Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

Người Việt dùng hàng Việt

Hình như lâu lắm rồi BCT mới có một cuộc vận động...coi được. Trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay thì việc củng cố và phát huy nội lực càng phải được coi trọng gấp bội nếu không muốn bị hòa tan hay bị đè bẹp. Thực ra ý tưởng này chỉ mới đối với mình thôi, chứ người Nhật họ đã làm điều này cách nay nửa thế kỉ rồi. Sau thế chiến thứ 2, người Nhật phải phục hồi lại nền kinh tế đã bị tàn phá hoàn toàn, trước hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp của Nhật mà một số sau này đã trở thành khổng lồ như Toyota (trước đây gọi là Toyoda) đã vận động người Nhật mua và sử dụng ô tô Nhật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm gì để người dân tự nguyện mua hàng Việt lâu dài là một chuyện khác. Đây là chuyện của lương tâm nghề nghiệp, của cái tâm, của tầm nhìn... Về việc này chúng ta phải thành tâm học hỏi ở người Nhật.

Dưới đây là một vài trích dẫn, tuy ngắn thôi, nhưng nó cũng cho thấy văn hóa làm kinh doanh của họ như thế nào:

Đây là đoạn trích trong bài "Thành phố trên bãi đất hoang" nằm trong loạt phóng sự về Toyota của báo Tuổi Trẻ: "Tháng mười một, mẫu xe tải G1 ra mắt và được đem giới thiệu ở Tokyo. Sau đó, tại từng địa phương, các chiến dịch marketing bắt đầu được tiến hành. Nhưng lời khuyên của Kiichiro dành cho những người bán hàng của chính mình lại rất khác biệt: “Tuy chúng ta bán xe, nhưng đừng bao giờ nói xe của chúng ta tốt hơn những chiếc xe khác. Cho dù đem so sánh với xe ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, những chiếc xe hiện tại của chúng ta vẫn là kém nhất.

Tuy nhiên, vì đây là xe nội địa, hãy thuyết phục khách hàng mua và sử dụng nó. Nếu không, thị trường xe của Nhật sẽ mãi mãi bị Mỹ độc chiếm. Nếu chính những người Nhật không nuôi dưỡng nền công nghiệp ôtô của Nhật thì toàn thể nền công nghiệp quốc gia của chúng ta sẽ mãi bị bỏ lại phía sau, chỉ có thể xếp vào loại hai, loại ba trên thế giới. Nếu mọi người sử dụng xe Toyoda, Toyoda nhất định sẽ liên tục cải tiến để trở thành chiếc xe hàng đầu thế giới”.


* Đây cũng là một tin tức trên báo Tuổi Trẻ, nó cho thấy việc giữ chữ tín trong kinh doanh là quan trọng đến mức nào!

Toyota thu hồi 880.000 xe hơi

TTO - Hãng sản xuất xe hơi Toyota của Nhật Bản đã thu hồi 880.000 xe thể thao (SUV) và xe tải vì những vấn đề liên quan đến hệ thống giảm xốc phía trước.

Những đời xe có liên quan đến hệ thống này gồm xe tải Tundra và xe thể thao Sequoia, Landcruiser Prado và 4Runner/Hilux Surf SUVs được sản xuất vào tháng 5-2001 và tháng 12-2003.

Phần lớn những xe này được bán ở Mỹ và một số bán ở Nhật, châu Âu và Úc. Người phát ngôn của Toyota cho biết theo một thông báo đã có một tai nạn đã xảy ra ở Nhật. Toyota không thông báo chi tiết về chi phí sẽ trả cho khách hàng.

Toyota không phải là hãng xe duy nhất ở Nhật thu hồi lại xe. Lợi nhuận của hãng Mitsubishi cũng đã bị giảm mạnh vì những lỗi liên quan đến kỹ thuật. Và trước thông tin bất lợi này, thị phần của Toyota ở Tokyo bị giảm 0,8%.


* Cuối cùng là vài chi tiết trong cuộc phỏng vấn ông Katsuaki Watanabe, tân chủ tịch của tập đoàn Toyota

Hỏi: Toyota ngày nay đã rất lớn mạnh, thậm chí còn được gọi là “Big business disease” (tạm dịch: đại dịch thương mại). Ông làm thế nào để tránh được những mối nguy hiểm của căn bệnh tự mãn?

- Tôi và các thành viên khác cho rằng không nên thỏa mãn với tình trạng hiện tại và luôn luôn nhắc nhở bản thân nỗ lực để cải tiến hoặc thay đổi những thứ xung quanh mình. Nên nhớ rằng ngoài xã hội luôn có nhiều điều lớn lao hơn những gì chúng ta đã đạt được và đó là những điều mà tôi luôn khuyến khích mọi người hướng tới. Có thể công ty lớn mạnh nhưng từng con người cụ thể chưa lớn mạnh.

Hỏi: Đâu là mối quan tâm hàng đầu của ông khi trở thành chủ tịch của Toyota?

- Mối quan tâm lớn nhất của Toyota trên toàn thế giới luôn là chất lượng và giá thành sản phẩm. Chúng tôi luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Toyota đang phát triển ở mức độ nào, để từ đó xác định được những ưu và nhược điểm của hãng. Nếu có thiếu sót gì thì phải tìm cách khắc phục ngay.

Hỏi: Ông rất nổi tiếng với các kế hoạch cắt giảm chi tiêu của mình. Vậy những gì ông làm với Toyota đã là đủ chưa?

- Không thể nói chắc chắn được bởi nó phụ thuộc vào thời cuộc. Tuy nhiên, tôn chỉ của tôi vẫn là tinh giảm tới mức tối đa mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

Hỏi: Vậy bước tiếp theo của ông là...

- Thử xem những chi phí cho việc thiết kế, máy móc, điều hành chất lượng, sản xuất, lực lượng lao động và cả điều hành, quản lý. Tôi vẫn còn thấy quá nhiều sự lãng phí không cần thiết tồn tại nhưng cải cách không thể tiến hành ngay lập tức được. Bước tiếp theo của tôi là những cải tiến về mặt giá thành, tức là thiết kế nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, chất lượng cao hơn nhưng hợp với túi tiền người dân hơn.

Hỏi: Toyota kiếm được nhiều tiền hơn cả ba hãng sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ cộng lại. Theo ông, bí quyết thành công của Toyota là gì?

- Chúng tôi là một thương hiệu Nhật Bản và điều này rất có ý nghĩa với bất kỳ ai làm việc cho Toyota. Nó khiến chúng tôi đoàn kết như một cộng đồng vậy. Thậm chí những đối tác của chúng tôi cũng là những thành viên của cộng đồng ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét