Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Tư duy thời hội nhập!

Các vị lãnh đạo Nước Việt ngày nay luôn hô hào hội nhập toàn diện với thế giới với phương châm "Việt Nam mong muốn là bạn với tất cả các nước". Đó là chuyện xã giao bên ngoài, nói làm sao cho đẹp lòng nhau là được. Nhưng còn thực tế bên trong, hãy xem các vị trong Ban tuyên giáo của chúng ta, những người có vai trò định hướng tư tưởng đối nội và đối ngoại của đất nước nhận định thế nào về một nước đang là đối tác quan trọng của chúng ta về nhiều mặt, ở đây là Hoa Kỳ. Hãy xem ước muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của chúng ta mạnh mẽ đến đâu, hay cuối cùng vẫn chỉ là khẩu hiệu...rởm! HTMD

Mấy hôm nay thấy báo QĐND đăng những bài nói về chống “Diễn biến hòa bình” tôi chẳng hiểu họ nói gì và nhắm vào ai. Cũng có vài bài nói về những người đang bị giam cầm vì tội tuyên truyền chống phá Nhà nước, nhưng cũng chẳng rõ ràng gì cả. Nhưng trên trang nhà của Quảng Ninh có đăng “Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ‘Diễn biến hoà bình’ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá” thì sẽ hiểu báo QĐND đang nói cái gì.

http://www.quangninh.gov.vn/So-GDDT/apm_sgd/0020d0.aspx

Trong đề cương này, có nhiều chỗ người soạn thảo dùng chữ “chúng”, chẳng biết chỉ ai. Có lẽ để chỉ những người không cùng quan điểm với Đảng chăng? Nhưng nhận định sau đây thì có lẽ “chúng” ở đây là Mĩ: “Chúng tập trung vào “chiến lược con người” để đào tạo một lớp người thân Mỹ và phương Tây. Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam. Đến nay chỉ riêng Mỹ đã có 15 chương trình, dự án lớn có liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo đang triển khai ở Việt Nam. Ngân sách của chính phủ Mỹ dành cho các chương trình Fulbringt Việt Nam tăng lên 4 triệu USD/ năm, còn “Quỹ giáo dục Việt Nam” mỗi năm dành 5 triệu USD cấp cho 100 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ ráo riết triển khai dự án “Góc Hoa Kỳ” nhằm quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ. Các cơ quan hoạch định chiến lược của Mỹ đưa ra bản “lộ trình 4 bước”, trong đó bước 4 có nội dung các trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam.”

Và báo chí và phản biện: “[…] Thời gian qua, có một số lãnh đạo và báo chí, phóng viên đã bộc lộ tư tưởng báo chí đối lập với Đảng, quá nhấn mạnh vai trò “phản biện” và lạm dụng “quyền lực xã hội” để đưa các bài viết công kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.”

Chẳng thấy nói gì đến việc phim ảnh Hàn Quốc tràn lan hiện nay ở Việt Nam. Cũng chẳng thấy nói gì đến phim ảnh nhảm nhí của Trung Quốc phủ đầy làn sóng tivi Việt Nam. Những phim ảnh đó, sản phẩm văn hóa đó cũng theo phong cách phương Tây đó chứ! Vậy thì tại sao lại lo ngại chuyện Mĩ giúp về giáo dục và đào tạo, mà tôi nghĩ là họ có ý tốt chứ chắc chẳng có "diễn biến hòa bình" gì cả. Vấn đề là bản lĩnh văn hóa của mình. Văn hóa mình yếu thì mình cảm thấy bị đe dọa, nhưng nếu văn hóa mình mạnh thì chẳng phải lo lắng xâm lăng văn hóa từ đâu cả.

Hình như Ban tuyên giáo giả định rằng ai theo học ở Mĩ cũng đều bị "nhiễm" văn hóa Mĩ và lối sống phương Tây, nhưng tôi ngờ rằng giả định này không hẳn đúng. Tôi sống và làm việc ở ngoài này cả gần 30 năm mà tôi vẫn là người Việt Nam, tôi vẫn nói tiếng Việt, vẫn ăn thức ăn Việt, vẫn mang trong người tình cảm Việt, tôi không sống theo phương Tây. Dù rằng trong thực tế cũng có vài người chạy theo và bị phương Tây "cảm hóa", nhưng số này không nhiều và phần đông là trẻ tuổi, nhưng một thời gian sau thì họ lại quay về với nguồn cội.

Mà, nếu có cách suy nghĩ theo phương Tây hay làm việc theo phong cách phương Tây thì có gì là sai hay xấu xa đến nỗi phải lên án chứ? Phương Tây cũng có nhiều (rất nhiều) điều để chúng ta học hỏi từ họ. Trong quá trình hội nhập, tôi lại nghĩ Việt Nam cần nhiều người có kinh nghiệm cọ xát với văn hóa phương Tây. Cứ nhìn sang Hàn Quốc, Nhật, hay Đài Loan thì thấy: những người du học ở phương Tây và Mĩ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và khoa học.

Có khi, chính sự bảo thủ của ta làm cho ta tụt hậu và khó hội nhập thế giới. Cứ nhìn qua những quan chức Việt Nam đi công tác nước ngoài thì thấy là chúng ta "lép vế" như thế nào. Khả năng Tiếng Anh còn quá kém, làm chọ họ thụ động, không phát biểu được điều gì hay ho. Còn phong cách hành xử theo kiểu truyền thống Á châu thì không hợp với cộng đồng quốc tế. Chẳng nói gì xa xôi, ngay cả cách ăn mặc của một số lãnh tụ chính trị Việt Nam khi phó hội quốc tế cũng thấy rằng họ có quá nhiều sơ hở, có khi làm người ta cười cho.

Khổ thiệt! Chiến tranh lạnh đã qua lâu rồi, mà hình như ở VN vẫn còn những người suy nghĩ rất nóng. :-) Với cái nhìn này thì những bàn thảo về đại học đẳng cấp quốc tế, cải cách giáo dục, hội nhập khoa học, này nọ … sẽ rất khó dẫn đến hiệu quả nào.

Điều đáng buồn là thời đại này mà Ban tuyên giáo vẫn còn nói theo kiểu "chúng" và "ta", chẳng khác gì giữa kẻ thù và ta. Ngày nay, người ta không quan tâm đến chuyện anh theo chủ thuyết gì mà là anh là ai. Khi tôi đi dự hội nghị ở nước ngoài (như tôi thuật lại), ít ai hỏi tôi VN bây giờ là XHCN hay gì gì, mà là "anh là người Việt Nam hả"? Tôi nghĩ đó là một sự chuyển biến từ ý thức hệ sang căn cước tính. Mà, đặc tính để xác định căn cước chính là dân tộc và tôn giáo, hay nói chung là "văn hóa". Thành ra, cái mà chúng ta cần là trang bị cho mình một bản lĩnh văn hóa, chứ không phải những giáo điều chính trị.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Tự hào!



Đọc blog nghe GS. Tuấn kể chuyện đi dự hội nghị mà cảm thấy tự hào quá xá cỡ. Ước gì Việt Nam mình có được nhiều nhà khoa học tầm cỡ như vậy, mà lại hoàn toàn xuất thân từ môi trường làm việc của Việt Nam. Hehe đúng là mình mơ mộng quá rồi, điều này thì chắc phải chờ đến tết...Công Gô quá. Thôi thì vui vẻ với thành tựu của "sư phụ" tí xíu để ăn theo niềm vui, vậy đủ rồi, lẩn thẩn chi cho ...mệt!

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Xem "thành tích" của ĐH Công nghệ!

Từ khi thành lập cho đến nay, ĐH Công nghệ luôn được coi là "điểm sáng" trong lĩnh vực hợp tác và liên kết đào tạo.

Hơn 60% số cán bộ khoa học của trường có học vị tiến sỹ. Trong 5 năm qua, ĐH Công nghệ đã công bố quốc tế gần 150 công trình khoa học (trong đó, 35 công trình đăng trên các tạp chí, hơn 110 công trình đăng trên kỉ yếu của các hội nghị khoa học).


Mục tiêu của ĐH Công nghệ là trở thành một trường ĐH đẳng cấp quốc tế.

Như nhiều bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn, trong khoa học những cái gọi là "đăng trên kỉ yếu của các hội nghị khoa học" chỉ có một giá trị khoa học rất thấp vì thực chất những bài viết đó chưa được thông qua quá trình kiểm duyệt nghiêm túc. Đó là chưa kể chất lượng của các hội nghị khoa học là rất không giống nhau, "thượng vàng hạ cám" đủ cả, nên việc đăng trong kỉ yếu không nên được tính đến như là một "thành tựu" nghiên cứu khoa học. Như vậy, nếu tính 35 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế (không biết uy tín của những tạp chí này như thế nào) trong 5 năm thì trung bình mỗi năm trường chỉ công bố được trung bình 7 bài, trong khi lực lượng tiến sĩ của trường chiếm đến 60% trong tổng số cán bộ giảng dạy. Tạm giả định tổng số cán bộ giảng dạy của trường là 100 thì hiện có 60 tiến sĩ, vậy hiệu suất công bố của mỗi vị là 0,12 bài/năm, rõ ràng đây không phải là một con số đáng tự hào.


Mục tiêu đến năm 2010: có 25% SV ngay sau khi tốt nghiệp được học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo - nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài, được làm việc tại các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới.

Chất lượng (nghiên cứu) của thầy còn rất khiêm tốn, nhưng mục tiêu cho năm sau (2010) thì vô cùng hoành tráng. Tôi tiếp tục giả định số sv của trường tốt nghiệp vào năm sau là 100 thì theo mục tiêu, sẽ có 25 sv được nhận các học bổng (hoặc tự túc) du học để có thể "được học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo - nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài". Nếu đúng như vậy thì quả là hồng phúc của Việt Nam, vì ai cũng biết để được đi du học thì ngoài kiến thức chuyên môn khá thì thí sinh phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu 550 điểm Toefl. Chỉ 4 năm học ở bậc đại học mà trường có thể đào tạo được 1/4 trong tổng số sv của mình đạt trình độ đó thì phải nói là bái phục.
Ai cũng biết giữa lời nói với việc làm luôn là một khoảng cách rất lớn và với tình hình của nước ta, đặt ra mục tiêu cao như vậy liệu có khả thi không, hay là các ngài chỉ đề ra theo cảm hứng. Năm sau (2010) chúng ta sẽ có câu trả lời!

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Trích "Âm thanh huyền diệu của chiếc hồ cầm"

Ngày xưa khi còn là một người xuất gia trẻ, trong thời gian cách mạng chống Pháp, Thầy đã từng tìm cách che chở cho những chiến sĩ cách mạng gặp bước nguy nan tìm cách tỵ nạn trong chùa. Đây là một trong những việc làm nguy hiểm nhất: lính Pháp có thể bắn chết mình vì mình đã dám che chở cho quân kháng chiến. Các thầy Trí Thuyên, Tâm Thường và bao nhiêu vị xuất gia trẻ khác trong nước đồng lứa tuổi với Thầy đã bị bắn vì làm những công việc ấy. Hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tìm đến ẩn náu tại các ngôi chùa, và các thầy các sư cô đã luôn luôn tìm cách bảo bọc và che chở họ. Đó là vì chúng ta ai cũng có tâm yêu nước, và vì yêu nước nên mới muốn bảo hộ cho các chiến sĩ. Trong lá thư gởi cho chủ tịch nước ngày 30.09.09, Thầy đã nhắc lại chuyện này. Thầy chắc rằng chủ tịch nước hồi còn làm một chiến sĩ cách mạng, cùng với bao nhiêu chiến sĩ khác mà bây giờ đã trở thành những bậc cách mạng lão thành, đã từng trải qua những gian nan hiểm nguy như thế và không thể nào quên được tình quân dân cá nước ngày xưa. Và cũng vì vậy cho nên trong lá thư ấy Thầy cũng viết rằng những vị công an cảnh sát nào và những người nào đã ra lệnh cho họ sử dụng mọi cách để đánh bật các con ra khỏi Bát Nhã "chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng". Hành động ấy là một hành động vô ân, bất nghĩa, phản bội, không phải là hành động của truyền thống cách mạng. Và Thầy đã lên tiếng xin Chủ Tịch Nước ngăn chận lại hành động trái chống với đạo đức cách mạng, và với truyền thống luân thường đạo lý của đất nước ta. Tại sao những người công an này hành xử như thế, sử dụng những biện pháp bá đạo như thế? Tại sao họ không tiếp nối được truyền thống liêm khiết và chính trực của cách mạng? Tại sao họ không phải là con cháu của cách mạng? Tại sao tham nhũng và lạm dụng quyền hành lan tràn? Chỉ có một câu trả lời đích xác: tại vì ngọn lửa cách mạng đang tàn lụi, đạo đức cách mạng không còn và vì nguồn tư niệm thực là lý tưởng cách mạng không còn. Khi chúng ta không còn giữ được tâm bồ đề, thì ta không còn là "đạo hữu" của nhau, không còn là "đồng đạo" của nhau nữa, dù ta vẫn còn mang danh Phật tử. Khi chí nguyện cách mạng không còn, khi ta bị tham nhũng và lạm dụng quyền hành lũng đoạn thì ta cũng không thật sự còn là "đồng chí" của nhau, dù trên giao tiếp ta vẫn gọi người kia là đồng chí. Có lý tưởng, có tâm bồ đề và có tình huynh đệ rồi thì chúng ta đã có đủ hạnh phúc, chúng ta không cần đi tìm hạnh phúc về phía tiền bạc, danh vọng quyền hành và sắc dục nữa. Chúng ta sống với nhau một nếp sống lành mạnh và đơn giản. Thầy đã ngồi thiền với các con, ăn cơm chánh niệm với các con, thở với các con, nghe chuông với các con, đi thiền hành và chấp tác với các con, tổ chức các khóa tu với các con và tìm thấy hạnh phúc trong những giây phút sống chung ấy. Thì các chiến sĩ cách mạng cũng thế, họ sống với nhau hạnh phúc vì họ có lý tưởng, có khả năng buông bỏ những gì mang tới hệ lụy. Họ chiến đấu bên nhau, chịu đựng sương gió bên nhau, tại vì họ có tình đồng chí, tại vì họ được sưởi ấm bởi lửa thiêng cách mạng.
Thiền sư Nhất Hạnh gửi cho tăng thân Bát Nhã

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

Màu mè!



Sao nước mình làm cái gì cũng khoái màu mè, hình thức. Nhìn ảnh mấy doanh nhân trong nước lên nhận giải thưởng cúp Thánh Gióng mà phải đeo vào người 1 dải lụa đỏ lòm, rồi cả một vòng hoa to tướng trên cổ sao thấy phản cảm quá, đến các nhân vật khi nhận giải Nobel người ta cũng không làm như vậy. Nạn hình thức ngày càng nặng nề, trong khi thực chất thì không thấy đâu cả, hoàn toàn trái với câu tục ngữ của ông bà mình căn dặn ngày xưa "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". HTMD

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Nhục!

Đọc bài này của nhà văn Phạm Viết Đào viết về buổi phỏng vấn của ông đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Thơ dành cho phóng viên đài phát thanh Trung Quốc mà cảm thấy nhục quá, trong khi họ đối xử tàn tệ với ngư dân mình như vậy thì không dám lên tiếng, còn dùng những lời lẽ tán dương sự hùng mạnh của quân đội "bạn" lên mây. Tôi không hiểu ông đại sứ có còn nhớ mình là người Việt Nam nữa hay không, hay ông sống lâu quá ở trên đất bác Hồ...Cẩm Đào nên biết thành Lọa mất rồi?! HTMD

Thưa các bạn

Ngày 30/9, trong khi lực lượng hải quân Trung Quốc đã hành xử với bà con ngư dân Quảng Ngãi như những tên hải tặc thứ thiệt, không chỉ sử dụng súng ngăn không cho họ vào trú tránh cơn bão số 9 tại đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ; Thậm tệ hơn, hải quân Trung Quốc còn xông lên tàu của bà con ngư dân ta, giở những hành vi ác độc như: trấn cướp tài sản, những trang thiết bị đi biển như điện thoại, máy định vị như báo Sài Gòn Tiếp thị vừa đưa tin.

Thế nhưng sau đó 1 ngày, ngày 1/10/2009, Ngài Đại sứ Nguyễn Văn Thơ kính mến của chúng ta tại Bắc Kinh đã giành cho phóng viên Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc một buổi phỏng vấn, Ngài đã dùng những lời lẽ hoa mỹ trên cả tuyệt vời để ca ngợi sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc, ca ngợi tình hữu nghị Việt-Trung?

Trước sự hoành tráng của buổi lễ diễu binh, ông Nguyễn Ngọc Thơ tỏ ra cảm kích: "đây là niềm tự hào của nhân dân Trung Hoa, cũng là niềm tự hào của các nước châu Á trong đó có Việt Nam";( Xin Ngài Đại sứ Nguyễn Văn Thơ chớ có loạn ngôn, cái gọi là niềm tự hào mà ngài nống lên ấy chỉ có thể có đối với nhà đương cục Bắc Kinh và của Ngài thôi, chứ chưa chắc của số đông người dân Trung Hoa; Xin Ngài đừng có nhân danh nhân dân châu Á, nhân dân Việt Nam và ngư dân Quảng Ngãi cất lên niềm tự hào này mà tội cho họ...)

Ngài Đại sứ Nguyễn Văn Thơ không chỉ cảm kích mà ông tỏ ra khá thuộc bài vở, những luận thuyết dối trá mà ông Hồ Cẩm Đào nêu ra: xây dựng một xã hội hài hòa, các mối quan hệ quốc tế hài hòa...

Để hài hòa Trung Quốc cho phát triển và phô trương lực lượng quân sự hùng hậu chưa từng thấy khiến cho nhiều quốc gia phải dè chừng, riêng ông Đại sứ Việt Nam lại không dấu nổi sự tự hào về sự lớn mạnh của các lực lượng quân sự Trung Quốc? Cùng với sự phô diễn này là những tuyên bố ngang ngược về chủ quyền lãnh thổ, những sự gây hấn trên biển, trên bộ không chỉ với Việt Nam thế nhưng ông Đại sứ Việt Nam lại coi đó là cử chỉ yêu hòa bình của Trung Quốc thế mới chết con người ta ?

Ngài còn cảm kích "Chúc đài ( Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc) thành công trong sự nghiệp của mình, mong rằng đài đưa tin nhiều hơn, tích cực hơn, làm sao góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Trung"; quan nghệ "hữu nghị" mà Ngài Đại sứ muốn chúc đây chắc là kiểu, cách hành xử của hải quân Trung Quốc: Dùng súng xua đuổi và xông lên tàu cướp bóc tài sản của những ngư dân vô tội của Việt Nam ngày càng quy mô, hoành tráng hơn...

Chúng tôi đã từng có bài "ca ngợi" thành tích của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh trong bài: Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, "ăn cơm nhà vác tù và Trung Quốc ???"

(*http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=1303;

http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=1390 )

Qua bài phỏng vấn sau đây, bạn đọc sẽ được thưởng thức "tiếng tù và Trung Quốc" do đích thân Ngài Đại sứ Nguyễn Văn Thơ " độc tấu" vào ngày 1/10/2009 tại Bắc Kinh nó diệu vợi, thơm tho như thế nào ???

Trong khi đó bà con ngư dân Quảng Ngãi đang loay hoay cho tàu chạy về quê mà không có máy định vị, do hải quân Trung Quốc cướp mất, thế nhưng Ngài Đại sứ lại đang say sưa tấu khúc khải hoàn, ca ngợi những thành tựu vĩ đại, những bước tiến thần kỳ của Trung Quốc. Ngài hoàn toàn thờ ơ, vô cảm trước những tai ương của đồng bào mình đang lâm nạn do phía hải quân Trung Quốc gây ra !

Như chúng ta biết, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh là một trong những cơ quan được hưởng phụ cấp và lương cao nhất trong ngành ngoại giao; nhân dân nghèo khổ lên rừng, xuống biển bắt cá, mò tôm về để bán lấy tiền nộp thuế cho nhà nước, để nhà nước trả phụ cấp lương cao bằng ngoại tệ cho các vị, thế mà các vị lại nỡ thờ ơ, quay lưng lại trước hoạn nạn mà họ bị hải quân Trung Quốc gây hấn tàn độc?

Theo một ông bạn ngành ngoại giao cho biết, trước khi cử ông Nguyễn Văn Thơ sang làm Đại sứ tại Bắc Kinh, Nhà nước đã có vài phương án nhưng đã không được phía Trung Quốc chấp nhận? Phải chăng do cảm kích về thịnh tình của phía Trung Quốc, đã chấp nhận cho Ngài được làm Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh- nơi lương cao, phụ cấp cao, do vậy nên Ngài phải ra sức tấu tù và ca ngợi tình hữu nghị Trung-Việt chăng ?


Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

Bé hạt tiêu!

Việt Nam phải sống được như con chim thụy hồng này thì sẽ bảo vệ được chủ quyền đất nước trước bất kì bầy diều hâu nào. HTMD

Một thợ chụp ảnh nghiệp dư tên là Pat Gaines sống ở Denver, Denver (Mỹ) đã chụp được bức ảnh một con chim thụy hồng nhỏ dám tấn công con diều hâu ngay tại công viên Bonny Lake gần nhà anh.Bức ảnh chụp được khoảnh khắc một con chim thụy hồng nhỏ quyết định thời điểm tấn công chim săn mồi đang nhăm nhe gần tổ của nó.


Diều hâu đuôi đỏ la ó khi bị con thụy hồng mổ vào đầu

Trong một phút, con chim đã can đảm rượt theo con diều hâu có kích thước to lớn gấp chừng 50 lần thân hình nhỏ bé của nó. Con chim dường như rất thích cưỡi lên mình đối phương, trước khi bắt đầu một cuộc tấn công - mổ lia lịa vào đầu con diều hâu.


Diều hâu vẫy vùng khi chim thụy hồng tiếp tục tấn công

Con diều hâu to lớn có vẻ như bất lực trước chim thụy hồng nhỏ, nó lắc mạnh hòng đẩy kẻ đang đè đầu cưỡi cổ lên mình và kêu thét cho đến khi thoát khỏi địa bàn cư ngụ của con mồi.

Anh Pat, tác giả bức ảnh cho biết: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy con diều hâu đuôi đỏ quấy nhiễu như vậy”. Anh cũng nói rằng, những con diều hâu anh thấy thường đuổi bắt những loài chim nhỏ.

Là thành viên trong gia đình giẻ quạt, thụy hồng nổi tiếng tháo vát với việc bảo vệ tổ, nó sẵn sàng xua đuổi tất cả những kẻ dám lảng vảng quanh tổ của mình bao gồm cả diều hâu.

Chim thụy hồng có tên khoa học là Tyrannus, được quy vào nhóm có cùng kiểu hành vi như vậy.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Tổng thống Obama được giải Nobel hòa bình!


Đúng là vận của ông Obama đỏ thật, mới đắc cử tổng thống được 2 năm giờ lại thêm giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, nếu xét kĩ thì ông cũng xứng đáng, từ lúc nhậm chức với những nỗ lực hòa giải với Trung Đông và hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga đã làm cho tình hình thế giới "hạ nhiệt" thấy rõ, khác hẳn thời của ông Bush. Có thể nói các chính sách của ông Obama về khoa học và y tế đều hợp với lòng dân. Nếu những cải cách kinh tế của ông phát huy tác dụng trong thời gian tới nữa là hoàn hảo. Xu hướng hợp tác win-win ngày càng trở nên phổ biến và đó là một tín hiệu tốt cho thế giới. Chỉ hơi rầu cho ông "bạn vàng" hàng xóm của ta, ngày quốc khánh mà ổng biến thành hội chợ triển lãm vũ khí hạt nhân, còn hô hào oang oang là sẽ chung sống hòa bình với các nước, thiệt tởm quá!

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Ngập lớn ở Quảng Nam là do thủy điện A Vương xả đập!

Hóa ra trong vụ ngập lụt ở Quảng Nam vừa rồi, ngoài yếu tố thiên tai ra thì "nhân tai" cũng góp một phần vô cùng quan trọng khiến cho tình hình ngập trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do ông thủy điện không tính toán đúng thời điểm xả đập để đến khi nước dâng lên quá xá thì ổng hoảng lên vì sợ vỡ đập, bèn quyết định xả 150 triệu mét khối nước trong lúc trời đang mưa bão. Đúng là trong pha bóng này, ông trời và ông A Vương (chắc từ nay phải gọi ổng là Diêm Vương quá) đã phối hợp với nhau hết sức đẹp mắt, chỉ có bà con mình là trắng mắt ra! HTMD

A Vương xả lũ: Bài học xương máu phải rút kinh nghiệm

VietNamnet- “Sự chọn lựa sinh tử trong giờ phút nguy hiểm ấy là bài học xương máu cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm” – ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói về việc nhà máy thuỷ điện A Vương tiến hành xả lũ khiến đỉnh lũ vượt rất xa các đỉnh lũ lịch sử, gây thiệt hại cho người dân đợt bão số 9 vừa qua.

A Vương xả lũ chưa đúng qui trình

Trong cuộc họp với các thành viên UBND tỉnh để triển khai công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh nhấn mạnh, công tác phòng tránh đã được chủ động. Tuy nhiên, việc vận hành xả lũ tại các hồ chứa nước thuỷ điện nơi vùng thượng nguồn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

“Cần phải có một qui trình xả lũ và sự quản lý điều hành chặt chẽ, khoa học đối với các hồ chứa nước nhà máy thuỷ điện nơi đầu nguồn, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Việc xả lũ vừa qua của nhà máy thuỷ điện A Vương cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm…” – ông Lê Minh Ánh nói.

Hồ chứa nước thuỷ điện A Vương xả lũ

Việc nhà máy thuỷ điện A Vương tiến hành xả khiến đỉnh lũ vượt rất xa các đỉnh lũ lịch sử gần 2m nước, theo ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người nhiều năm theo dõi mảng công nghiệp thừa nhận: “Việc xả lũ của nhà máy thuỷ điện A Vương ngay trong bão vừa qua là chưa đúng qui trình”.

Tại thời điểm bão đổ bộ, lũ thượng nguồn đổ về, những người có trách nhiệm vận hành hồ chứa nước thuỷ điện A vương đã đặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào tình thế khó xử: Không cho xả lũ thì nguy hiểm đến an toàn của hồ chứa, còn cho xả lũ thì nguy hiểm đến tính mạng của hàng trăm nghìn hộ dân vùng hạ lưu.

“Sự chọn lựa sinh tử trong giờ phút nguy hiểm ấy là bài học xương máu cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm. Nếu cần thiết, phải chấp nhận sự hy sinh về kinh tế của nhà máy, chấp nhận xả nước của hồ chứa trước khi lũ về…” – ông Thu nhấn mạnh.

Không còn lựa chọn nào khác?

Trưa 29/9, khi gió bão gầm rít trên đầu, thông tin báo người chết, nhà đổ, lời cầu cứu giúp đỡ từ các địa phương tới tấp gọi về ban chỉ huy phòng chống lụt bão, thì cũng là lúc lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nhận được báo cáo xin được xả nước lòng hồ thuỷ điện A Vương.

Trong cuộc hội ý chớp nhoáng diễn ra ngay buổi trưa đó, tất cả lãnh đạo tỉnh đều thống nhất không đồng ý cho xả lũ, nhưng sau đó ít tiếng đồng hồ, thông tin từ thuỷ điện A Vương báo về, nếu không cho xả lũ thì nguy cơ vỡ hồ chứa!


Xả nước hồ chứa thuỷ điện A vương đã góp phần làm ngập nhà dân vùng hạ lưu

Không còn sự chọn lựa nào khác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh và các thành viên đành phải “gật” cho xả lũ. Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi đó còn bất lực thốt lên: “Kiểu ni thì chết!”.

Ngay sau khi A Vương tiến hành xả lũ, lũ bắt đầu lên vùn vụt, mỗi giờ nước lên hơn 10cm. Đỉnh lũ lúc 3 giờ sáng ngày 30/9, nghĩa là sau 11 giờ xả lũ của hồ chứa nhà máy thuỷ điện A Vương, đã vượt xa đỉnh lũ lịch sử của các năm gần 2 mét nước. Vùng hạ lưu ngập chìm trong lũ khi bão chưa tan.


Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức


Bẵng quên thân thế chẳng hề vương
Lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường.

Năm hết trong non không sẵn lịch,
Nhìn xem cúc nở biết trùng dương.
Thiền sư Huyền Quang, Đệ Tam tổ Trúc Lâm

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Đi, đi ông!

Sự việc "sai sót kỹ thuật" trên báo điện tử Đảng cộng sản VN tưởng đã qua rồi, bác Quát đã nhận lỗi (và đổ lỗi) rồi và cũng đã phải nhịn ăn sáng và nhịn nhậu cả tuần để kiếm tiền nộp phạt, ngẫm ra còn đau hơn hoạn, vậy mà cái bọn dân đen chúng nó vẫn chưa để bác yên, vẫn chửi bới om xòm trên mạng và đòi hỏi công bằng này nọ, có đứa còn "hỗn" đến nỗi đòi thu hồi thẻ nhà báo của bác nữa, thiệt hết biết. Dù gì bác cũng đường đường là UV TW Đảng, là phó giáo sĩ tiên sư, ý lộn phó giáo sư tiến sĩ chứ bộ. Nay có tên Hai xe ôm còn dám viết thư nhạo bác nữa, đúng là chạy xe ôm mà không biết phận. Nay em chép lại bài thơ ấy, không phải để nhạo bác đâu, chỉ muốn lưu lại một hình ảnh "trực quan sinh động" thôi.

Rứa là hết ! Chiều ni ông đi mãi *
Còn mong chi ngày trở lại, Quát ơi!
Đau làm sao, ông nhỉ, lúc chia phôi
Bởi nghịch cảnh, khiến bao người ngọng nói...

Ông len lét, cúi đầu, khi rời ghế
Áo quần tươm, cắp chiếc mũ le te
Vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề
Cùng tai tiếng lan tràn nơi miệng thế!

Biết chăng hỡi, nỗi lòng ông sau đó ?
Nó tơi bời đau đớn lắm ai ơi !
Bàn chân ông còn luyến tiếc không rời
Cái ghế Tổng ** làm ông vui, đau khổ...

Nhớ những đêm, ông duyệt bài rất kỹ
Ghế làm ông vui, bởi bổng lộc ê hề
Ôi cái ghế bấy lâu ông âu yếm
Giữ để dùng, để tác quái, tác oai !

Ông ngoái lại lưu luyến nhìn chiếc ghế
Buồn rưng rưng đôi mắt ướt ly sầu!
Biết làm sao, ông hỡi, bút lỡ sa ?
Lời mắng nhiếc cứ lan tràn, nhục nhã !

Thì ông hỡi ! Đi đi, đừng tiếc ghế !
Ngại ngùng chi? Nấn ná chỉ thêm phiền!
Đi đi ông, can đảm bước chân lên

Cố chịu đấm, xôi khó lòng nuốt nổi !
Ông nên rút, chớ ngậm ngùi, khổ tủi
Bởi chính ông người gieo rắc thị phi
Nhớ nghe ông: cho đến lớn, đến già
Sự dốt nát sớm muộn rồi cũng lộ...


Hai xe ôm

Mùa Nobel năm nay, người Mỹ sẽ lại áp đảo?!

Mở hàng cho mùa giải Nobel năm nay là 3 người Mỹ với giải Nobel Y học. Trong mấy mươi năm qua, người Mỹ luôn chiếm ưu thế áp đảo ở hầu hết các đợt trao giải ở tất cả các lĩnh vực khác nhau (trừ Văn học). Điểm mạnh nhất của người Mỹ là lĩnh vực kinh tế khi họ hầu như là chủ nhân của giải thưởng này trong suốt nhiều năm liền. Điểm đặc biệt năm nay là có đến 2 nhà khoa học nữ được trao thưởng, điều này cho thấy phụ nữ đang chứng tỏ khả năng của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đỉnh cao, một điều mà từ trước đến nay, trừ một số trường hợp ngoại lệ của gia đình Curie thì nam giới luôn tỏ ra "độc quyền". Đây cũng là một điều đáng mừng cho phái nữ nói riêng và nhân loại nói chung, vì ai cũng biết phụ nữ là một nửa đầy quyền uy của thế giới này! HTMD

3 người Mỹ đã mở màn cho mùa giả Nobel 2009 với việc chia nhau giải Nobel Y học - giải đầu tiên năm nay.

Bà Carol Greider. Ảnh AP.

Hội đồng Nobel của Thụy Điển ngày 5/10/2009 đã chính thức công bố giải Nobel y học năm 2009. Theo đó, giải được trao cho ba nhà khoa học Mỹ là bà Elizabeth Blackburn, bà Carol Greider và ông Jack Szostak.

Như vậy, cả ba người Mỹ này cùng chia sẻ giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (tương đương 1,42 triệu USD).

Công trình đoạt giải là công trình nghiên cứu cách thức nhiễm sắc thể được bảo vệ bởi các đỉnh nhiễm sắc thể (telomere) và enzyme telomerase.

Theo đánh giá của cơ quan xét chọn và đề cử giải Nobel y khoa cho Hội đồng Nobel, phát hiện của ba nhà khoa học đã “giải quyết được một vấn đề lớn trong sinh học, mở ra các hiểu biết mới về tế bào, làm sáng tỏ về cơ chế của các rối loạn, và thúc đẩy sự phát triển các phương pháp điều trị mới khả quan”.

Việc nghiên cứu enzyme này của nhóm ba nhà khoa học Mỹ được xem là đóng góp lớn cho sự phát triển của y học trong việc tìm ra phương cách trị bệnh ung thư – buộc tế bào ung thư phải chết đi; qua đó gia tăng khả năng chống lão hoá cho con người.

Bà Elizabeth Blackburn. Ảnh Reuters.

Nghiên cứu này đã được nhóm này triển khai từ những năm 1970.

Bà Elizabeth Blackburn, 60 tuổi, là giáo sư Đại học California, San Francisco. Bà Carol Greider, 48 tuổi, làm việc tại Trường y khoa Johns Hopkins ở Baltimore. Ông Jack Szostak, 56 tuổi, đang làm việc tại bệnh viện đa khoa MassachusettsBoston và viện y khoa Howard Hughes.

Đây là lần đầu tiên có hai nhà khoa học nữ cùng lọt vào trong giải thưởng danh giá này.

Như vậy, cả ba người Mỹ này đã vượt qua những ứng cử viên sáng giá khác như nhà khoa học người Canada là Ernest McCulloch và James Till, những người đã có công tìm ra tế bào gốc vào những năm 70, và từng giành giải Lasker danh giá cho nghiên cứu y học căn bản.

Giải Nobel Y học năm ngoái đã được trao cho nhà khoa học Đức Harald zur Hausen và hai nhà khoa học người Pháp Luc Montagnier và Francoise Barre-Sinoussi vì những nghiên cứu của họ về loại virus gây bệnh AIDS.

Như vậy là mùa giải Nobel 2009 đã chính thức khai màn với việc công bố giải Nobel trong lĩnh vực y học.

Ông Jack Szostak. Ảnh Reuters.

Sau giải Y học, các giải thưởng trong lĩnh vực vật lý, hoá học, văn học, hoà bình, và kinh tế sẽ lần lượt có chủ từ nay cho tới ngày 12/10.

Như mọi năm, giải Nobel Hoà bình vẫn được nhiều người chờ đón và mong đợi hơn cả. Được biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng xuất hiện trong danh sách đề cử.

Như thường lệ, các giải thưởng sẽ được được trao vào ngày 10/12 nhân kỷ niệm ngày qua đời của Alfred Nobel.

Khác với tất cả các giải trong các lĩnh vực y học, vật lý, hoá học, văn học hay kinh tế, giải Nobel Hoà bình 2009 sẽ được công bố vào ngày 9/10 tới tại Oslo của Na Uy, thay vì ở Stockhom, thuộc Thuỵ Điển.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Trịnh Phương Vũ Khúc!

Không xích sắt nào giày xéo nổi tự do

Không súng đạn nào bắn tan quyền dân chủ

Đâu thiên đường đâu địa ngục trần gian

Xin hãy để cho cuộc đời lên tiếng

Đôi dòng phụ họa với Hà Sĩ Phu về bài Trịnh Phương vũ khúc, bài thơ rất hay. Cảm ơn tác giả. HTMD

Trịnh Phương vũ khúc

Có chân nào như đôi chân Trịnh Phương

Từng băng băng trên đường chạy nước rút

Nhưng giữa một đêm tang thương Trung Quốc

Trên đường chạy Thiên An môn, về đích Tự do

Đôi chân Người đã thua

xích xe tăng của bầy quỷ ác

xông ra từ góc tối một “ Thiên đường”

xiết búa liềm trên máu thịt quê hương.

*

Sắt thép bạo quyền

Không nghiền nổi Trịnh Phương

Rồi những chiếc đĩa, những ngọn lao

Từ sức trẻ thần kỳ vẫn phóng ra đúng đích

Chí sắt đá tạo nên nhà vô địch

Những huy chương vàng trên một chiếc xe lăn.

Nhưng chẳng huy chương nào

giúp anh thoát khỏi những cuộc săn.

của những kẻ mệnh danh đồng chí !

*

Trớ trêu thế, anh dạt vào nước Mỹ

Nơi bị rủa là văn minh kỹ trị

Là hổ giấy, là quân thù,

là giẫy chết, không mồ chôn!

Với tình người và kỹ thuật đỉnh cao

đã chắp cho anh đôi chân giả mê hồn,

anh khiêu vũ như thuở nào nguyên vẹn.

Cuộc tái sinh nào không tươi màu ước hẹn

Đôi chân này, hỏi đôi cánh nào hơn ?

*

Thiên An môn ? Địa bất an môn ?

Vòi rồng kia dẫu rửa hết máu của Tự do

Không lấp được những chân người cự phách

Thấm vào đất, trầm tích như hóa thạch

Cho muôn đời biết lối đến yêu thương

*

Ta đứng đây , rộn rã nhạc muôn phương

Valse dịu và Tango quyến rũ

Đẩy man dại, cuồng si vào quá khứ

Khiêu vũ đi nào

Trịnh Phương…

Trịnh Phương…

HSP

Tuyển công chức Hà Nội!

Nhìn vào đề thi tuyển công chức ở Hà Nội mà cứ ngỡ như đây là một kì thi môn chính trị dành cho sinh viên. Thì ra trong tư duy của người tuyển dụng, hễ ai có đủ kiên nhẫn và can đảm ngồi "tụng" hết những gì trong đề cương ôn tập đều có thể trở thành một công chức tốt, trong sáng và "thanh lịch, văn minh" cả. Nếu sự thật đúng như thế thì quả là hồng phúc cho dân tộc, vì đâu cứ gì đến các vị công bộc của nhân dân tương lai này mới sành món học thuộc lòng mà hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam ai cũng có cái tư chất quí báu này cả, do đã được rèn luyện từ ngày đầu tiên đi học cho đến khi kết thúc bậc cao học. Thế mới thấy chuyện học thuộc đề cương ôn thi để trả bài là chuyện nhỏ, còn chuyện lớn hơn là tuyển được những bậc phụ mẫu chi dân có tài có đức thì không biết hiệu quả tới đâu, vì suy cho cùng chức năng của một cái máy cassette, dù cho nó là của hãng nào, Nhật hay Tàu, được chạy bằng năng lượng gì, pin, điện hay là ...cơm thì muôn đời nó vẫn chỉ có 2 chức năng là thu và phát thôi, ngoài ra không hề có khả năng "đột phá" nổi bất cứ việc gì, dù là nhỏ nhất. Lối tư duy tuyển dụng kiểu đó thì có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có và con người Việt Nam, vốn nổi tiếng cần cù chịu thương chịu khó vẫn sẽ tiếp tục nhồi nhét vào bộ não vốn đã không còn khả năng tư duy độc lập nữa những bài tủ mà người ta gà sẵn để có thể trở thành một công chức tốt, thật đơn giản!

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Trơ trẽn!

Phật giáo Việt Nam sau năm 75 đang phải chịu một pháp nạn lớn chưa từng thấy. Trong khi sức khỏe, sự nghiệp tu hành của 400 tăng ni trẻ ở Bát Nhã đang chơi vơi chưa biết ra sao, trước sức ép của chính quyền và đáp côn đồ được bảo kê thì lãnh đạo GHPGVN hoàn toàn im hơi lặng tiếng, tỏ rõ quyết tâm hành trì nghiêm mật pháp môn "im lặng như hèn nhát" thì nay các vị thầy tu quốc doanh này lại bày trò tuyên dương công đức này nọ cho ban tôn giáo chính phủ, thật là một việc làm trơ trẽn và lố bịch chưa từng thấy. HTMD



Tuyên dương công đức ông Nguyễn Thế Doanh - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ

02/10/2009 20:13 (GMT+7)
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

(GNO-Hà Nội): Ngày 30-9-2009, tại Trụ sở TƯGH, GHPGVN đã trọng thể tổ chức lễ Tuyên dương công đức ông Nguyễn Thế Doanh - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ và tặng quà lưu niệm, để ghi nhận công đức của ông trong suốt quá trình hoạt động công tác Phật sự thời gian qua, giúp GHPGVN phát triển vững mạnh.

HT. Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS, TT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch HĐTS, TT. Thích Gia Quang - Phó Tổng thư ký HĐTS, Chánh văn phòng I TƯGH cùng chư tôn đức Uỷ viên HĐTS, văn phòng I đã quang lâm chứng minh và chúc mừng. Tới dự, ngoài ông Nguyễn Thế Doanh - Trưởng ban tôn giáo Chính phủ còn có ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các chuyên viên trong Ban tôn giáo và các cơ quan chức năng đoàn thể.

Tại buổi lễ, TT. Thích Gia Quang đã công bố quyết định tuyên dương công đức cho ông Nguyễn Thế Doanh. Nhân dịp này, HT. Thích Thanh Tứ bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với Ban tôn giáo Chính phủ nói chung và ông Trưởng Ban tôn giáo đã luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho GHPGVN phát triển hội nhập trong thời đại mới.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Tâm thư thiền sư Nhất Hạnh gửi chủ tịch nước

Cái này gọi là tâm thư cũng được, huyết thư cũng được. Thiền sư Nhất Hạnh đã phải lên tiếng kêu gọi người đứng đầu đất nước ngăn chặn cái hành động "trái chống luân thường đạo lý" đang diễn ra tại mảnh đất hình chữ S với hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, với hơn 2.000 năm Phật giáo tồn tại và phát triển. Hơn 40 năm trước, chính thể Ngô Đình Diệm sụp đổ mà lý do chủ yếu là do họ đã (dám) đàn áp Phật giáo, và tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận của thiền sư cũng dừng lại ở cột mốc lịch sử đó. Không biết các vị lãnh đạo Việt Nam ngày nay có muốn bổ sung thêm một chương mới cho lịch sử Phật giáo nước nhà?! HTMD

Thư của Giáo sư Nguyễn Lang gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

New York ngày 30 tháng 9, 2009
Kính thưa Chủ tịch,

Tôi không biết hiện giờ Chủ tịch đang ở đâu, nên nhờ mạng Phù sa gửi một bản thư này đến Chủ tịch. Đây là một tiếng chuông chánh niệm. Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ. Ngày xưa trong Cách mạng chống Pháp, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tới ẩn náu tại chùa và các thầy các sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở. Bây giờ đây cảnh sát và công an của Chủ tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa (Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc). Hiện thời cảnh sát và công an của Chủ tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của Cách mạng. Tôi xin Chủ tịch kịp thời ngăn chặn hành động trái chống luân thường đạo lý này.

Trân trọng cảm ơn Chủ Tịch.

Nguyễn Lang
Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận