Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Bút sa, Tây Nguyên chết!

Mọi sự được bắt đầu từ Bản tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (theo bản tin của TTXVN,3/12/2001), trong Bản tuyên bố chung có đoạn:
"Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông".


Nếu chỉ nhận xét đơn thuần trên câu chữ, chúng ta cũng có thể thấy đoạn văn trên có vấn đề: một đoạn văn đang đề cập đến những thỏa thuận hợp tác rất tổng quát lại kèm theo sau nó một câu đề cập cụ thể đến tên của một dự án. Đây là lỗi trong cách hành văn mà nếu tinh ý ai cũng có thể thấy được. Ai cũng thấy, chỉ một người ...không thấy. Và thế là mọi sự rắc rối từ đây phát sinh. Ông bà ta đã có câu "Bút sa, gà chết" hay "Trật con toán, bán con trâu" với ngụ ý nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận trong từng câu chữ trong tính toán, giao dịch. Điều này lại càng cần thiết đối với những người đang nắm trong tay vận mệnh của một đất nước, một dân tộc. Thế mà...

Cần phải nhắc lại để thấy rằng, hiệp ước hợp tác khai thác bauxite này được kí mà chưa một lần được đem ra bàn bạc trước Quốc hội để giờ đây khi nó đã thành hình và bắt đầu triển khai, người dân mới bật ngửa. "Cả nể cho nên sự dở dang", áp dụng câu thơ của Hồ Xuân Hương cho sự việc này được chăng?! Trong bài thơ, nữ sĩ chỉ muốn đề cập đến sự nhẹ dạ cả tin của một người con gái khi trót lầm tin vào một gã sở khanh, để đến khi mọi việc lỡ làng thì "Mảnh tình một khối thiếp xin mang". Ở đây, cái giá phải trả cho sự nhẹ dạ ấy đắt hơn cả ngàn vạn lần. Rồi đây, nếu đại dự án này được triển khai (mà gần như chắc chắn nó phải như vậy) thì những tổn hại cả trước mắt lẫn lâu dài này ai phải gánh chịu đây. Cái giá của sự nhu nhược luôn rất đắt. Năm xưa, vua Trần vì ý chí của toàn dân mà đứng lên chống giặc, kết quả ta đã khuất phục được quân Nguyên xâm lược. Nhà Nguyễn chủ trương đình chiến, cắt đất cho giặc, cuối cùng phải chịu mất nước. Bài học lịch sử hãy còn sờ sờ ra đó, dám xin tất cả đừng quên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét