìn thấy tờ báo tiếng Việt mà bố để trên bàn, cháu đánh vần luôn: “An-ninh-the-gi-oi”.

Năm lớp 1, kết quả học tập không cho điểm, nhưng tôi rất yên tâm về con khi thấy sau mỗi bài có kèm theo những nhận xét nhỏ của giáo viên như “Giỏi”, “Đáng yêu"... và đặc biệt là những lời nhận xét ngắn với nét chữ rất đẹp của cô giáo chủ nhiệm "rất yêu gấu con!".

TIN LIÊN QUAN
Vốn là người đã có quá trình hoạt động sư phạm, tôi khâm phục sự dạy dỗ của các bậc đồng nghiệp người Đức, nhưng vẫn phân vân một điều: chữ viết của Phương Hiền xấu quá, nhiều chữ nghiêng ngả, to nhỏ không đều và nếu giấy không dòng kẻ thì chữ viết xiêu vẹo...

Nhân được mời họp phụ huynh sau kỳ nghỉ Noel, tôi định bụng sẽ phàn nàn về áy náy của mình với cô giáo dạy môn Tiếng Đức.

Ở hệ cấp 1 (Grundschule), các thầy cô sẽ đồng hành cùng học sinh đến hết cấp (lớp 4), cho nên theo ý thông thường, việc phàn nàn với giáo viên, nhà trường về chất lượng giảng dạy là điều phải thận trọng. Bà giáo R.Lipka, 55 tuổi, là giáo viên chủ nhiệm đồng thời dạy môn Tiếng Đức của lớp 1A.

Bà nhận xét tốt về con gái tôi. Bà đề nghị khi ở nhà, không nên để cháu học thêm vì sau giờ chính khóa, nhà trường có hẳn một bộ phận giáo viên lo ăn, ngủ trưa, ôn bài và vui chơi thể thao của học sinh cho đến chiều (học bạ có một điểm nhận xét về môn này). Đến lượt mình, tôi dè dặt nói về chữ viết của Phương Hiền và tự tin đưa ra quyển vở tập viết của cháu.

- Đâu?... Bằng chứng của ông đây à? - bà R.Lipka kéo quyển vở về phía mình và sửng sốt hỏi.

Tôi bị bất ngờ về thái độ và nhận ngay từ bà giáo khả kính câu hỏi tiếp theo:

- Ông có đọc được cháu viết chữ gì không?

- Thưa... có! Đọc được nhưng chữ viết như vậy là xấu!

- Xấu ? ... Tôi cũng đọc được như ông. Đây đúng là chữ tôi đã dạy để con ông tự viết ra.

Bà giáo trầm lại, giảng giải:

- Tôi có trách nhiệm dạy để con ông viết chữ mà ông, tôi, mọi người đọc ra được chữ của nó. Tôi không có quyền bắt con ông viết chữ giống tôi. Tôi đưa ra mẫu chữ theo quy định, chúng sẽ viết theo đó. Chứ... nếu tôi cầm tay chúng, nắn theo nét chữ của tôi, tôi sẽ bị đuổi việc. Vì đìều này là vi phạm luật về sự tôn trọng quyền riêng tư của con người. Chữ viết thế nào là nét riêng của mỗi người, chữ là đặc điểm nhận dạng ra mỗi cá nhân.

... CHLB Đức vốn chưa được xếp vào hàng các nước có nền giáo dục tiên tiến của châu Âu. Phương Hiền nhà tôi năm nay đã vào học lớp 11. Mang chuyện học ở Đức mà kể lại sợ có gì khập khiễng vì tại Việt Nam chuyện “cải cách giáo dục” vẫn còn nhiều tranh cãi. Xin chia sẻ cùng các bậc phụ huynh về đề tài "hóc búa" này.

  • Trần Đình Ngân (Berlin, Đức)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét