Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Đánh thức tâm huyết khoa học...

Đánh thức tâm huyết khoa học như thế nào?

Theo như nhận định của ông Lâm Bá Nam (Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Khoa học xã hội- Nhân văn- ĐH QGHN), đồng tiền chưa phải là "vật cản" trong NCKH của người thầy mà theo ông nguyên nhân chủ yếu của tình trạng yếu kém trong nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH là do các giảng viên trẻ thiếu tâm huyết! Đúng là trăm dâu đổ đầu tằm, người cán bộ trẻ lại là nguyên nhân chủ yếu của sự yếu kém này. Tôi nghĩ oan cho họ quá. Theo như chỗ tôi biết qua những giảng viên trẻ là bạn bè của tôi thì thu nhập của họ là một vấn đề cần bàn đến. Ở độ tuổi trên dưới 30, tức là đã trải qua hơn 5 năm công tác, hiện giờ mức lương của họ vẫn chỉ đủ chi trả cho một đời sống khá chật vật. Trong việc giảng dạy, họ chỉ được tham gia ở mức độ rất hạn chế, vài chục tiết giảng /học kì. Hỏi ra mới biết là do các bậc cây đa cây đề đã giành phần hết rồi, hi hữu lắm thì chỉ "nhường" cho một số môn buổi tối hoặc khi các vị đi nước ngoài.
Còn kinh phí nghiên cứu lại càng hạn chế. Bạn tôi đang nhận một đề tài cấp Bộ (nghe oai quá), nhưng cũng chỉ vỏn vẹn vài chục triệu đồng. Chắc cũng chỉ vừa đủ để mua hóa chất và có việc cho mấy đứa sv làm đề tài. C'est tout!.

Theo qui định của trường, ai có 1 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế sẽ được đánh giá tương đương với 500 giờ dạy! Thế nhưng với hoàn cảnh hiện tại, tôi nghĩ đây vẫn chỉ là một ước mơ xa vời.

Người ta thường gán cho những người trẻ nhiều trách nhiệm phải thực hiện, điều này đúng. Thế nhưng nếu chỉ giao trách nhiệm mà không có những quyền lợi (hay chí ít là những phương tiện đi kèm) thì trách nhiệm kia sẽ không thể thực hiện được. Người ta không thể tiếp tục duy ý chí mãi được. Xin đừng viện dẫn về lịch sử, về một thời hào hùng của quá khứ mà đem so sánh với hoàn cảnh hiện tại. Chúng tôi không chối bỏ trách nhiệm của mình, nhưng cũng mong người khác đừng đem những phê phán thiếu thực tế áp đặt cho chúng tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét