Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Xem "thành tích" của ĐH Công nghệ!

Từ khi thành lập cho đến nay, ĐH Công nghệ luôn được coi là "điểm sáng" trong lĩnh vực hợp tác và liên kết đào tạo.

Hơn 60% số cán bộ khoa học của trường có học vị tiến sỹ. Trong 5 năm qua, ĐH Công nghệ đã công bố quốc tế gần 150 công trình khoa học (trong đó, 35 công trình đăng trên các tạp chí, hơn 110 công trình đăng trên kỉ yếu của các hội nghị khoa học).


Mục tiêu của ĐH Công nghệ là trở thành một trường ĐH đẳng cấp quốc tế.

Như nhiều bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn, trong khoa học những cái gọi là "đăng trên kỉ yếu của các hội nghị khoa học" chỉ có một giá trị khoa học rất thấp vì thực chất những bài viết đó chưa được thông qua quá trình kiểm duyệt nghiêm túc. Đó là chưa kể chất lượng của các hội nghị khoa học là rất không giống nhau, "thượng vàng hạ cám" đủ cả, nên việc đăng trong kỉ yếu không nên được tính đến như là một "thành tựu" nghiên cứu khoa học. Như vậy, nếu tính 35 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế (không biết uy tín của những tạp chí này như thế nào) trong 5 năm thì trung bình mỗi năm trường chỉ công bố được trung bình 7 bài, trong khi lực lượng tiến sĩ của trường chiếm đến 60% trong tổng số cán bộ giảng dạy. Tạm giả định tổng số cán bộ giảng dạy của trường là 100 thì hiện có 60 tiến sĩ, vậy hiệu suất công bố của mỗi vị là 0,12 bài/năm, rõ ràng đây không phải là một con số đáng tự hào.


Mục tiêu đến năm 2010: có 25% SV ngay sau khi tốt nghiệp được học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo - nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài, được làm việc tại các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới.

Chất lượng (nghiên cứu) của thầy còn rất khiêm tốn, nhưng mục tiêu cho năm sau (2010) thì vô cùng hoành tráng. Tôi tiếp tục giả định số sv của trường tốt nghiệp vào năm sau là 100 thì theo mục tiêu, sẽ có 25 sv được nhận các học bổng (hoặc tự túc) du học để có thể "được học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo - nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài". Nếu đúng như vậy thì quả là hồng phúc của Việt Nam, vì ai cũng biết để được đi du học thì ngoài kiến thức chuyên môn khá thì thí sinh phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu 550 điểm Toefl. Chỉ 4 năm học ở bậc đại học mà trường có thể đào tạo được 1/4 trong tổng số sv của mình đạt trình độ đó thì phải nói là bái phục.
Ai cũng biết giữa lời nói với việc làm luôn là một khoảng cách rất lớn và với tình hình của nước ta, đặt ra mục tiêu cao như vậy liệu có khả thi không, hay là các ngài chỉ đề ra theo cảm hứng. Năm sau (2010) chúng ta sẽ có câu trả lời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét