Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Ngập lớn ở Quảng Nam là do thủy điện A Vương xả đập!

Hóa ra trong vụ ngập lụt ở Quảng Nam vừa rồi, ngoài yếu tố thiên tai ra thì "nhân tai" cũng góp một phần vô cùng quan trọng khiến cho tình hình ngập trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do ông thủy điện không tính toán đúng thời điểm xả đập để đến khi nước dâng lên quá xá thì ổng hoảng lên vì sợ vỡ đập, bèn quyết định xả 150 triệu mét khối nước trong lúc trời đang mưa bão. Đúng là trong pha bóng này, ông trời và ông A Vương (chắc từ nay phải gọi ổng là Diêm Vương quá) đã phối hợp với nhau hết sức đẹp mắt, chỉ có bà con mình là trắng mắt ra! HTMD

A Vương xả lũ: Bài học xương máu phải rút kinh nghiệm

VietNamnet- “Sự chọn lựa sinh tử trong giờ phút nguy hiểm ấy là bài học xương máu cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm” – ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói về việc nhà máy thuỷ điện A Vương tiến hành xả lũ khiến đỉnh lũ vượt rất xa các đỉnh lũ lịch sử, gây thiệt hại cho người dân đợt bão số 9 vừa qua.

A Vương xả lũ chưa đúng qui trình

Trong cuộc họp với các thành viên UBND tỉnh để triển khai công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh nhấn mạnh, công tác phòng tránh đã được chủ động. Tuy nhiên, việc vận hành xả lũ tại các hồ chứa nước thuỷ điện nơi vùng thượng nguồn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

“Cần phải có một qui trình xả lũ và sự quản lý điều hành chặt chẽ, khoa học đối với các hồ chứa nước nhà máy thuỷ điện nơi đầu nguồn, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Việc xả lũ vừa qua của nhà máy thuỷ điện A Vương cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm…” – ông Lê Minh Ánh nói.

Hồ chứa nước thuỷ điện A Vương xả lũ

Việc nhà máy thuỷ điện A Vương tiến hành xả khiến đỉnh lũ vượt rất xa các đỉnh lũ lịch sử gần 2m nước, theo ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người nhiều năm theo dõi mảng công nghiệp thừa nhận: “Việc xả lũ của nhà máy thuỷ điện A Vương ngay trong bão vừa qua là chưa đúng qui trình”.

Tại thời điểm bão đổ bộ, lũ thượng nguồn đổ về, những người có trách nhiệm vận hành hồ chứa nước thuỷ điện A vương đã đặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào tình thế khó xử: Không cho xả lũ thì nguy hiểm đến an toàn của hồ chứa, còn cho xả lũ thì nguy hiểm đến tính mạng của hàng trăm nghìn hộ dân vùng hạ lưu.

“Sự chọn lựa sinh tử trong giờ phút nguy hiểm ấy là bài học xương máu cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm. Nếu cần thiết, phải chấp nhận sự hy sinh về kinh tế của nhà máy, chấp nhận xả nước của hồ chứa trước khi lũ về…” – ông Thu nhấn mạnh.

Không còn lựa chọn nào khác?

Trưa 29/9, khi gió bão gầm rít trên đầu, thông tin báo người chết, nhà đổ, lời cầu cứu giúp đỡ từ các địa phương tới tấp gọi về ban chỉ huy phòng chống lụt bão, thì cũng là lúc lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nhận được báo cáo xin được xả nước lòng hồ thuỷ điện A Vương.

Trong cuộc hội ý chớp nhoáng diễn ra ngay buổi trưa đó, tất cả lãnh đạo tỉnh đều thống nhất không đồng ý cho xả lũ, nhưng sau đó ít tiếng đồng hồ, thông tin từ thuỷ điện A Vương báo về, nếu không cho xả lũ thì nguy cơ vỡ hồ chứa!


Xả nước hồ chứa thuỷ điện A vương đã góp phần làm ngập nhà dân vùng hạ lưu

Không còn sự chọn lựa nào khác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh và các thành viên đành phải “gật” cho xả lũ. Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi đó còn bất lực thốt lên: “Kiểu ni thì chết!”.

Ngay sau khi A Vương tiến hành xả lũ, lũ bắt đầu lên vùn vụt, mỗi giờ nước lên hơn 10cm. Đỉnh lũ lúc 3 giờ sáng ngày 30/9, nghĩa là sau 11 giờ xả lũ của hồ chứa nhà máy thuỷ điện A Vương, đã vượt xa đỉnh lũ lịch sử của các năm gần 2 mét nước. Vùng hạ lưu ngập chìm trong lũ khi bão chưa tan.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét