Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Về dự án Bauxite - viết tiếp

Theo báo cáo của chính phủ (CP) trình lên quốc hội (QH) ngày 23-5-09 thì tuổi thọ của đại dự án này kéo dài 50 năm. Như vậy, nếu một nhiệm kì QH là 5 năm thì phải cần đến 10 nhiệm kì liên tục mới giám sát xong dự án này. Như vậy, điều cần phải quan tâm trước tiên là tính kế thừa về chức năng giám sát của quốc hội. Ai trong chúng ta cũng biết rằng do tư duy nhiệm kỳ, những người có trách nhiệm sẽ rất dễ dàng trút bỏ trách nhiệm của mình lại cho người kế cận mà người ta thường nói một cách mỉa mai là "hạ cánh an toàn". Đến lượt mình, người kế thừa cũng không ngần ngại chối bỏ trách nhiệm vì đây là "chuyện đã rồi". Thực tế cho thấy, chỉ nội việc giám sát xây dựng một cây cầu, một con đường với thời gian vài ba năm thôi chúng ta cũng đã không làm nổi và để xảy ra biết bao nhiêu tiêu cực thì với một dự án lớn với quy mô trải dài cả không gian và thời gian này thì sao? Câu hỏi này xem ra cũng không khó trả lời!
Một câu hỏi nữa là tính minh bạch trong việc "đưa quân ta giám sát quân mình" đến đâu? Cần phải nhìn nhận là từ trước đến giờ, những vụ án lớn như PMU18 hay vụ quota Bộ Thương Mại đều do nhân dân và báo chí phát hiện chứ các cơ quan thanh tra các cấp từ trung ương đến địa phương đâu có phát hiện được gì. Sự kiện mới nhất là vụ scandale trên trang web vietnamchina.gov.vn cũng do một blogger là Lê Tuấn Huy phát hiện chứ có phải một cơ quan quản lý thông tin nào đâu. Nói vậy để thấy rằng hiệu quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước là rất thấp, giờ đây lại giao cho họ giám sát vụ này thì ai dám tin.
Qua những bài viết trên bauxitevietnam.info, có thể thấy rằng lẫn trong những phân tích đầy sắc sảo và trách nhiệm cùa các chuyên gia, nhà khoa học, trong những cảnh báo có pha lẫn lo âu của các nhà quân sự hay các cựu chính khách, chúng ta vẫn cảm nhận được một sự cay đắng và bất lực của họ. Sự thật của hiểm họa thì rành rành ra đó, nhưng can gián không ai nghe, còn đại đa số quần chúng nhân dân thì bị bưng bít thông tin, thử hỏi những ai có chút lòng với quốc gia dân tộc không cảm thấy đau xót cho được. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Thôi thì nhiệm vụ của một công dân, một người (tạm cho là) trí thức phải làm tròn là tham gia kí tên vào bản danh sách kiến nghị, vậy thôi, còn biết làm gì hơn nữa. Nỗi lòng biết tỏ cùng ai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét