Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Phản hồi bài viết của ông Nguyễn Ngọc Trân

Phản hồi bài "Để làm đúng kết luận của Bộ Chính trị về Bauxit ở Tây Nguyên"

Đối với một đại dự án có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến môi trường, kinh tế, xã hội và nhất là an ninh quốc gia như dự án Bauxit lẽ ra phải có những nghiên cứu vô cùng cẩn thận trước khi tiến hành khai thác. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Mặc dù chưa có những đánh giá, nghiên cứu thấu đáo nhưng các điểm khai thác ở Nhân Cơ và Gia Rai đã khởi động. Trước bức xúc của các nhà cách mạng lão thành, các nhà khoa học trong và ngoài nước và người dân, Bộ Chính Trị đã có phản ứng bằng cách "cho rà soát" lại ảnh hưởng của dự án. Chưa bàn đến việc tại sao và dưới áp lực gì mà không cho ngưng ngay một dự án hại nhiều hơn lợi trên, mà ngay cả từ ngữ "rà soát" cũng khiến người ta khó hiểu. Rà soát tức là vẫn cho làm, dưới sự giám sát của địa phương và các bộ ngành. Tuy nhiên, lấy gì đảm bảo cho những báo cáo lên trên mang tính trung thực cao. Nguyên ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân thì có mối quan ngại rằng trình độ sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính Trị. Một nỗi lo có lý. Thế nhưng ở đây lại đặt ra một câu hỏi: Những người nắm quyền điều hành dự án to lớn này là ai mà trình độ kém thế?! Rồi còn những vị đang quản lý, điều hành các dự án lớn khác thì sao, câu trả lời xin nhường lại cho các vị có thẩm quyền.
Nỗi lo thứ 2 mà ông Nguyễn Ngọc Trân đưa ra là các hội nghị "phản biện" được dàn cảnh. Đây là điều có thật và có vẻ như nó đang diễn ra đối với dự án này. Bất chấp những quan ngại của các nhà khoa học, bất chấp những lá thư thỉnh nguyện đầy bức xúc và thiết tha của họ, bất chấp những lý lẽ, lập luận đúng đắn thì dự án vẫn đang tiếp tục được tiến hành. Tại sao vậy? Cái gì đã khiến cho dự án này không thể ngưng được. Tại sao người ta vẫn cho tiến hành một dự án đầy mạo hiểm này bằng mọi giá?!
Nỗi lo thứ 3 là khả năng phối hợp giữa các bộ ngành, Tập đoàn khoáng sản và địa phương. Thật ra, khi một dự án càng có quá nhiểu bên hữu quan tham gia thì nỗi lo "cha chung không ai khóc" càng lớn. Qua những vụ sai sót trong quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm hay trước đây là PMU 18, chúng ta sẽ thấy rõ sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền như thế nào. Khi xảy ra sai sót hay tiêu cực, các vị có trách nhiệm sẽ sẵn sàng "đăng đàn" trước Quốc Hội để mong chối tội, nếu nhận lỗi thì bất quá chỉ dừng ở mức nhận khuyết điểm.

Phần kết bài viết của ông Nguyễn Ngọc Trân rất có lý. Vấn đề là chúng ta phải chăm lo cho đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như thế nào, chứ không phải áp đặt cho họ một dự án mà họ không hề mong muốn. Trong hai cuộc chiến tranh, đồng bào đã làm tất cả để giúp đỡ cách mạng, không lẽ giờ đây họ phải đón nhận một "món quà" đền ơn đáp nghĩa kiểu như vậy?!

Bài viết của ông Nguyễn Ngọc Trân
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6906/index.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét